Xe nhập khẩu đang gây sức ép lớn lên xe sản xuất trong nước |
Chẳng cần chờ đến khi thuế nhập khẩu hạ xuống còn 0% các nhà sản xuất ô tô trong nước mới “lo ngại” đối thủ là các nhà nhập khẩu. Đối sách của Vama là “mượn tay” các cơ quan quản lý để “ngăn chặn” xe nhập khẩu.
Lo ngại trước xu thế xe ô tô nhập khẩu ngày một nhiều, cạnh tranh áp đảo với xe sản xuất trong nước, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) liền có văn bản gửi các cơ quan chức năng “bày tỏ” sự lo ngại về tình trạng gian lận trong khai báo giá ô tô nguyên chiếc nhập khẩu. Phát hiện chẳng có gì mới mẻ này của VAMA đã gây nên một cuộc tranh luận không nhỏ giữa các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất trong nước, vốn đã không ưa nhau và có nhiều tỵ nạnh.
Sẵn dang đối chứng
Trong văn bản gửi Liên bộ Tài chính - Công Thương, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, VAMA cho hay trước đây đã có lần VAMA từng bày tỏ sự lo ngại về hiện tượng gian lận qua giá khai báo tính thuế của một số đơn vị nhập khẩu. Thế nhưng, các hành vi gian lận này không những không giảm mà lại có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. VAMA cho rằng, xe nhập khẩu cả mới lẫn cũ đang bị “làm giá”, doanh nghiệp cố tình khai giá thấp hơn so với thực tế để trốn thuế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xét về lượng, ước tính trong 9 tháng đầu năm số xe nhập khẩu (50.000 chiếc) đã cao hơn một nửa so với lượng xe mà các nhà sản xuất ô tô trong nước bán ra. So với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù lượng ô tô nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm nay có giảm khoảng 11% về giá trị, song đã vượt 3,5% về lượng. |
Trong các dòng xe được VAMA tiến hành khảo sát qua các năm 2007, 2008 và 2009 cho thấy giá năm sau luôn luôn thấp hơn so với năm trước. Hậu quả là Nhà nước mất nguồn thu thuế nhập khẩu, sau đó là thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT. Nghiêm trọng hơn, thị phần của xe nhập khẩu nguyên chiếc có thể tiếp tục tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Cụ thể, giá xuất xưởng chiếc Matiz AT đời 2009 là 6.065 - 7.027 USD. Các doanh nghiệp nhập khẩu khai báo giá với hải quan là 2.700 - 3.000 USD và bán ra thị trường với giá 11.800 - 14.900 USD. Tuy nhiên giá thực tế ghi trên hóa đơn chỉ là 10.400 USD; hoặc chiếc Hyundai Santa Fe 2188cc, diesel đời 2009, giá xuất xưởng là 20.434 - 26.238 USD. Các doanh nghiệp khai báo với giá 11.954 USD, bán ra thị trường với giá 48.900 USD, trong khi giá thực tế ghi trên hóa đơn chỉ 29.340 USD. Tình trạng làm giá tương tự cũng xảy ra với các dòng xe khác như Kia Morning, Hyundai Getz, Matiz Van… Với lượng xe nhập khẩu dự báo tăng khoảng 45% trong năm 2009, hành động này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước mà còn có thể gây ra mức thâm hụt thương mại lớn cho Việt Nam kể từ năm 2018 trở đi. Do đó VAMA đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại. Hiệp hội sẵn sàng cung cấp số khung, số máy, tên thương hiệu, nhà sản xuất, giá bán… để cơ quan chức năng làm căn cứ tính giá. Xem lại mình Văn bản của VAMA đã làm dấy lên một làn sóng “tranh luận” từ phía các nhà nhập khẩu vốn đã tích tụ nhiều ấm ức về việc các doanh sản xuất trong nước đã và đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Các nhà nhập khẩu thừa nhận có hiện tượng một số doanh nghiệp khai giá thấp hơn thực tế để “lách thuế”. Tuy nhiên, số lượng không nhiều, chỉ là chuyện “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Mặt khác, việc “gian lận” không dễ gì. Bởi tiếng là doanh nghiệp được quyền kê khai giá và