Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành gỗ gặp khó về nguyên liệu và thị trường

Sản xuất ghế xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN).
Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và nguy cơ có thể đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá của các doanh nghiệp Hoa Kỳ khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Vẫn phải nhập gỗ


Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam ái ngại về lâu dài, ngành gỗ Việt Nam sẽ vẫn không tránh khỏi việc phải nhập khẩu nguyên liệu.

Năm 2009, sản lượng gỗ khai thác của Việt Nam đạt 3,88 triệu m3. Trong đó, lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 3,7 triệu m3, còn lại là từ rừng tự nhiên.

Để phục vụ ngành chế biến xuất khẩu gỗ, năm vừa qua, Việt Nam vẫn phải nhập đến 4 triệu m3 gỗ.

Theo tính toán của hiệp hội, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ dự kiến trong các năm 2010, 2015 và 2020 sẽ lần lượt đạt ở con số 3 tỷ USD; 4,5 tỷ USD và 7 tỷ USD.

Theo kịch bản này thì từ nay đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 4-5 triệu m3 gỗ. Hơn nữa, có thể thời gian tới, thị trường nguyên liệu gỗ cho Việt Nam sẽ bị thu hẹp bởi hiện nay, các nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu đang xem xét lại chuỗi giá trị ngành gỗ. Do vậy, có nhiều khả năng thời gian tới, các nước này sẽ ban hành các chính sách giảm hoặc không xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ. Đây sẽ là một bất lợi lớn cho ngành chế biến đồ gỗ Việt Nam và đòi hỏi ngành phải sớm có những phương án để giảm dần sự phụ thuộc này.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng muốn giải quyết bài toán giảm nhập khẩu nguyên liệu gỗ và tăng chất lượng gỗ, không những phải làm tốt công tác tuyển chọn giống cây trồng, quy trình chăm sóc... mà còn phải lựa chọn thêm nhiều giống cây ngoài các nguyên liệu truyền thống như keo, bạch đàn...

Thậm chí, có thể tính đến phương án đưa các giống xoài, sầu riêng vào khai thác gỗ để đáp ứng nhu cầu gỗ đa dạng của thị trường.

Dè chừng xuất khẩu

Số liệu từ Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho thấy, hai tháng đầu năm 2010, xuất khẩu đồ gỗ đạt 619 triệu USD (tăng 59% so với cùng kỳ năm 2009).

Các chuyên gia nhận định ngành gỗ trong nước đang có được những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam trong năm 2010.

Từ năm 2010, Mỹ và EU đặt ra rất nhiều quy định nghiêm ngặt, đặc biệt là đạo luật Lacey của Mỹ (có hiệu lực từ 1/4/2010) đối với đồ gỗ nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có một lượng không nhỏ từ Việt Nam.

Một trong những yêu cầu đó là phải chứng minh được nguồn gỗ hợp pháp.

“Để đảm bảo yêu cầu của các nước nhập khẩu, ngành công nghiệp gỗ nhất thiết phải sử dụng nguồn gỗ hợp pháp. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải biết đầy đủ và chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ, số lượng và chủng loại gỗ xuất khẩu hàng năm. Đồng thời phải nắm bắt rất rõ đơn đặt hàng theo mẫu mã thiết kế và thị trường tiêu thụ,” ông Nguyễn Tôn Quyền khẳng định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ có thể phải đối mặt với những vụ kiện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) của các nhà sản xuất nội địa Mỹ.

Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường James Hewitt, Mỹ là thị trường chiếm nhiều thị phần nhất trong số ba thị trường xuất khẩu chính của đồ gỗ Việt Nam trong năm 2010, với 44% thị phần.

Trong buổi tọa đàm mới đây về các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam, tiến sĩ Peter John Koenig - luật sư cao cấp của Hãng luật Squire Sanders (Hoa Kỳ) lưu ý “Khi có các vụ kiện đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc thì các mặt hàng tương tự của các quốc gia khác cũng sẽ bị để ý tới. Đồ gỗ là mặt hàng nhạy cảm, các nhà sản xuất nội địa Mỹ rất hay khởi kiện Trung Quốc về vấn đề này. Vì thế, các nhà sản xuất mặt hàng đồ gỗ ở Việt Nam phải cẩn trọng.”

Qua những tư liệu về các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với cá, tôm, túi nhựa, giầy dép, đèn compact... trong quá khứ, tiến sĩ Koenig cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét các vụ kiện trên, cẩn trọng hơn.

Một số biện pháp mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm là đa dạng hóa các thị trường để nhỡ bị kiện ở thị trường này thì không quá ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của mình.

Các doanh nghiệp nên tránh bán hàng với giá quá thấp, bởi vì điều này có thể khiến thị trường Mỹ cho rằng doanh nghiệp có những hoạt động kinh doanh không lành mạnh. Doanh nghiệp nên có một hệ thống sổ sách kế toán minh bạch để khi bị yêu cầu, có thể cung cấp kịp thời các số liệu rõ ràng cho phía điều tra./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

  • Loại 9 dự án xi măng khỏi quy hoạch
  • Tìm biện pháp “phá vây” cho ngành thép
  • DN xi măng: Làm gì để tránh phá sản?
  • Úc tham gia thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam
  • Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng "bắt bệnh" các nhà máy xi măng ôm nợ
  • Sức ép tăng giá vật liệu xây dựng
  • Xi măng đối mặt khả năng tăng giá
  • Sơn chống nóng: Vào mùa
  • Chủ đầu tư “tất bật” với bài toán giá vật liệu
  • Ưu đãi cho DN đầu tư sản xuất VLXD không nung
  • Doanh nghiệp xi măng bàn chuyện tăng giá
  • Xi măng sẽ tăng giá
  • Kính cường lực Eurowindow: an toàn và bền vững
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container