Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khai thác dịch vụ cảng biển tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Cảng thì to, đường thì nhỏ

  • Cơ sở hạ tầng giao thông cả đường bộ và đường thủy hiện nay không đủ sức đáp ứng nhu cầu khai thác của các cảng biển.

 

Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng quy hoạch cụm cảng số 5 và đã thu hút được nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới về cảng biển. Việc hoàn thành và đưa vào khai thác 2 cảng quốc tế trong đầu năm nay đã mở ra thời kỳ phát triển mới của ngành dịch vụ cảng. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là hệ thống giao thông lại chưa theo kịp tốc độ phát triển của các cảng biển.

LIÊN TIẾP KHÁNH THÀNH HAI CẢNG NƯỚC SÂU

Trong quy hoạch cụm cảng số 5, hệ thống cảng biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu được xác định là hệ thống cảng cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc phát triển cảng biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu còn là một bước quan trọng cho kế hoạch di dời cảng biển trong nội thành TP. Hồ Chí Minh, giúp TP. Hồ Chí Minh chống ùn tắc giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện nay, 25km bờ nước có thể làm cầu cảng với hơn 3.000 ha đất dành cho phát triển cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã gần như được các dự án lấp kín. Theo dự báo, từ nay đến năm 2015 hoạt động cảng biển ở khu vực Cái Mép – Thị Vải sẽ rất sôi động.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Bà Rịa – Vũng Tàu đã chứng kiến 2 sự kiện quan trọng, đó là 2 cảng nước sâu thuộc hệ thống cụm cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, đã hoàn thành và đón những chuyến tàu tải trọng lớn đầu tiên cập cảng, đó là cảng quốc tế SP – PSA và Tân cảng Cái Mép. Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Trần Doãn Thọ nhận xét, sự kiện này cho thấy các cảng khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu đã hoạt động với tầm cỡ quốc tế, tạo điều kiện cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển. Cảng quốc tế SP –PSA là bến cảng nước sâu đầu tiên trong nhóm cảng biển số 5 đã được đưa vào khai thác. Đây là cảng container nước sâu được xây dựng có vị thế tốt để phục vụ nhu cầu vận chuyển container đang gia tăng nhanh chóng. Cảng có thể tiếp nhận cùng một lúc hai tàu trọng tải 80.000 tấn hoặc bốn tàu có trọng tải trên 30.000 tấn. Còn cảng nước sâu Tân cảng Cái Mép được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước, nhưng tốc độ xây dựng cảng không thua kém so với một số cảng do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Đặc biệt, không chỉ cung cấp các dịch vụ khai thác cảng và giao nhận hàng hóa, cảng còn có 3 tàu lai cung cấp các dịch vụ lai dắt cho các tàu lớn vào bến, 15 xà lan có tổng công suất chuyên chở trên 700TEU để vận chuyển container từ TP. Hồ Chí Minh ra Cái Mép, dịch vụ hoa tiêu. Ông Trần Khánh Sinh, Giám đốc Tân cảng Cái Mép cho biết, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Công ty Tân cảng Sài Gòn đang xây dựng tiếp 600m cầu tàu và 40ha bãi để cùng các hãng tàu nước ngoài liên kết khai thác vào cuối năm 2010. Trước mắt, công ty sẽ hoàn tất 50m cầu bến vào cuối tháng 8 – 2009.

Theo ông Trần Tấn Phúc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị lập quy hoạch cảng biển Việt Nam và nhóm cảng biển số 5, thì cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải sẽ là khu cảng cửa ngõ quốc tế ở phía Nam của Việt Nam. Nơi đây đang tập trung hầu hết các cảng chuyên dùng container và cảng tổng hợp quy mô lớn, được thiết kế cho tàu trọng tải 80.000-160.000 tấn. Các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào các cảng ở đây đều là những tập đoàn vận tải biển và khai thác cảng biển hàng đầu trên thế giới như PSA (Singapore), Hurchison (Hong Kong, Trung Quốc), Maersk (Đan Mạch), SSA Marine (Mỹ), CMA-CGM (Pháp), Yang Ming (Đài Loan - Trung Quốc)...

Ngoài việc hình thành các cảng nước sâu, trong năm nay tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã liên tiếp khai trương các tuyến vận tải trực tiếp đầu tiên vận chuyển hàng hóa từ các cảng ở khu vực Cái Mép – Thị Vải huyện Tân Thành đi nước Mỹ với thời gian rút ngắn hơn rất nhiều so với trước đây. Với việc đầu tư và phát triển hàng loạt hệ thống cảng biển nước sâu trên địa bàn tỉnh và có các tuyến vận tải trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ sức cạnh tranh về cảng biển tại Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian qua đã tăng lên thấy rõ.

HẠ TẦNG GIAO THÔNG KHÔNG THEO KỊP TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN CẢNG

