Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vật liệu xây dựng tăng giá do đầu cơ, làm giá?

Giá thép đang tăng một cách bất thường - Ảnh: Nguyễn Huy

Theo các chuyên gia, thị trường vật liệu xây dựng hiện nay có nhiều điểm tương đồng với thị trường năm 2008, tăng vọt giá tới 60 - 70% rồi hạ bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp. Đây có phải là chiêu đầu cơ, làm giá?

Phát sốt

Khảo sát tại các đại lý bán thép trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hiện giá thép thị trường đã đẩy lên trên dưới 16 triệu đồng/tấn.

Chị Nguyễn Thị Lan - bán hàng tại đại lý thép trên đường Điện Biên Phủ cho biết: Giá thép bắt đầu tăng từ đầu năm đến nay với 4 lần điều chỉnh giá, nhưng đợt tăng mới đây được xem tăng cao nhất với mức từ 1,2 - 2 triệu đồng/tấn.

Chịu tác động lớn nhất trong cơn bão giá thép phải kể đến các nhà thầu xây dựng, bởi phần lớn chi phí của công trình đều liên quan đến thép.

Ông Nguyễn Đức Toàn – GĐ Ban điều hành Tổng Cty xây dựng Sông Hồng, đơn vị thực hiện dự án Nhà thi đấu thể dục thể thao TP Đà Nẵng phục vụ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VI sắp cận kề, cho biết, công trình có tổng mức đầu tư 864 tỷ đồng nhưng riêng dàn mái đã ngốn  300 tỷ đồng, lại làm hoàn toàn bằng sắt nhập từ Hàn Quốc (khoảng 1.000 tấn). Do đó, với giá thép hiện nay việc đội giá công trình so với dự kiến ban đầu là điều khó tránh khỏi.

Bộ Công Thương vào cuộc

Trao đổi với Tiền Phong, một quan chức Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo điều tra việc giá thép và các vật liệu xây dựng tăng mạnh. Hiện cơ quan này đang có kế hoạch kiểm tra và sẽ có kết quả trong thời gian sớm nhất.

Hầu hết các loại vật liệu xây dựng khác cũng đang đội giá, khiến các đơn vị nhà thầu, thi công sốt vó.

“Ban đầu 165 căn hộ cho người nghèo tại Đà Nẵng được Vincon khởi công xây dựng, giá thép chỉ có 10.500 đồng/kg nhưng đến nay giá thép đã tăng lên 16.000 đồng/kg.

Bên cạnh giá thép, gạch cũng tăng 20%, xi măng tăng thêm 15%, vật liệu xây dựng tăng 40%, lãi suất ngân hàng tăng trên 8%... là những tác động bất lợi dồn dập đối với đơn vị xây dựng như chúng tôi” - ông Phạm Đức Long - Tổng GĐ Vincon than thở.

Ông Long ước tính: Với mức tăng đồng loạt như vậy, chi phí mỗi mét vuông sàn xây dựng cũng phải tăng trên 30%, đội tổng giá trị công trình tăng trên 20%, cũng có nghĩa là đơn vị sẽ phải bù thêm trên 50 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Minh Khai cho biết giá cát vàng đã tăng gấp 1,5 lần, từ 500.000 đồng/xe 2,5 tấn lên 720.000 đồng/xe trong hơn một tháng qua.

Điểm gây sốt nhất của thị trường là giá thép xây dựng. Trong 1 tháng qua, giá thép trên thị trường Hà Nội đã tăng tới 3 triệu đồng/tấn. Từ đầu tháng 4 đến nay, giá thép trên thị trường đã tăng thêm từ 500.000 đến gần 700.000 đồng/tấn, và hiện ở mức xấp xỉ 17 triệu đồng/tấn.

Chủ các cửa hàng kinh doanh thép trên đường Minh Khai, Đại Cồ Việt, Đường Láng khẳng định giá thép vẫn chưa đến đỉnh.

