Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành sản xuất xe đạp: Ngổn ngang hậu chống bán phá giá

Sau 5 năm áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với mặt hàng xe đạp của Việt Nam, với thuế suất 34,5%, ngày 15-7-2010, Ủy ban châu Âu (EC) đã dỡ bỏ mức thuế này. Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn phải chịu thuế suất CBPG 48,5%, đây là cơ hội và lợi thế cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN) phục hồi sản xuất và tiếp tục xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên, còn quá nhiều thách thức đặt ra cho ngành này trong thời điểm hậu CBPG.

Sản xuất xe đạp tại Công ty Nhựa Chợ Lớn. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Doanh nghiệp gặp khó

Xe đạp từng là một trong những mặt hàng công nghiệp xuất khẩu đầy triển vọng của VN giai đoạn 2000-2005. Vào lúc cao điểm, số lượng xe của VN xuất sang các nước Liên minh châu Âu (EU) đạt khoảng 1,1 triệu chiếc/năm, chiếm 11,69% thị  phần nhập khẩu của khối này. Nhưng từ ngày 1-7-2005, ngành này đã bị EC áp thuế CBPG khiến sản lượng xe đạp xuất khẩu giảm mạnh, chỉ còn 21.000 chiếc vào năm 2009.

Theo ông Châu Vĩnh Chí, Giám đốc Kinh doanh xuất nhập khẩu Công ty Asama Yu Jiun, vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là việc khôi phục sản xuất, tìm đối tác hay tìm kiếm các hợp đồng, mà làm thế nào để chúng ta tiếp tục được hưởng Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS). Nếu không có được 3,5% thuế ưu đãi từ GPS, công nghiệp sản xuất xe đạp VN sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Trước khi áp thuế CBPG, các DN VN nói riêng và các nước đang phát triển trong khu vực nói chung, đã được EU cho hưởng GPS. Thế nhưng, sau khi EC bãi bỏ việc áp thuế CBPG, mặt hàng xe đạp của VN  không còn được hưởng ưu đãi này vì bị liệt vào danh sách hàng nhạy cảm (hàng xuất sang EU thường được chia ra 3 cấp độ: bình thường, nhạy cảm và rất nhạy cảm. Nếu là hàng bình thường sẽ được hưởng GPS, hàng nhạy cảm không được hưởng và rất nhạy cảm sẽ bị kiện CBPG).

Theo nhận định của ông Chí, đây là thời điểm rất quan trọng đối với các DN VN, vì có ký được hợp đồng mới hồi phục sản xuất. Thời cực thịnh, Công ty Asama Yu Jiun từng sản xuất khoảng 400.000 chiếc/năm, với 1.500 lao động và 20 DN vệ tinh chuyên sản xuất phụ tùng. Từ khi bị kiện, công  ty vẫn duy trì một dây chuyền sản xuất và tìm đối tác mới để xuất khẩu. Tuy vậy, sản lượng xuất khẩu không đáng kể so với khi xuất sang EU… Sau khi có thông tin EC sẽ bãi bỏ thuế CBPG, công ty có ngay hợp đồng mới. Nay chỉ cần VN có được 3,5% thuế từ GPS, nhiều khả năng Asama sẽ lấy lại phong độ của mình chỉ trong 3 tháng, chứ không cần đến 1 năm như dự báo của Bộ Công thương.

Nguy cơ bị áp thuế lần 2

Có 3 dạng chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp phổ biến từ nước thứ ba (đang bị áp thuế CBPG).

Thứ nhất, làm giả C/O của VN để hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn nhiều so với mức thuế CBPG.

Thứ hai, nhập khẩu hàng hóa nguyên chiếc vào VN, sau đó đóng gói “Made in Vietnam” và xin C/O  của VN để hưởng mức thuế thấp.

Thứ ba, đầu tư nhà máy đơn giản tại VN, sau đó nhập khẩu gần như toàn bộ linh kiện, phụ kiện của nước ngoài và lắp ráp tại Việt Nam rồi xin C/O của VN dù chưa đủ hàm lượng giá trị gia tăng.

Ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cũng cho rằng, xe đạp VN đang có lợi thế cạnh tranh về giá hơn các đối thủ khác trong khu vực, vì chúng ta đã sản xuất được đến ¾ linh kiện và phụ tùng của chiếc xe đạp. Đó là chưa kể chi phí nhân công trong nước vẫn rẻ hơn nhiều quốc gia khác.

Nếu các DN lo ngại vì chưa có GPS, Bộ Công thương lại lo nếu chúng ta không có biện pháp tối ưu để ngăn chặn việc chuyển tải bất hợp pháp xe đạp từ nước khác đang chịu thuế CBPG vào VN nhằm hưởng chênh lệch, có thể 6 tháng sau, EU sẽ tái áp thuế CBPG đối với VN. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần phối hợp thường xuyên với Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (đơn vị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa - C/O) tổ chức các hội thảo phổ biến tình hình đến DN. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa những thông tin kiểm soát và ngăn ngừa việc lẩn tránh thuế từ nước thứ ba vào VN. Kêu gọi các DN có cùng nhóm lợi thế với nhau tuyệt đối không nhận gia công các hợp đồng cho các đối tác nước ngoài có nghi vấn…

Cục Quản lý cạnh tranh cũng thông báo đến các sở KH-ĐT, khi thẩm định, cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài nên thận trọng xem quy trình sản xuất có đáp ứng được quy trình cấp C/O không. Nếu không có công đoạn đầu tư sản xuất khung sườn (khâu quan trọng nhất trong ngành xe đạp), rõ ràng dự án có khả năng né thuế trục lợi. Các sở cần yêu cầu đối tác thuyết trình thật kỹ dự án đầu tư, đảm bảo cho được tỷ lệ 40% - 60% hoặc 60% - 40% cũng như thị trường tiêu thụ. Trong trường hợp nghi vấn, nên thông báo đến các bộ ngành chức năng và Cơ quan Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) để thẩm định dự án.

Ông Vũ Bá Phú tự tin, nếu chúng ta tỉnh táo và kiên quyết từ chối những các dự án có dấu hiệu bất hợp pháp, VN sẽ né tránh được các vụ kiện vạ lây trong thương mại. Đây vừa là cách để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho DN trong ngành, vừa góp phần loại trừ các vụ chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh VN trong thương mại quốc tế.

(Theo Thúy Hải // SGGP Online)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container