Các nhà đầu tư xây dựng cảng cho rằng, để việc khai thác cảng có hiệu quả, cơ sở hạ tầng giao thông sau cảng gồm hệ thống đường bộ, đường sông, đường sắt và đường hàng không phải theo kịp với tốc độ tăng trưởng hàng hóa. Hiện nay, việc phát triển hệ thống giao thông đi sau việc phát triển cảng. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho Bà Rịa – Vũng Tàu dù có các cảng nước sâu đã đi vào hoạt động nhưng sức hấp dẫn và sự cạnh tranh cũng chưa cao so với các cảng biển trong khu vực.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, với cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, vị trí địa lý thuận lợi, các cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải trong thời gian không xa sẽ là điểm đến đầy hứa hẹn đối với các hãng tàu, các nhà xuất nhập khẩu trong và ngoài nước. Tuy nhiên trên thực tế do cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên các cảng biển tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu so với TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng...và một số nước trong khu vực cũng trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, hiện tại khu vực cụm cảng Thị Vải – Cái Mép có 34 dự án (8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 26 dự án vốn trong nước) với tổng số vốn đăng ký 2,42 tỷ USD và 41.000 tỷ đồng, trong đó 8 cảng đang khai thác, 12 cảng đang xây dựng dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2009 – 2010. Thế nhưng, hiện tại hiện trạng hạ tầng giao thông phục vụ triển khai thi công, khai thác các cảng biển còn rất hạn chế, chưa có đường giao thông ra vào cảng để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Tuyến đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải là công trình hạ tầng ngoài hàng rào, nối liền hệ thống cảng và các khu công nghiệp chạy dọc sông Cái Mép – Thị Vải. Mặc dù đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển các cảng ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, “song 3 năm qua do nguồn vốn đầu tư lớn nên dù Sở Giao thông Vận tải, UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ rót kinh phí đầu tư nhưng chưa được giải quyết. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Bà Rịa – Vũng Tàu được thực hiện dự án bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Chúng tôi đang lập các thủ tục theo quy định để sớm khởi công dự án” – ông Thảo nói.

Việc triển khai làm tuyến đường liên cảng dài gần 22km (tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng) phải mất vài năm nữa mới hoàn thành. Trong khi đó trên tuyến đường liên cảng hiện có hàng loạt cảng biển mới đang được đầu tư xây dựng, gồm: cảng ODA (vay vốn Nhật), cảng SSIT (liên doanh giữa cảng Sài Gòn và Mỹ), cảng Gemalink (liên doanh giữa Gemadep và Pháp) và cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ....Vì vậy việc chậm triển khai đầu tư đường liên cảng sẽ là trở ngại cho việc phát triển hệ thống cảng tại khu vực này. Thêm vào đó, tuyến đường 965 nối từ quốc lộ 51 vào khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải tiến độ thi công khá chậm so với kế hoạch đề ra gần 2 năm và không biết bao giờ mới hoàn thành khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.

 

Bà Nguyễn Thu Trang, Phó Tổng Giám đốc cảng Phú Mỹ cho rằng, không có đường thì các nhà đầu tư không thể đưa máy móc, thiết bị, vật tư vào xây dựng cảng. Đã vậy, tuyến quốc lộ 51 hiện hữu chỉ có bốn làn xe đang đứng trước nguy cơ ùn tắc giao thông. Trong vài năm nữa, khi các cảng biển hình thành và phát triển cùng hàng chục khu công nghiệp thì quốc lộ 51 sẽ quá tải. Do đó, tỉnh đã đề nghị mở rộng quốc lộ 51 từ bốn làn xe lên sáu làn xe mới đáp ứng yêu cầu.

Một yếu tố nữa khiến các cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu kém đi sức hấp dẫn, theo Sở Giao thông Vận tải, đó là luồng tàu vào các cảng trên sông Thị Vải – Cái Mép có những điểm cạn khiến tàu thuyền lưu thông khó khăn. Điểm cạn thứ nhất nằm ở vị trí trước Trạm Hoa Tiêu, có cốt luồng 10m. Điểm cạn thứ hai ở vị trí trước khi tàu đến vùng neo Gò Gia, khoảng giữa phao số 6 và số 8, có cốt luồng 9,2m. Trong khi đó theo Hiệp hội cảng biển Việt Nam, luồng vào cảng cho tàu container loại lớn đang được đưa vào sử dụng trên thị trường cần có độ sâu luồng trên 16m, thay vì 14m như hiện nay. Ông Vũ Ngọc Thảo cho biết, hiện Sở Giao thông Vận tải đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm nạo vét luồng tàu vào khu vực sông Cái Mép – Thị Vải, nhằm tạo thuận lợi cho tàu hàng lớn vào ra bốc dỡ hàng hóa.

Việc đầu tư sớm xây dựng hạ tầng cảng biển sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ ràng. Theo Hiệp hội cảng biển Việt Nam, đối với các địa phương có cảng nước sâu, triển vọng phát triển cảng nói chung và kinh tế nói riêng sẽ được nhân lên nếu có thêm điều kiện thuận lợi về nhân lực, dịch vụ logistic tiện ích, khu kinh tế mở ở hậu phương. Ngoài ra, để tránh tình trạng quy hoạch cảng biển và hệ thống giao thông phát triển không đồng bộ như thời gian qua, cần có quy hoạch bổ sung ngay cho giai đoạn tới 2010 – 2020

(Theo Phúc Minh // Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)

  • Doanh nghiệp vận tải biển: “Chúng tôi sắp hết hơi rồi!”
  • Các đội tàu biển Việt Nam đang...chìm
  • Logistics nội: 'Bán thân' cho nước ngoài?
  • Cảng biển Việt Nam: Nơi quá tải, chỗ thiếu công suất
  • 5 doanh nghiệp Pháp sẽ đến Việt Nam tìm hiểu ngành cảng biển
  • Hiệp hội vận tải khiếu nại việc thu phí giao thông
  • Tải trọng cầu - đường không đồng bộ: Doanh nghiệp vận tải lao đao
  • Các giải pháp để hệ thống cảng biển Việt Nam phát triển
  • Cầu - đường bất nhất về tải trọng container?
  • Tuyến Pacific Express Của Maersk Line – Dịch Vụ Vận Chuyển Hàng Hóa Ngắn Nhất Từ Miền Nam Việt Nam Đến Bờ Tây Hoa Kỳ
  • Tàu chở hàng Việt Nam bị lật tại eo biển Malacca
  • Xây dựng cảng biển: Không thể thiếu những cái bắt tay
  • Mở luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container