Cầu cảng Đồng Nai vừa được nâng cấp để đón tàu 5.000 tấn nhưng lại đang đứng trước nguy cơ thất thu 40 tỷ đồng |
Cảng Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ thất thu 40 tỷ đồng nếu việc đấu nối đường vận chuyển container với cầu Đồng Nai mới không được triển khai kịp thời. Thậm chí sẽ thua thiệt so với các cảng tại TP HCM và Bình Dương bởi khách hàng không thể chờ cảng Đồng Nai giải quyết những vướng mắc chưa thể tháo gỡ ngay.
Hện nay, Cảng Đồng Nai đã đầu tư nâng cấp xong cầu cảng cho tàu có trọng tải 5.000 DWT và 2 cần cẩu Libher chuyên dùng khai thác hàng hóa container đã đưa vào khai thác tháng 3/2010, hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước và bãi container đã hoàn tất. Công ty CP cảng Đồng Nai cũng đã ký hợp đồng với cảng Hiệp Phước- Tp HCM để cùng khai thác hàng container với sản lượng khoảng 5.000 – 8.000 Teu/tháng nhưng tất cả phải chờ thi công xong tuyến đường đấu nối từ cảng vào tuyến đường nhánh Biên Hòa 2 thì mới đưa vào khai thác được. Việc này dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất của cảng Đồng Nai trong quý 2 gặp nhiều khó khăn.
Thiệt đơn thiệt kép
Là một cảng lớn của tỉnh, thời gian vừa qua, cảng Đồng Nai đã xây dựng hoàn tất cầu cảng, bãi chứa container rộng hơn 2 hécta, mua sắm thiết bị... với tổng chi phí lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong thời gian tới, nhằm từng bước giảm bớt lưu lượng xe container từ TP Hồ Chí Minh đến ngã ba Vũng Tàu và đi các khu công nghiệp, đồng thời để có thể đáp ứng tốt các yêu cầu vận chuyển hàng hóa container và xây dựng khu dịch vụ sửa chữa tàu trên khu vực thượng lưu, Cảng Đồng Nai sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng phạm vi hoạt động lên khoảng 12 hécta. Điều này phù hợp với chủ trương của tỉnh là tăng cường hệ thống vận tải đường thủy, tiến tới hạn chế xe container lưu hành đường bộ, nhất là trong bối cảnh lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông ngày một tăng, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa tương xứng.
Cảng Đồng Nai hiện quản lý 3 cảng gồm: Long Bình Tân (Biên Hòa), Gò Dầu A và Gò Dầu B (Nhơn Trạch). Theo kế hoạch, trong năm 2010 công ty sẽ thực hiện đạt 3 triệu tấn hàng. Tuy nhiên đến nay, do cảng Long Bình Tân chưa thể hoạt động vận chuyển container như dự kiến, nên 6 tháng đầu năm nay cả ba cảng mới thực hiện trên 1,1 triệu tấn hàng (đạt 42% kế hoạch năm). Trong những tháng còn lại của năm, nếu như không thể giải tỏa mặt bằng để thi công đường dẫn từ cảng Long Bình Tân ra đường nhánh Biên Hòa 2 (thuộc phạm vi cầu Đồng Nai mới) thì công ty sẽ thất thu 40 tỷ đồng. Mặt khác, trong khi các cảng mới ở TP HCM, Bình Dương hoạt động ổn định thì nhiều khả năng cảng Đồng Nai sẽ mất thời cơ làm ăn, bởi khách hàng không thể chờ cảng Đồng Nai giải quyết xong những vướng mắc. Chính vì không có đường kết nối giao thông từ cảng ra nên các phương tiện giao thông vận chuyển container từ cảng Đồng Nai không thể đi đến các khu công nghiệp như : Biên hòa 1, Biên hòa 2, Amata Loteco, khu vực tỉnh Bình Dương và đi TP HCM...
Cái khó duy nhất đối với cảng Đồng Nai chính là việc "án ngữ" của Cty TNHH Hòa Phát (Trước kia là Cty TNHH Mê Kông) trên phần đất nằm trong quy hoạch vẫn chưa di dời. Phần tuyến đường đấu nối từ cảng vào tuyến đường nhánh Biên Hòa 2, với diện tích khoảng 1.900 m2 vẫn chưa triển khai vì phía Công ty TNHH Hòa Phát chỉ chấp thuận bàn giao mặt bằng cho cảng làm đường (diện tích này nằm ngoài dự án tuyến hầm chui) khi nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước cho dự án tuyến hầm chui phía bờ ngã ba Vũng Tàu. Do đó cảng cũng chưa thể triển khai thi công tuyến đường này.
Gỡ khó ra sao?
Đại diện Cty cổ phần đầu tư và xây dựng cầu Đồng Nai (DNC) - đơn vị thi công cầu Đồng Nai mới cho biết, công tác giải phóng mặt bằng đoạn tuyến hai đầu cầu thực hiện rất chậm. Do không có mặt bằng thi công nên các hạng mục kỹ thuật của dự án như phân luồng xa lộ Hà Nội để thực hiện công đoạn hầm chui, nút giao ngã tư Vũng Tàu, tuyến đường Biên Hòa 2 dẫn vào cảng Đồng Nai hiện chưa triển khai được. Nếu như trong quý III này mặt bằng được bàn giao, thì các hạng mục trên mới có thể hoàn thành vào cuối tháng 12/2010. Như vậy, phải sang đầu năm 2011, việc đón các tàu trọng tải 5.000 tấn và vận chuyển container từ cảng Đồng Nai đi các nơi mới có thể hoạt động thuận lợi.
Nhận thấy những vướng mắc của cảng Đồng Nai và những hệ lụy mà DN phải gánh chịu vì không có đường vận chuyển container, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các ngành chức năng phải có thái độ dứt khoát, cương quyết, thậm chí tổ chức cưỡng chế nếu những cơ sở nằm trong diện giải tỏa cố tình không chấp hành chủ trương... |
Theo ông Đỗ Văn Sâm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP cảng Đồng Nai: để sớm đưa vào khai thác hàng hóa bằng container phục vụ các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận, đồng thời giảm lưu lượng phương tiện vận tải tuyến từ TP HCM đến ngã ba Vũng Tàu, trách ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, trong khi chờ đợi việc đền bù giải tỏa của dự án cầu Đồng Nai, Cty CP cảng Đồng Nai đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận phương án cho giải tỏa trước khu vực có diện tích khoảng 1.928 m2 do Cty TNHH Hòa phát quản lý, trong đó đoạn đấu nối từ cảng đến ranh giới dự án cầu Đồng Nai là 1.170 m2 và 1 phần diện tích của dự án cầu Đồng Nai là 758 m2. Đồng thời, hiện nay hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công được duyệt của Cty CP Đầu tư - Xây dựng cầu Đồng Nai chưa xem xét đến việc kết nối giao thông của cảng với giao thông quốc gia nên cảng Đồng Nai cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT và các ban ngành liên quan xem xét điều chỉnh nút vòng xoay ngã 4 Vũng Tàu để đảm bảo hoạt động hàng hóa, phương tiện giao thông từ cảng đi các khu vực được thuận lợi.
Chưa biết khi nào đường vận chuyển container của cảng Đồng Nai được đấu nối với cầu Đồng Nai, chỉ biết rằng thiệt hại trước mắt của DN là rất lớn và cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc luân chuyển hàng hóa của các DN, các nhà đầu tư trong tỉnh và khu vực lân cận.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com