Mặt hàng vật liệu xây dựng đang đứng trước nguy cơ tăng giá hàng loạt Ảnh: Hà Thanh |
Điển hình là Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Thạch vừa tăng giá bán xi măng lên thêm 40.000 đồng/tấn, Công ty cổ phần Xi măng Bút Sơn cũng tăng giá bán xi măng thêm 30.000 đồng/tấn kể từ tháng 2/2010.
Theo các chuyên gia trong ngành, nhiều khả năng giá xi măng tại các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được điều chỉnh với mức tăng cao hơn 2 doanh nghiệp nói trên. Tính toán của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, nếu tăng thêm 30.000 - 40.000 đồng/tấn xi măng, thì doanh nghiệp vẫn lỗ, do chi phí sản xuất của ngành xi măng hiện đã bị “đội” thêm 100.000 - 120.000 đồng/tấn (tùy từng nhà máy).
Công ty Sứ Viglacera Thanh Trì (Hà Nội), doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng, cũng đang chuẩn bị công bố mức giá mới đối với sản phẩm sứ vệ sinh bắt đầu từ quý II/2010.
Ông Nguyễn Văn Thái, Phó giám đốc Công ty Sứ Viglacera Thanh Trì cho rằng, với chi phí sản xuất tăng quá cao như hiện nay, doanh nghiệp không thể không tăng giá bán sản phẩm. “Việc giá điện, xăng tăng thời gian qua đã làm chi phí sản xuất của Công ty tăng thêm 7-10%”, ông Thái nói và cho biết, Công ty đang cân đối và tính toán lại để đưa ra mặt bằng giá mới trên cơ sở tăng giá, nhưng phù hợp với tình hình chung của nền kinh tế.
Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng (Secoin), doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại gạch lát ngoài trời, ngói màu, đá mài... có nhà máy tại Hà Nội, Hưng Yên và TP.HCM cho biết, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng đã buộc Công ty phải điều chỉnh giá bán nhiều loại vật liệu xây dựng.
Theo bà Võ Liên Hương, Phó tổng giám đốc Secoin, đối với những hợp đồng đã ký với đối tác đang đầu tư một số dự án cao ốc lớn như Keangnam, Công ty không điều chỉnh giá bán. “Trên thực tế, đối với khách hàng ký hợp đồng ổn định, Công ty đã có sự chuẩn bị trước về nguyên liệu sản xuất, cũng như sản xuất để lưu kho. Tuy nhiên, đối với phần lớn sản phẩm (ngói màu, gạch lát tezzaro, đá mài...) bán ra thị trường, Công ty đã tăng giá bán với mức tăng phổ biến 10%”, bà Hương nói và cho biết, dù điều chỉnh giá bán, nhưng tiêu thụ của Công ty vẫn tăng mạnh, do thị trường đang có nhu cầu lớn, đặc biệt là tại Hà Nội (nơi đang gấp rút hoàn thiện các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long).
Ngoài xi măng, gạch ngói, sắt thép... hầu hết đã tăng giá so với năm 2009, giá bán một số loại vật liệu khác như sơn, sứ vệ sinh của nhiều doanh nghiệp bán ra thị trường cũng được điều chỉnh tăng 7 - 10%. Điều này đã khiến một số dự án xây dựng, như Dự án Chung cư CT2 tại Văn Khê (Hà Đông) thông báo điều chỉnh giá bán căn hộ thêm 12%.
“Khi chi phí sản xuất tăng cao, việc giữ ổn định giá sản phẩm là rất khó. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp ngành gốm sứ dùng nhiều than và điện, việc tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo cân đối lợi nhuận chắc chắn phải được doanh nghiệp thực hiện. Đây là giải pháp để doanh nghiệp tồn tại và đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động”, ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam nhận định.
(Theo Thế Hải // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com