Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành thủ công mỹ nghệ chờ... đơn hàng!

Hơn 40% doanh nghiệp (DN) và các hợp tác xã (HTX) trong ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) không có đơn đặt hàng. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN của TPHCM mới chỉ đạt 75 triệu USD, giảm tới 24% so với cùng kỳ. Nếu không có những biện pháp kịp thời thì hàng loạt đơn vị sẽ phá sản.

Sản xuất hàng thủ công từ da cá sấu xuất khẩu tại làng cá sấu Sài Gòn (quận 12). Ảnh: THÀNH TÂM

“Khát” đơn hàng

Dạo qua một số đơn vị sản xuất hàng TCMN hàng đầu của TPHCM, cảnh đìu hiu, hoạt động cầm chừng vì thiếu đơn hàng khiến chúng tôi liên tưởng đến khoảng thời gian những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khi mà các HTX bước gần đến bờ vực phá sản hàng loạt bởi họ không còn được bao cấp sản xuất thông qua các nghị định thư nữa, phải tự lo trong cơ chế thị trường.

Anh Nguyễn Văn Năm, Phó Chủ nhiệm HTX Mành trúc Bình Minh cho biết, HTX mới chỉ nhận được khoảng 40% đơn hàng, so với những năm trước vẫn còn thiếu tới 60%. Giá đơn hàng cũng đã bị giảm mạnh. Nếu trước đây, các đối tác thường đặt loại mành trúc 135 dây thì nay giảm xuống chỉ còn loại 72 dây hoặc 65 dây. Thậm chí, một vài đơn hàng chỉ đặt loại mành 49 dây. Nếu HTX không tính toán kỹ, thắt chặt các loại chi phí thì sẽ bị lỗ.

Ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi than thở: “Từ tháng 2 đến tháng 4-2009, chúng tôi không nhận được đặt hàng nào. Bước sang tháng 5 và 6, Kim Bôi bắt đầu nhận được một vài đơn hàng nhỏ xuất khẩu sản phẩm sơ dừa phục vụ cho xây dựng sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, đơn hàng này cũng chỉ làm đến hết tháng 7. Những tháng sau đó, công ty lại tiếp tục sống lây lất chờ thời”.

Cũng giống như Bình Minh, giá các đơn hàng của Kim Bôi cũng rất thấp, không có lời. Dù vậy, Kim Bôi vẫn phải nhận làm để duy trì công việc cho công nhân. Tình trạng này đang diễn ra tại hầu hết các đơn vị đã nhận được đơn hàng từ đầu năm đến nay.

Theo tính toán của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), từ giữa năm 2008 đã có khoảng 30% số DN, HTX thiếu đơn đặt hàng. Đến 6 tháng đầu năm 2009, con số này đã tăng lên hơn 40% và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cũng theo Hawa, đến nay chỉ có HTX Mây tre lá Ba Nhất là một trong những đơn vị hiếm hoi tại TPHCM có đơn hàng đến hết năm 2009, thậm chí một vài đơn hàng đặt đến quý 1-2010. Kim ngạch xuất khẩu của HTX trong năm 2009 vẫn đảm bảo mức tăng 30% so với năm 2008. Số còn lại hầu hết phải đi “ăn đong” từng đơn hàng nhỏ. Điều này chưa từng xảy trong ngành TCMN từ hơn 10 qua.

Nghịch lý về vốn và thuế

Cũng như nhiều ngành khác, mặc dù Chính phủ đã hỗ trợ 4% lãi suất thông qua nguồn vốn kích cầu, nhưng đến nay hơn 90% HTX, DN trong ngành TCMN của TPHCM vẫn chưa với tới nguồn vốn này. Ngoài nguyên nhân là họ không có tài sản thế chấp vì đa số là DN nhỏ và vừa thì sản xuất của các DN này chủ yếu dựa vào đơn đặt hàng có sẵn nên rất thụ động, không thể xây dựng được các phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giá thành sản phẩm cạnh tranh thì các DN trong ngành phải được đầu tư đúng mức, trang bị thêm máy móc nhằm giảm thiểu một số công đoạn thủ công như các nước trong khu vực đã làm.

Ông Đặng Quốc Hùng cho rằng, việc nhà nước hỗ trợ lãi suất 4% sẽ chẳng thấm vào đâu, vấn đề đặt ra là chúng tôi cần phải có vốn để đầu tư cho sản xuất thì lại không vay được.

Một lực cản rất lớn của các DN TCMN hiện nay đó là thuế. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất: “Từ nhiều năm qua, ngành thuế đã khiến các DN phải “dở khóc, dở cười” vì lúc thì cho chúng tôi lập bảng kê chi tiết nguyên liệu đầu vào, lúc thì lại đòi phải có hóa đơn đỏ. Trong khi đó, TCMN là ngành đặc thù, nguyên liệu đầu vào là những phế phẩm từ nông nghiệp, phải đi mua lại của nông dân thì làm gì có hóa đơn đỏ.

Chúng tôi kêu mãi thì Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 134 cho phép lập bảng kê, nhưng cách lập như thế nào, cho bao nhiêu thì lại không cụ thể. Nếu không minh bạch được các khoản đầu vào thì DN chúng tôi không được ngành thuế quyết toán. Lỗi này là do DN hay là các bộ ngành chức năng?”.

Về vấn đề này, một DN cũng thừa nhận, để đối phó với ngành thuế, họ buộc phải đi mua hóa đơn lậu với mức từ 2% - 3% cho xong chuyện!

Cần mô hình hợp tác hóa

Hoạt động sản xuất TCMN TPHCM đang đứng trước bài toán: hợp tác hay là chết? Để ngành TCMN phát triển đúng tầm với tiềm năng sẵn có của VN, đã đến lúc xây dựng các mô hình hợp tác hóa, liên kết giữa các DN để tạo sức mạnh về vốn, bổ sung cho nhau về kỹ thuật và tay nghề, tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.

Được biết, Hawa cũng đã tính đến việc xây dựng một làng nghề kiểu mẫu tại huyện Hóc Môn. Song do thủ tục quá rườm rà nên đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện được dự án này, chỉ có sự nỗ lực của Hawa thôi thì chưa đủ mà cần có sự chỉ đạo, can thiệp của nhà nước để hỗ trợ về vốn, mặt bằng và các cơ chế chính sách đặc thù. Theo đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa cũng phải được đặt lên hàng đầu để kéo các đối tác nước ngoài trực tiếp đến VN.

Đây cũng là cách để sản phẩm TCMN của VN cạnh tranh hơn về giá, tránh tình trạng người sản xuất hưởng ít, còn các khâu trung gian mặc sức ép giá và làm giá.


(Theo Thúy Hải/SGGP)

  • Thị trường nội thất trong nước: Có kịp nắm lấy cơ hội?
  • Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sản xuất cầm chừng
  • Nghĩ khác về gốm
  • Quê hương trong đá
  • Giải pháp phát triển ngành mây, tre Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container