Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đại gia Việt trên đất Triệu Voi

Đi qua sáu tỉnh miền Trung nước Lào, ở đâu tôi cũng gặp người Việt, đến nỗi không có cái cảm giác được ra nước ngoài. Ở đó có những đại gia Việt kiều nổi tiếng khắp đất Triệu Voi.

Thợ cắt tóc thành đại gia

Thoong Phi La Vông, một trong những Việt kiều tiếng tăm khắp nước Lào

Đặt chân đến tỉnh Viêng Chăn, Som Say, một nhà báo của Đài Truyền hình Lào, kiêm luôn người dẫn đường, giới thiệu: “Ở đây có một trang trại hàng ngàn hécta trầm hương của một Việt kiều. Trang trại và ông chủ của nó nổi danh cả nước Lào”.


Ông chủ đó là Thoong Phi La Vông. Som Say có vẻ cũng rất thân với Thoong. Sau cú điện thoại, anh dẫn chúng tôi đến trang trại của Thoong. Một trang trại rộng lớn, riêng trầm hương khoảng 2.000 ha, nằm ở bản Nỏng Bùa, tỉnh Viêng Chăn. Đây là trang trại trầm hương lớn nhất nước Lào.


Ngoài cổng, mấy người mặc quân phục, được trang bị súng đạn đứng gác. Tôi chưng hửng “Sao vào trại lính?”, Som Say giải thích: “Thoong thuê cả tiểu đội của quân đội Lào gác đấy”.


Cha gốc Hoa, mẹ người Nam Định, Thoong sinh năm 1952 ở đất Thái. Khi đó cả cha mẹ sống ở Thái Lan. Nhà có bốn chị em, Thoong là thứ ba. Năm 1963, cả nhà Thoong về Nam Định, trừ cha.  Bởi thế, cả bốn chị em Thoong nói tiếng Việt và rất Việt Nam. Thoong từng là công nhân nhà máy dệt Nam Định. Thoong kể, những ngày sống ở Nam Định, hình ảnh người cha luôn là nỗi ám ảnh trong Thoong.


Năm 1988, anh quyết tâm một mình vào Sài Gòn rồi qua đất Thái làm thuê kiếm sống để tìm cha. Tìm cha không được, Thoong dạt sang Lào kiếm sống. Bắt đầu bằng nghề cắt tóc ở Thủ đô Viêng Chăn, rồi nhập quốc tịch Lào. Run rủi thế nào, Thoong được vinh dự cắt tóc cho hai đời chủ tịch nước Lào.


Tôi kiểm chứng thông tin này qua Som Say, anh nói đúng. Điều này không phải vì hai vị chủ tịch nước Lào xác nhận, mà báo chí Lào cũng từng đăng bài viết về chuyện này nhưng không thấy phải đính chính. Chắc có lẽ từ đó mà cuộc đời Thoong sang bước ngoặt mới. Bỏ cắt tóc đi môi giới bất động sản và phất.


“Tôi có được trang trại đó là nhờ buôn bất động sản”. Còn bây giờ, ngoài đầu tư làm trang trại cây công nghiệp, Thoong còn môi giới đầu tư. “Ngay như tập đoàn Tân Tạo ở Sài Gòn vừa rồi sang đầu tư dự án sân golf và khai thác khoáng sản, là do tôi môi giới”, Thoong nói.


Trang trại cách thủ đô Viêng Chăn chừng 80 km. Đầu tiên anh mua 1.000 ha đất, sau đó thuê lại thêm của 60 hộ dân bản Nỏng Bùa hơn 1.200 ha. Đổi lại, cư dân của bản được Thoong xây nhà cho ở, phát gạo cho ăn và lương cho tiêu xài. Những cư dân của bản  làm thuê cho Thoong.


Từ ngày Thoong đến, dân bản Nỏng Bùa đổi đời. Không còn lo thiếu đói nữa. Đến năm 2006, thấy trang trại phát triển Bộ Quốc phòng Lào giao luôn cho Thoong gần 7.000 ha đất rừng để anh quản lý và chăm sóc luôn. Hiện trang trại rộng tới gần 10.000 ha. Nói như Thoong, đi bộ cả chục ngày mới hết trang trại. 


Những ngày tôi ở thủ đô Viêng Chăn, không ít người Việt, loan tin “Thoong sắp vỡ nợ”. Tôi đến nhà Thoong ở ngay mặt đường lớn giữa trung tâm thủ đô Viêng Chăn. Ngôi nhà bề thế, tọa lạc trên mảnh đất ước chừng cũng vài ngàn mét vuông. Nếu nhân với giá đất đắt nhất ở thủ đô này (khoảng trên dưới chục triệu đồng tiền Việt một mét, tùy vị trí) thì cũng có vài chục tỷ đồng.


