Năm 2009, do tác động của khủng hoảng
kinh tế thế giới hoạt động xuất nhập khẩu đã chững lại. Trong điều kiện đó, các cảng biển khu vực Hải Phòng vẫn đạt sản lượng 32,5 triệu tấn hàng hóa thông qua, vượt mức chỉ tiêu của kế hoạch năm năm 2006-2010 trước một năm. Với các dự báo về triển vọng phục hồi kinh tế năm 2010, dự kiến kế hoạch sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn Hải Phòng sẽ đạt khoảng 35 - 36 triệu tấn. Ðể đáp ứng được lượng hàng hóa như vậy, đòi hỏi phải đẩy nhanh tốc độ đầu tư hiện đại hóa cảng Hải Phòng. Trong đó, chú trọng đầu tư trang bị các thiết bị hiện đại cùng với đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo các hệ thống cảng, luồng vào cảng, cải tiến công nghệ xếp dỡ, phát triển cảng mới để giảm chi phí, giảm thời gian làm hàng và giải phóng nhanh tàu ra vào cảng.
Theo thống kê hằng năm, khoảng 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu khu vực phía bắc qua các cảng Hải Phòng, trong đó tỷ trọng hàng thông qua cảng chính chiếm tới 80%. Với những chính sách khuyến khích đầu tư, thời gian qua, nhiều cảng mới ra đời như Cảng Vật Cách, Ðoạn Xá, Ðình Vũ, Greenport, liên doanh Transvina, Lê Quốc,... Số doanh nghiệp khai thác cảng biển khu vực Hải Phòng hiện đã có khoảng 30 doanh nghiệp, với tổng chiều dài cầu cảng đạt hơn 7.200 m, gấp hơn hai lần năm 1987.
Sự ra đời của các cảng mới với tổ chức bộ máy gọn nhẹ, thay đổi phong cách phục vụ đã tạo nên sự cạnh tranh. Các cảng đã nỗ lực đổi mới tác phong làm việc, chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng mới cầu tàu, kho bãi, khai thác các loại dịch vụ... đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện với chi phí thấp. Nhiều cảng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong khai thác và quản lý kết hợp cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho chủ hàng, chủ tàu giao nhận hàng hóa nhanh, giảm lượng hàng tồn đọng, nhiều cảng đã liên tục đạt mức tăng trưởng cao.
Là một đơn vị chủ lực có bề dày truyền thống, Cảng Hải Phòng đã nhanh chóng đổi mới hoạt động, kịp thời nắm bắt các cơ hội để phát triển. Nhiều dự án lớn đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng như: hệ thống điều hành tàu ra vào cảng và lịch làm hàng trên máy tính, quản lý bến công-ten-nơ trên máy tính (CTMS). Ðầu tư lắp đặt mới các phương tiện vận tải, xếp dỡ hàng hóa hiện đại như: phương tiện vận tải bộ, tàu hỗ trợ, phương tiện xếp dỡ với các loại cần trục cỡ lớn, xe nâng hạ công-ten-nơ, cơ giới hóa hầm tàu, kho bãi và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật sau bến... Ðặc biệt, dự án phát triển Cảng Ðình Vũ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Sau khi hoàn tất hai bến tàu của giai đoạn một, tiếp tục đầu tư giai đoạn hai với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn bổ sung và huy động của cảng xây dựng bốn bến tàu số 3, 4, 5 và 6, với tổng chiều dài 785 m cùng hệ thống kho bãi, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên diện tích sử dụng 47,5 ha. Khi dự án hoàn thành, Cảng Ðình Vũ sẽ là cảng biển đầu tiên tại Hải Phòng có đủ điều kiện kỹ thuật cho tàu biển trọng tải hai vạn tấn đầy tải ra, vào làm hàng. Cuối năm 2010, Cảng Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai dự án phát triển Cảng Ðình Vũ giai đoạn ba gồm một bến tàu 20 nghìn tấn và hệ thống bãi chứa hàng hoàn chỉnh đầu tư toàn bộ dự án Cảng Ðình Vũ.
Cuối năm 2009, Cảng Hải Phòng đưa vào sử dụng hai cần trục giàn cầu tàu QC chuyên dùng xếp dỡ công-ten-nơ, hiện đại nhất hiện nay, có sức nâng 50 tấn, tầm với 35 m, chiều cao nâng hàng 27 m, có thể xếp dỡ các tàu công-ten-nơ cỡ lớn. Việc đưa hai cần trục giàn cầu tàu hiện đại vào hoạt động là cơ sở để Cảng Hải Phòng hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh, với sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 14,2 triệu tấn; tổng doanh thu đạt 962 tỷ đồng, vượt 17,2% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước 34 tỷ đồng.