giá tính thuế phải căn cứ trên khai báo của doanh nghiệp, song phần lớn các trường hợp họ đều không có được quyền chủ động như vậy. Giá khai báo xe nhập về đều khá sát ngưỡng giá tham vấn của hải quan. Bình luận về văn bản của VAMA, một quan chức hải quan cho rằng, để chứng minh doanh nghiệp nào đó gian lận cần phải có rất nhiều chứng cứ chứ không thể nói chung chung. Bên cạnh các dữ liệu như số khung, số máy, năm sản xuất, giá xuất xưởng do nhà sản xuất cung cấp, hải quan phải có hợp đồng gốc, giấy chuyển tiền… mới đủ cơ sở kết luận doanh nghiệp nào đó có gian lận thương mại hay không. Các doanh nghiệp nhập khẩu đều cho rằng, xe nội được ưu ái quá nhiều về chính sách song lại không phát huy được vai trò của mình. “Các liên doanh trong nước mới chỉ dừng ở trình độ lắp ráp chứ chưa phải là sản xuất, vậy thì cớ sao không để xe nhập khẩu chính hãng được cạnh tranh trực tiếp để giá bán xe trong nước có giá thấp hơn”, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu nói. Hiện nay, các hãng xe trong nước chỉ đóng thuế linh kiện vào khoảng 23 - 25%, trong khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc đóng thuế ở mức 83%. Như vậy, xe nội được ưu ái tới gần 60% điểm phần trăm thuế, nếu tính chi phí cho mỗi chiếc xe thêm 25% thì xe nội có cơ hội giảm giá bán tới 25%. “Được hưởng ưu ái như vậy, nhưng giá xe của VAMA vẫn cao, chứng tỏ giá của họ có vấn đề. Xe của liên doanh sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu mà lại đề xuất hạn chế xe nhập khẩu là vô lý" - một doanh nghiệp phân tích. Bài toán đau đầu 60 điểm phần trăm thuế là mức mà xe nội được ưu ái hơn so với xe nhập khẩu
Không đồng tình với mong muốn của VAMA, song trên thực tế, quản lý giá tính thuế ô tô nhập khẩu quả đúng là bài toán đau đầu của cơ quan hải quan. Mặc dù theo quy định, doanh nghiệp nhập khẩu tự khai báo giá tính thuế trên cơ sở hợp đồng đã ký, song cơ quan hải quan luôn luôn có khung giá tham vấn của riêng mình để đối chiếu. Cả doanh nghiệp và hải quan đều phải căn cứ vào khung giá này để khai báo và chấp nhận. Khung giá này không phải lúc nào cũng sát thực tế. Chuyện cao thấp vẫn tồn tại, dẫn tới khi thấp thì doanh nghiệp lợi dụng gian lận, khi cao thì xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Để cập nhật, cơ quan hải quan luôn có sự điều chỉnh bảng giá tham vấn này.
Quyết định điều chỉnh khung giá giá tính thuế ô tô lên mức cao hơn được cơ quan hải quan công bố chỉ sau hơn một tuần VAMA có văn bản “tố”. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này khiến khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ấm ức cho rằng hải quan ủng hộ VAMA. Thực tế các nhà quản lý đang đau đầu với bài toán cân đối nhu cầu thị trường và kiềm chế nhập siêu. Theo số liệu thống kê, ước tính trong 9 tháng đầu năm nay đã có gần 50.000 chiếc ô tô được nhập khẩu về nước, đạt giá trị kim ngạch khoảng 737 triệu USD. Để giải bài toán nhập siêu, thêm một lần nữa, thuế lại là công cụ điều tiết nhập siêu được tính đến. Bộ Công thương đề xuất tăng thuế nhập khẩu (hiện đang ở mức 83%) lên 90%. Giải pháp này không nhận được sự đồng tình của Bộ Tài chính, với lý do tăng giảm nhiều sẽ gây sốc cho thị trường. Vả lại, biện pháp tăng thuế không còn là “cây gậy” vạn năng được đưa ra sử dụng nữa khi mà theo các cam kết quốc tế chúng ta sẽ phải thực hiện một lộ trình giảm thuế nhập khẩu rất nhanh trong vòng từ 8 - 10 năm nữa. Xem ra cuộc chiến nội - ngoại và bài toán phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, kiềm chế nhập siêu còn nhiều cam go.
(Theo Nguyễn Hà // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com