Giá vật liệu xây dựng leo dốc khiến không ít người dân có nhà đang xây dở như ngồi trên đống lửa. Chỉ tính riêng tác động của giá thép tăng khiến nhiều công trình bị đội giá hàng chục triệu đồng. Căn nhà 40 m2 sẽ phải mất thêm gần 60 triệu đồng nữa” - Ông Nguyễn Văn Vì, đường Thọ Lão, cho biết.

Té nước theo mưa

Theo các đại lý tại Đà Nẵng, nguyên nhân của tình trạng vật liệu xây dựng, trong đó có thép tăng giá bất thường xuất phát từ việc điện, than, đặc biệt là phôi thép của thế giới tăng giá.

Giá thép tăng cao khiến các chủ đầu tư xây dựng đứng ngồi không yên - Ảnh: P.Tuyên

Theo ông Trần Văn Cúc – Chủ tịch HĐQT Cty CP thép Xuân Hưng, riêng 2 nhà máy sản xuất thép thuộc hệ thống của công ty mỗi tháng phải nhập 3.000 tấn nguyên liệu từ nước ngoài (chiếm 75%). Do vậy, khi giá phôi thép nhập tăng 6% đồng nghĩa với 1kg thép của Xuân Hưng bán ra cũng phải tăng 1.000 đồng.

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại khiến giá thép bị đẩy lên cao hơn mức bình thường chính là việc các đại lý lợi dụng thông tin trôi nổi trên thị trường để “té nước theo mưa”.

Ông Cúc cho biết thêm: Giá thép tăng cao một phần do thông tin bị thổi phồng lên chứ giá tại nhà máy tăng không đáng kể. Nguồn nguyên liệu nhập vào hiếm, khiến thép nhà máy sản xuất ra cũng có hạn, sức tiêu thụ ở mức bình thường chứ không sôi động như thông tin bị thổi phồng.

Một đơn vị sản xuất thép tại Đà Nẵng cho biết, thực tế giá thép xuất xưởng tại kho của các nhà máy chỉ trên dưới 14 triệu đồng/tấn nhưng ra đến thị trường đã bị đẩy lên 16 triệu đồng/tấn.

Một chuyên gia về giá cho rằng thị trường thép hiện nay có nhiều điểm tương đồng với thị trường năm 2008, tăng vọt giá tới 60 – 70% rồi hạ bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp.

Một điểm bất hợp lý của thị trường là giá đã tăng từ cuối tháng 2 đến nay khi giá thế giới chưa biến động. Các doanh nghiệp phải nhập và có lượng tồn kho phôi khá lớn trước đó nên không thể vin giá phôi thế giới tăng cao để tăng ngay giá bán trong nước như thế được. 

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, một Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho rằng, việc kết luận thị trường thép đang có tình trạng đầu cơ, làm giá hay không rất là khó. Các doanh nghiệp trong nước cũng phải mua đuổi, bán đuổi thị trường do lượng phôi dự trữ không nhiều, chỉ đủ dùng cho một tháng.

Ngoài ra, tỷ giá tăng cao cộng với hiệu ứng tâm lý tăng giá và việc lương tối thiểu sắp được điều chỉnh lên 730.000 đồng/tháng là những áp lực tạo ra mặt bằng giá vật liệu mới.

(Theo Phạm Tuyên - Nguyễn Huy // Tienphong Online)

  • Loại 9 dự án xi măng khỏi quy hoạch
  • Tìm biện pháp “phá vây” cho ngành thép
  • DN xi măng: Làm gì để tránh phá sản?
  • Úc tham gia thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam
  • Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng "bắt bệnh" các nhà máy xi măng ôm nợ
  • Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả: Chất lượng tạo thương hiệu
  • Thị trường xi măng: Thừa Bắc, thiếu Nam
  • Giá xi măng sẽ tăng nhẹ
  • Giá bán xi măng ổn định trong cả nước
  • Ngành gỗ gặp khó về nguyên liệu và thị trường
  • Sức ép tăng giá vật liệu xây dựng
  • Xi măng đối mặt khả năng tăng giá
  • Sơn chống nóng: Vào mùa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container