Cuối tháng 12-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2190/QÐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí đầu tư đến năm 2020 khoảng 360 - 440 nghìn tỷ đồng. Từ nay tới 2015, tập trung ưu tiên đầu tư các cảng lớn, trong đó có cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện... Như vậy, hướng phát triển cảng của Hải Phòng được xác định tiến ra phía biển. Cùng với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang triển khai xây dựng với điểm cuối tới cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện, sẽ gồm cả cầu và đường dẫn đến khu kinh tế Ðình Vũ - Cát Hải, tạo thêm sức mạnh cho hệ thống cảng biển Hải Phòng trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
Tháo gỡ vướng mắc
Hướng phát triển hiện đại hóa cảng biển Hải Phòng đang được khẩn trương thực hiện. Khi cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện được hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ hình thành hệ thống cảng biển phát triển với quy mô hiện đại, trở thành đầu mối chính xuất nhập khẩu trên các tuyến biển xa, cảng quá cảnh cho vùng Tây Nam Trung Quốc bằng tàu công-ten-nơ 4-6 nghìn TEU và tàu hàng 5 - 8 vạn tấn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía bắc... Khi đó, các tàu biển có trọng tải lớn ra vào cảng làm hàng sẽ không còn cảnh phải xếp hàng chờ hoặc san tải.
Tuy nhiên, việc triển khai hiện đang có những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Theo Quyết định 44/2007-GTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định, việc chuyển tải của tàu, thuyền vào cảng biển thuộc địa phận TP Hải Phòng tại vùng nước cảng biển Hòn Gai - Quảng Ninh phải chấm dứt vào ngày 31-12-2009. Ðây là một khó khăn lớn không chỉ đối với Cảng Hải Phòng mà đối với tất cả các chủ hàng xuất nhập khẩu của các tỉnh phía bắc.
Thực tế, Cảng Hải Phòng nằm sâu trong nội địa và độ sâu của luồng lạch hạn chế (sâu chừng 5,5 m), khiến các tàu có trọng tải lớn chở đầy hàng không thể cập cảng được, nên việc chuyển tải hàng hóa ở vùng nước Quảng Ninh trước khi tàu vào Cảng Hải Phòng là một tồn tại khách quan có từ lâu. Trong khi đó, ở Quảng Ninh, số bến tàu bốc xếp hàng rời ít, chưa đủ năng lực đáp ứng một lượng lớn tàu và hàng cập cảng, nên từ nhiều năm nay, các chủ tàu, chủ hàng rời thường chọn Cảng Hải Phòng để bốc xếp hàng. Theo phân tích của các chuyên gia khai thác cảng biển, nếu thực hiện việc cấm chuyển tải hàng nói trên được thực hiện hoặc di chuyển sang khu vực Hòn Nét (Cẩm Phả, Quảng Ninh) cách đó hàng chục km vào thời điểm này sẽ khiến chi phí chuyển tải hàng tăng gần gấp hai lần, thời gian chuyển tải tăng gấp 1,5 lần, chi phí cập cảng tăng gấp hai, tốc độ giải phóng tàu giảm khoảng 1,5 lần và chủ tàu phải hai lần làm thủ tục nhập cảnh (Quảng Ninh và Hải Phòng), chi phí hoa tiêu tăng gấp hai lần... Ðiều đó sẽ gây khó khăn khi giải phóng hàng, buộc các chủ tàu, chủ hàng phải lựa chọn tàu trọng tải nhỏ để vận chuyển, làm tăng chi phí vận tải, tăng giá thành hàng hóa, trong khi đó, xu thế vận tải biển thế giới hiện nay là sử dụng các tàu có trọng tải lớn.
Các doanh nghiệp, các chủ hàng, chủ tàu, đại lý tàu biển hoạt động ở khu vực Hải Phòng đề nghị lùi thời hạn thực hiện quyết định trên cho đến khi cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng ở Lạch Huyện có đủ điều kiện kỹ thuật xếp dỡ hàng rời (dự kiến thời gian trong hai năm). Trong Công văn số 3130/ BGTVT-PC ngày 18-5-2009 của Bộ Giao thông vận tải gửi UBND tỉnh Quảng Ninh cũng nêu rõ: Bộ Giao thông vận tải thấy cần thiết phải tiếp tục cho phép tàu, thuyền vào cảng biển thuộc địa phận TP Hải Phòng được chuyển tải hàng hóa tại vùng nước cảng biển Hòn Gai, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Việc chuyển tải sẽ chấm dứt khi cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện được đưa vào khai thác.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Cảng Hải Phòng Dương Thanh Bình cho biết: Vì lợi ích kinh tế của các đơn vị, địa phương và của cả đất nước, việc kéo dài thời gian chuyển tải hàng hóa tại vùng nước cảng biển Hòn Gai cho đến khi cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện đưa vào sử dụng là rất cần thiết và cấp bách, mong muốn Bộ Giao thông vận tải sớm có điều chỉnh chính thức cho phù hợp tình hình hiện nay, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng duyên hải Bắc Bộ.