Các cơ quan chức năng đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống cảng than phục vụ nhiều nhà máy và trung tâm điện lực lớn phía Nam đang triển khai hoặc sắp đi vào hoạt động.
Vị trí cảng biển khu vực ĐBSCL (nhóm 6) theo Quyết định số 2190/2009/QĐ-TTg |
Tại cuộc họp liên ngành sáng 24/6 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, Bộ Công Thương cho biết, dự báo lượng than nhập khẩu đến năm 2015 sẽ vào khoảng 46-77 triệu tấn/năm, đến 2020 là 140-196 triệu tấn/năm.
Trong đó, các trung tâm nhiệt điện (TTNĐ) phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (Duyên Hải, Long Phú, Châu Thành) cần nhập khẩu lượng than khoảng 13-15 triệu tấn/năm trong giai đoạn đầu (2015), các trung tâm nhiệt điện như: Vân Phong cần khoảng 6 triệu tấn than /năm, Vĩnh Tân 13,5 triệu tấn/năm, Sơn Mỹ 10 triệu tấn/năm…
Hệ thống nhóm cảng số 6 (nhóm phía Nam) hiện đang trong tình trạng quá tải, thiếu cảng chuyên dùng và yêu cầu tất yếu là cần gấp rút xây dựng các cảng, bến phục vụ cho việc nhập khẩu, vận chuyển than.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ GTVT, việc vận chuyển than cho các TTNĐ dùng than phía Nam gặp khó khăn nhất ở khu vực phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, do điều kiện tự nhiên khu vực này rất phức tạp (đường bờ thoải, địa chất yếu, thủy hải văn, sóng gió khắc nghiệt) nên việc xây dựng cảng cho tàu có trọng tải trên 10 vạn DWT ( sức chở trên 10 vạn tấn) tại đây rất khó khăn.
Bộ GTVT cho rằng, kết cấu dạng bến, kho nổi ngoài khơi sông Hậu là giải pháp khả thi về kinh tế, kỹ thuật và phù hợp với quy hoạch bổ sung cảng chuyên dùng nhập than của Thủ tướng Chính phủ (theo QĐ số 2190/2009/QĐ-TTg).
Phương án vận tải cụ thể là tàu mẹ chở than neo đậu tại kho, cảng nổi, than được bốc xếp, chuyển tải sang phương tiện nhỏ (sà lan biển, tàu dưới 5.000 DWT) để chở than về các TTNĐ hoặc về kho dự phòng tại Kim Sơn (Trà Vinh).
Bên cạnh giải pháp này, cơ quan tư vấn giao thông cũng đề xuất phương án bổ sung là trung chuyển than bằng bến cứng tại các vị trí có điều kiện. Nếu sử dụng tàu từ 1-3 vạn DWT để lấy than từ Quảng Ninh, tàu từ 9-10 vạn DWT để nhập than từ Asutralia, hiện có 2 phương án chuyển tải lựa chọn là tại Vĩnh Tân (Bình Thuận) hoặc Nam Du (Kiên Giang).
Các chủ đầu tư nhà máy điện gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đang khảo sát, thu xếp tài chính, triển khai các dự án cảng nội bộ của các TTNĐ khu vực phía Nam, đảm bảo sự đồng bộ, kết nối với hệ thống cảng chuyên dùng nhóm 6.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm đầu mối, thuê các cơ quan tư vấn thiết kế cảng trong nước phối hợp với tư vấn nước ngoài nghiên cứu, đánh giá kỹ khả năng cung ứng trong nước, nhu cầu nhập than phục vụ các nhà máy nhiệt điện theo Quy hoạch điện VI và VII.
Trên cơ sở các ý kiến của các cơ quan chuyên ngành, tư vấn sẽ xây dựng và trình phương án quy hoạch, xây dựng hệ thống cảng than có tầm nhìn dài hạn đáp ứng được tiến độ vận hành, nhu cầu sử dụng nguyên liệu của các nhà máy nhiệt điện dùng than. Phương án phải tính toán, so sánh, đánh giá cụ thể và kết luận chắc chắn về tính khả thi, kinh tế, khả năng vận tải, chi phí đầu tư, khai thác để lựa chọn mô hình, thiết kế cảng, bến kho nổi hoặc cảng cứng.
“Đặc biệt, phải tính toán đến khả năng đáp ứng vận chuyển nguyên liệu than cho các TTNĐ mới sẽ được quy hoạch, xây dựng theo Quy hoạch điện VII”, Phó Thủ tướng lưu ý.
(Theo Nguyên Linh // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com