Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Công nghiệp ôtô VN: Kèm với “bảo hộ” là gì?

Chính sách thuế NK cao càng tạo điều kiện cho những chiếc xe trở thành “siêu xe” khi nhập về VN

Bộ Công Thương vừa có đề nghị từ nay đến năm 2018 sẽ tiếp tục chính sách thuế nhập khẩu cao cho các sản phẩm ôtô, phụ tùng linh kiện ôtô mà trong nước đã sản xuất được.

Ngay sau đề nghị của Bộ Công Thương, phần lớn các DN đều đồng thuận với đề xuất này. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến trăn trở với câu hỏi: Liệu với việc tiếp tục “bảo hộ” như vậy thì ngành công nghiệp ôtô có phát triển không, Nhà nước được lợi gì ? Và đặc biệt là người tiêu dùng có mua được xe với giá phù hợp, thấp ngang với các nước trong khu vực hay không? Khó. Rất khó nếu nhìn lại quá trình phát triển của chính các DN, nhất là các liên doanh. Tại sao ?

Vẫn là đề xuất đã cũ

Theo cam kết tự do hoá thương mại khu vực Asean/Afta, năm 2018, VN sẽ phải mở cửa hoàn toàn đối với thị trường ôtô. Và khi đó chắc chắn ôtô ngoại, mà cụ thể là của những nước có ngành công nghiệp ôtô lớn hơn VN nhiều trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia sẽ nhanh chóng được nhập vào VN. Vậy đối phó với tình hình đó như thế nào khi biện pháp thuế không còn quan trọng ?

Bộ Công Thương đề xuất việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ở mức cao thích hợp và ổn định đến năm 2018 cho các sản phẩm ôtô, linh kiện, phụ tùng ôtô trong nước đã sản xuất được hoặc cần khuyến khích đầu tư. Đối với các sản phẩm mà trong nước chưa sản xuất được đề nghị áp dụng mức thuế nhập khẩu bằng không hoặc bằng mức sàn theo cam kết. Riêng các sản phẩm là ôtô bus, ôtô tải và các sản phẩm ôtô tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường, Bộ đề nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội giải pháp ưu tiên, đặc biệt là giảm 50% thuế suất thuế GTGT so với mức hiện hành...

Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất quan trọng nhất của Bộ Công Thương không có gì mới, mà vẫn chủ yếu sử dụng biện pháp thuế như đã từng làm trong thời gian qua để tạo điều kiện cho ngành và các DN sản xuất ôtô trong nước. Điều quan trọng là liệu với việc tiếp tục “bảo hộ” như vậy có đi đến kết quả như mong muốn hay không ?

Chỉ có lợi cho DN ?

Theo một chuyên gia thì khi ưu tiên, hỗ trợ cho các dự án trong khuôn khổ nào đó, các cơ quan quản lý cần phải có các kiểm soát hiệu quả về đầu tư nâng cao nội địa hoá và đặc biệt là bắt buộc các DN phải bán sản phẩm với giá thấp hơn cho người tiêu dùng.

Đó là câu hỏi được nhiều chuyên gia về ôtô đặt ra đối với đề xuất này. Những chuyên gia này khẳng định là việc tiếp tục “bảo hộ” là cần thiết, nhưng đi kèm với nó ta phải làm cái gì ? Điều này xuất phát từ việc, dù đã có nhiều ưu đãi từ lâu, nhưng cho đến nay có rất nhiều DN, nhất là các liên doanh không thực hiện theo đúng cam kết, nhất là về vấn đề nội địa hoá, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp. Đó là chưa tính đến những yếu tố khác liên quan đến người tiêu dùng. Chúng ta đã, đang ưu tiên cho các DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước thông qua biện pháp, chính sách thuế, nhưng tại sao giá xe do các DN này bán ra lại vẫn quá cao. Bên cạnh đó, cũng có thể đặt câu hỏi về lợi ích cho Nhà nước dưới hai góc độ rằng: Chúng ta đã ưu tiên cho các DN nhiều nhưng tại sao ngành CN ôtô VN đến nay vẫn chậm phát triển, vẫn thua kém nhiều nước trong khu vực ? Tại sao công nghệ của các DN vẫn chủ yếu là lắp ráp đơn giản ? Số thu của Nhà nước từ các DN này như thế nào ? Nhiều hay ít, so sánh với việc khi không ưu tiên ? Các DN đã tạo công ăn việc làm như thế nào ?... hàng loạt câu hỏi dược đặt ra khi chúng ta tiếp tục cần thiết phải ưu tiên cho các DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính là nơi cần trả lời các câu hỏi đó trước khi đưa ra những đề xuất.

Mặt khác, theo quan điểm của một DN trong lĩnh vực này thì những đề xuất của bộ cũng cần phải cụ thể hơn, chi tiết hơn. Ví dụ với việc đề xuất cần ưu đãi cho các dự án đầu tư của ngành này thì phải xác định cụ thể đối tượng DN, những cam kết cụ thể của DN khi được ưu tiên như về sản phẩm, giá bán. Và quan trọng hơn là những biện pháp chi tiết để kiểm soát tốt nhất, hiệu quả những cam kết của DN. Nếu không có những biện pháp này thì khi chúng ta ưu đãi xong, DN không thực hiện đúng cam kết mà ta chẳng làm gì được họ. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các cam kết của DN được ưu tiên thì lợi ích của việc này chỉ rơi vào DN. Còn ngành CN vẫn khó phát triển, lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng vẫn giậm chân tại chỗ.

Vẫn cần tiếp tục “bảo hộ”, nhưng đi kèm với bảo hộ là cái gì là điều mà Bộ Công Thương nên xác định sớm.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Công nghiệp ô tô Việt Nam: Vẫn câu chuyện đường xa
  • Các hãng xe hơi Mỹ đang tăng trưởng ngoạn mục
  • Ngành sản xuất ôtô nội địa: Liệu năng lực cạnh tranh có nâng cao?
  • Thị trường ôtô giữa mùa thấp điểm
  • Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện giao thông
  • Tiếp tục bảo hộ ngành sản xuất ôtô nội địa: Lợi cho ai?
  • Hyundai dừng mọi hoạt động ở Ấn Độ
  • Chrysler mạnh tay thu hồi gần 700.000 xe
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container