Tấp nập trên sông ở ĐBSCL là sà lan chở cát . Ảnh: Lê Hoàng Vũ |
Tàu 3.000 tấn không còn vào được hệ thống cảng trên sông Hậu, cửa ngõ ra biển của ĐBSCL, do luồng Định An bị bồi lắng chỉ còn sâu chừng 1,9m. Đây là sự bồi lắng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, khiến cán bộ cảng Cần Thơ phải kêu “ĐBSCL đã đứt mạch hàng hải”.
Chi phí ngày càng tăng
Từ đầu năm đến giữa tháng 6-2010, Cảng vụ TP Cần Thơ chỉ thu phí được 1,1 tỷ đồng, trong khi đó năm 2009 thu gần 23 tỷ đồng. Nhiều lãnh đạo cảng trên sông Hậu đang lo không có tiền trả lương cho công nhân.
Tình hình khó khăn gấp bội đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hàng nông, thủy sản xuất khẩu và hàng xăng dầu, phân bón nhập khẩu của ĐBSCL lại phải đổ về các cảng ở TP Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ, trong lúc đường thủy nối hai vùng đã quá tải ở kênh Chợ Gạo, đường bộ thì chi phí cao.
Chủ doanh nghiệp Trung An (Thốt Nốt, Cần Thơ), chuyên xuất khẩu gạo, cho biết, vận chuyển một container từ Cần Thơ lên cảng Sài Gòn mất gần 200 USD, trong khi vận chuyển từ nước ta đi Singapore chỉ khoảng 100 USD. Nên trong tháng 6, Trung An chỉ dám hợp đồng xuất 120 container, bằng 1/3 lượng hàng xuất trong tháng trước.
Có sự biến động bất ngờ chăng khi con số thống kê lượt tàu và hàng hóa qua cụm cảng biển Cần Thơ từ năm 2006 đến năm 2009, tăng trưởng rất lớn. Năm 2006, tổng lượt tàu là 888, tổng lượng hàng hóa hơn 2 triệu tấn, năm 2009 theo thứ tự là 7.873 và gần 17 triệu tấn.
Thực ra, sự tăng trưởng rất lớn ấy do tăng đột biến số lượng sà lan chở cát xuất khẩu. Còn tàu biển vào cụm cảng biển Cần Thơ, từ năm 2006 đến 2009, số lượt tàu tăng không đáng kể, tổng DWT cũng như bình quân DWT/lượt tàu đều giảm khoảng 60%. Tàu biển vào ĐBSCL đa số là tàu nhỏ, chở số hàng hóa ít ỏi so với nhu cầu xuất nhập khẩu của ĐBSCL.
Lúng túng
Tình trạng bồi lắng luồng Định An đã được đề cập hơn chục năm nay. Từ đó, có dự án đào kênh Quan Chánh Bố (Trà Vinh) với tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng, nhằm tạo luồng ổn định cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải và tàu 20.000 DWT non tải vào các cảng trên sông Hậu. Dự án khởi công sáng 27-12-2009, dự kiến hoàn thành sau 4 năm.
Theo Bộ GTVT, khi hoàn thành kênh Quan Bố Chánh thì luồng Định An vẫn được nạo vét để duy trì tuyến hàng hải, mở rộng đường ra biển cho ĐBSCL. Còn khi kênh Quan Bố Chánh chưa hoàn thành, luồng Định An càng được ưu tiên nạo vét. Thực tế diễn ra không đúng như chủ trương. Việc nạo vét luồng Định An tiến hành cầm chừng bằng ngân sách nhà nước, khối lượng nạo vét nhiều năm không bằng lượng bồi thêm.
Đã có nhiều công ty trong nước và ngoài nước đến tìm hiểu, đề nghị được nạo vét luồng Định An theo phương thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). Nghĩa là luồng Định An sẽ “tự nó nuôi nó”, không tốn ngân sách nhà nước mà xây dựng được luồng ổn định. Tuy nhiên, đến nay đề nghị này chưa được chấp thuận.
Tháng 11-2009, Tổng giám đốc Cảng vụ Houston - một cảng hàng đầu của Mỹ, ký thỏa thuận hợp tác với giám đốc Cảng Cần Thơ - Phan Thành Tiến với mục tiêu đưa hàng hóa từ ĐBSCL đi thẳng tới Mỹ. Nay ông Tiến than thở: “Tàu biển không vào được, chúng tôi đã báo cáo lên các cơ quan hoạch định hàng hải nhưng không được trả lời, chỉ còn biết kêu trời”. 56 doanh nghiệp ở ĐBSCL cũng đã kiến nghị cơ quan chức năng khẩn trương nạo vét luồng Định An để nối tuyến hàng hải cho ĐBSCL và kiến nghị này cũng đang rơi vào im lặng.
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com