Ngành CN ôtô của VN mới dừng ở mức... lắp ráp |
Ngoài những vấn đề liên quan đến thuế suất cho bộ linh kiện, linh kiện, xe nhập ngoại (cả cũ và mới) thì một trong những vấn đề vẫn đang được chính các nhà quản lý, DN và người tiêu dùng quan tâm là việc lựa chọn dòng xe chiến lược trong phân khúc xe du lịch của VN. Dù việc này rộ lên từ năm ngoái với hàng loạt cuộc gặp gỡ, hội thảo do các cơ quan quản lý, nghiên cứu tổ chức.
CN ôtô đang ở đâu ?
Thực ra vấn đề này đã được DĐDN đề cập nhiều lần. Theo một chuyên gia hàng dầu của ngành công nghiệp ôtô thì bây giờ chúng ta vẫn chưa xác định được ngành công nghiệp ôtô VN đang ở đâu thì làm sao có thể tìm cách để cho ra đời được dòng xe chiến lược, mà lại là chiến lược cho xe du lịch. Mà dòng xe chiến lược này chỉ có một khoảng thời gian ngắn phải ra đời, đủ sức cạnh tranh với những nước mạnh về CN ôtô trong khu vực trước năm 2018. Thật quá khó.
Nói thế chứ phần lớn ý kiến của các chuyên gia lẫn DN khi được hỏi đều khẳng định ngành công nghiệp ôtô VN hiện nay, nhất là với xe du lịch vẫn chủ yếu đang là công nghiệp lắp ráp. Nói đúng hơn là công nghiệp lắp ráp chưa hoàn thiện, lắp ráp ở dạng thô sơ, đơn giản. Điều đó đồng nghĩa với việc mức độ đầu tư và chuyên môn hoá còn quá thấp. Vậy thì khi làm xe chiến lược có làm được không, có hợp lý không ?
Phải nói rằng, trong giai đoạn vừa qua, nếu nói về công nghiệp, về sản xuất, lắp ráp thì phân khúc xe thương mại, bao gồm xe tải, khác và bus đã tương đối thành công. Điều đáng lưu ý là sự thành công này chủ yếu dựa vào các DN trong nước như Trường Hải, TMT với tốc độ dầu tư nhanh, dù đi theo từng công đoạn (bắt buộc phải thế) nhưng có chiều sâu.. Còn ở phân khúc xe du lịch mà chủ yếu do các liên doanh hoặc DN 100% vốn nước ngoài thì gần như vẫn vậy. Có chăng chỉ là sự mở rộng dây chuyền nhằm lắp được nhiều xe, bán, thu tiền. Ở đây, chúng ta đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất, có phải xem lại đăng ký đầu tư của DN hay không ? Đến thời điểm hiện tại công suất của các DN lắp ráp ôtô ở mức độ nào ? Làm điều này vì xét về góc độ đăng ký đầu tư cũng như công suất, sản lượng của các DN thì thị trường VN chẳng bao giờ lại thiếu những mẫu xe tầm bình thường, thậm chí là thấp (cả về mẫu mã lẫn chất lượng), chẳng bao giờ lại có chuyện khách hàng cứ phải chờ đợi mới mua được xe mà giá thì ai cũng biết là cao vút. Câu trả lời là cần, rất cần và sớm đưa ra giải pháp.
Thứ hai, với tình trạng lắp ráp kéo dài như vậy, khi xác định chúng ta có làm dòng xe chiến lược thì có nên đưa các DN này vào đối tượng được triển khai hay không ?
Sơ cấp hay cao cấp ?
Ngành công nghiệp ôtô trên thế giới hiện đang có những biến chuyển mạnh mẽ xét về mặt kỹ thuật. Nói như một chuyên gia tại ĐH tổng hợp quốc gia Yokohama thì điều đó nghĩa là không còn đơn giản dựa vào hoạt động kỹ thuật cơ khí truyền thống, mà đang dần phụ thuộc hơn vào những tiến bộ mới của cuộc cách mạng điện tử cao cấp. Đó là sự thay đổi về đặc tính và cấu trúc các sản phẩm mà gần như bộ phận nào của xe với hàng chục ngàn linh kiện đều liên quan đến công nghệ điện tư. Điều này dẫn đến hàng loạt thay đổi mang tính hệ thống từ ý thức, tư duy của những người trong ngành lẫn người tiêu dùng, thay đổi về máy móc, thiết bị.
Nếu xem như ngành công nghiệp ôtô thế giới đang ở mức độ cao cấp và hơn thế nữa thì nói như những ai được hỏi ý kiến đều cho rằng công nghiệp ôtô du lịch của VN đang ở giai đoạn sơ cấp. Vậy thì lại thêm những câu hỏi được đặt ra là nếu VN xác định ngành công nghiệp ôtô đang ở mức sơ cấp thì có làm nổi dòng xe chiến lược hay không ? Quan điểm, xu hướng của người tiêu dùng như thế nào (chưa thấy ai nhắc đến) ? Điều này rất quan trọng – như lời của một DN trong ngành ôtô – vì nó quyết định sự thành bại của cả một chiến lược hay một chương trình... Thử đặt một ví dụ như đề xuất của Bộ Công Thương chọn dòng xe 7 chỗ ngồi, dung tích dưới 1.5L làm dòng xe chiến lược. Khoan chưa nói về mặt kỹ thuật, sản xuất mà chỉ nói về xu hướng tiêu dùng là dòng xe này có rẻ đến “mức cạnh tranh, phù hợp”, ai sẽ dùng khi mà xu hướng tiêu dùng đang hướng tới những sản phẩm cao cấp và cao cấp hơn nữa, cả về chất lượng, mẫu mã lẫn vấn đề môi trường. Mới ra đời thì như vậy, về lâu dài lại càng không, mà đã là dòng xe chiến lược thì phải mang nặng tính lâu dài theo đúng nghĩa của nó. Nực cười nếu đề xuất này được chấp thuận. tại một cuộc hội thảo cuối năm ngoái về vấn đề này, một DN tham dự nói vui: “có lẽ khi dòng xe này ra đời, người tiêu dùng lại chỉ thích đi các loại xe hai chỗ ngồi, tiết kiệm nhiên liệu hơn”.
Mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về xe chiến lược. Theo đó giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chế tạo, sản xuất tại VN các loại ôtô tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường, phù hợp với người tiêu dùng VN. Phó thủ tướng cho rằng cần cân nhắc thêm sự cần thiết phát triển dòng xe chiến lược trong phân khúc xe du lịch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
(Theo Linh Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com