Theo Hiệp hội Vận tải TPHCM, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hiện đang tồn tại tình trạng không đồng bộ về quy định tải trọng cầu và tải trọng đường khiến cho doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa gặp khó khăn. Nhất là các DN vận tải hàng hóa có hợp đồng với chủ hàng chở container đã được niêm phong, kẹp chì hải quan hết sức lao đao, vì không thể tháo rời hàng để hạ tải...
Xe không cũng... quá tải
Tài xế xe chuyên dụng container Nguyễn Văn Phúc hiện phải tạm nghỉ việc vì bị cảnh sát giao thông thu giữ bằng lái do xe quá tải, than thở: “Quy định về xe quá tải hiện nay còn nhiều tranh cãi khiến cho tài xế chưa “tâm phục, khẩu phục”.
Lấy ví dụ hiện nay trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường vào khu công nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL, hệ thống cầu đường không đồng bộ, cùng trên một tuyến nhưng tải trọng mỗi cầu mỗi khác, lúc thì 30 tấn lúc lại 20 tấn, thậm chí nhiều cầu còn có tải trọng thấp hơn.
Ngoài ra, quy định về tải trọng đường và tải trọng cầu không “khớp” nhau cũng gây khó khăn cho các DN vận tải hàng hóa. Trong khi tải trọng cầu được tính theo tổng tải trọng xe thì tải trọng đường lại được tính theo tải trọng trục. Chính vì quy định này mà hiện nay xảy ra tình trạng các xe chuyên dụng chở container không vượt quá tải trọng đường, nhưng lại vượt quá tải trọng cầu!
Nếu cho xe qua cầu thì bị phạt quá tải trọng cầu, hàng hóa có thể buộc phải hạ tải theo quy định của pháp luật hiện hành. Còn nếu không cho xe chạy qua cầu thì không ra, vào được các khu công nghiệp để giao, nhận hàng theo đúng hợp đồng đã ký kết với các chủ hàng. Cụ thể trên tuyến quốc lộ 80, cầu chỉ có tải trọng 18-25 tấn đã khiến DN vận tải lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM, cho biết: “Nếu chiếu theo quy định hiện hành thì khoảng 80% xe chở container đang hoạt động ở vào tình thế biết sai vẫn phải vi phạm pháp luật. Bởi biển báo tải trọng cầu hiện nay đa số từ 18 đến 25 tấn (thậm chí có cầu chỉ cắm biển báo hạn chế tải trọng 16 tấn - như cầu nằm trên quốc lộ 1, thuộc địa phận huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long đi Cần Thơ). Trong khi đó, riêng tải trọng xe cũng đã 18 tấn và khoảng 80 % container hàng hóa xuất nhập khẩu có trọng lượng 8 tấn - 25 tấn. Như vậy, xe không chở hàng hóa có khi qua cầu cũng bị phạt”.
![]() |
Theo Hiệp hội Vận tải TPHCM, 80% xe container hiện nay đang quá tải cho phép. |
Đâu là hướng ra?
Chủ một DN vận tải nói rằng, hàng container là hàng nguyên đai nguyên kiện nên để chở được hàng thì chỉ còn cách vi phạm và chấp nhận nộp phạt. Thế nhưng, khi bị phạt thì phải chấp hành chế tài “buộc phải hạ tải ngay phần quá tải”, trong khi hàng hóa chở trong container đã được niêm phong, kẹp chì hải quan hoặc kẹp chì của chủ tàu, chủ hàng. Muốn mở container để hạ tải phải được sự đồng ý của hải quan và chủ hàng. Đó là chưa kể do đặc tính lý hóa khác nhau của nhiều loại hàng hóa, nếu xếp dỡ xuống mà không có điều kiện bảo quản sẽ làm hàng hóa hư hỏng.
Mặt khác, từ quy định căn cứ vào tải trọng trục để xử lý vi phạm quá tải dẫn đến tình trạng xe không quá tổng tải trọng nhưng vẫn bị xử phạt, do trọng lượng các trục không đều nhau, xuất phát từ việc sắp xếp các kiện hàng không đều nhau.
Theo ông Lương Hoàng Trung, trong thời gian qua đã có hàng loạt DN buộc phải hủy hợp đồng vận chuyển hàng hóa đi, đến các địa phương, các khu công nghiệp ở các tỉnh khu vực ĐBSCL vì tiền lãi không đủ bù đắp tiền phạt vi phạm. Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM kiến nghị Cục Đăng kiểm khi kiểm định không can thiệp vào khả năng, tính năng của phương tiện, mà chỉ đánh giá như một “giấy khám sức khỏe” mang tính độc lập.
Mặt khác hiệp hội cũng kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam sớm thu hồi, sửa đổi các quy định, quyết định hiện không còn phù hợp hoặc cho phép tính tải trọng qua cầu được tính như tải trọng trục như quy định đối với tải trọng đường.
Tuy nhiên ông Ngô Quang Đảo, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng, cách tính tải trọng hiện nay đối với hệ thống cầu đường Việt Nam là hợp lý. Tải trọng cầu phải tính theo tổng tải trọng, tải trọng đường được tính theo tải trọng trục. Vì giữa cầu và đường có những tính năng kết cấu khác nhau nên không thể đánh đồng tổng tải trọng và tải trọng trục.
Về hướng ra, ông Đảo cho biết, đã có những quy định dành cho xe quá khổ, quá tải. Nếu DN vận tải chở những cấu kiện đặc biệt thì có thể xin phép giấy phép đặc biệt tại các khu đường bộ, hoặc Sở GTVT địa phương. Vấn đề đặt ra, theo các DN vận tải, là với 80% xe container quá tải thì mỗi ngày phải xin bao nhiêu giấy phép đặc biệt? Hướng ra, xem như vẫn mịt mờ đối với các DN vận tải hàng hóa...
(Theo SGGPO)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com