Tôi hỏi Thoong chuyện tin đồn nợ nần thế nào, anh trả lời: “Làm ăn ai mà không nợ. Khi làm trang trại tôi được Chính phủ chỉ đạo một số ngân hàng cho vay ưu đãi mấy triệu đô la. Nay vẫn còn nợ ngân hàng khoảng năm triệu đô la. Nhưng số nợ này so với số tài sản của tôi vài chục triệu đô la không thấm vào đâu”.


Cũng thời điểm này, ở Việt Nam có nhiều tin đồn chuyện ông chủ Hoàng Anh Gia Lai sắp vỡ nợ. Tôi chợt nghĩ, hình như đại gia Việt ở đâu cũng có tin đồn. Ở đời, đôi khi thực hư chẳng biết đâu mà lần.

Hiện trầm hương trong trang trại của Thoong đã được 4-6 năm tuổi, những cây trầm hương cao vút bắt đầu được khoét lỗ để bơm thuốc tạo trầm. “Nếu xuôi chèo mát mái, trầm hương cho thu hoạch, thì tôi thu bộn tiền. Giá trầm hương hiện tại khoảng 16.000 USD/ lít (chiết xuất). Đầu ra cũng không phải lo, vì đã có đối tác ở Malaysia nhận bao tiêu”, Thoong cho biết.


Dễ sống
 

Một buổi sinh hoạt của CLB Việt kiều đồng hương Xiêng Khoảng Ảnh: N.B

Hôm tôi đến tư gia của Thoong, đúng ngày câu lạc bộ (CLB) đồng hương Xiêng Khoảng định kỳ sinh hoạt. Cả thảy CLB có trên 180 thành viên, đều là người gốc Việt.


Ông Khăm Chăn, Chủ nhiệm CLB cho biết, đây là những người Việt từng sinh sống ở Xiêng Khoảng (tỉnh giáp Nghệ An), sau đó về thủ đô Viêng Chăn lập nghiệp. Chúng tôi được CLB chào đón bằng bài hát Việt Nam quê hương tôi.


Hỏi chuyện, tôi mới biết chủ nhiệm CLB quê Hà Tĩnh, từng là nhà giáo, dạy bổ túc cho cán bộ Lào ở Việt Nam. Đầu những năm 1970, ông sang Lào. Nay cũng là một đại gia. Hóa ra cái khách sạn ngay trung tâm thành phố mà đoàn nhà báo chúng tôi ở là của ông.


Khách sạn ngay mặt đường chính, hơn 100 phòng, nhỉnh hơn ba sao một chút, trị giá hàng triệu đô la. Nơi đây khách Việt ra vào không ngớt. Ông kể, ở Viêng Chăn có khoảng gần triệu dân, thì người Việt chiếm trên 10 phần trăm. Đó là con số có thống kê trên sổ sách, còn người Việt sang làm ăn kiểu mùa vụ cũng khá nhiều. “Phần lớn người Việt mình ở Viêng Chăn  làm ăn khấm khá”, ông nhận xét.


Ngay như trong CLB đồng hương Xiêng Khoảng, có khá nhiều tiểu chủ. Như anh Vi Hẳn Xỉ Phôm (tên Việt Nam là Nguyễn Văn Cư), quê gốc Phúc Thọ (Hà Nội), ban đầu mở cửa hàng bán điện lạnh. Nay mở hẳn doanh nghiệp, có dây chuyền lắp ráp máy điều hòa, hơn chục công nhân làm không hết việc. “Ở Lào nóng quanh năm, nên tôi bán đồ này cũng được”, anh nói.


Sang đất Triệu Voi, có một điều tôi thấy lạ. Khá nhiều lao động phổ thông người Việt sang đây làm ăn theo mùa vụ, nhưng thu nhập cũng khá. Có khi còn hơn cả đi xuất khẩu lao động sang một số nước Trung Đông. Nhưng có vẻ chưa có doanh nghiệp Việt nào nghĩ đến việc chọn đây là một thị trường để XKLĐ.

Tình cờ khi ăn sáng ở một quán phở trên đường đến thủ đô Viêng Chăn, mà ông chủ quán cũng là người gốc Việt, tôi gặp Nguyễn Anh Thắng, người Thanh Trì (Hà Nội). Anh Thắng sang làm thuê cho một doanh nghiệp ở Nghệ An, trúng thầu làm con đường vào thủy điện Noong San (tỉnh Viêng Chăn).


Anh Thắng cho biết, mỗi tháng lao động thủ công như anh cũng được trả ba triệu kíp (khoảng sáu triệu đồng Việt Nam). “Mà bên này, ăn uống cũng rẻ nên mỗi tháng cũng gửi được về cho vợ bốn triệu đồng”, anh Thắng nói.


Tại thủ đô Viêng Chăn còn có khu phố người Việt, với đủ các loại hàng quán rất Việt Nam như phở, tào phớ, trà đá vỉa hè… Vào một tiệm cắt tóc, tôi gặp Nguyễn Văn Thủy, chủ tiệm là người Việt Nam. Thủy kể, anh là người Huế sang được sáu tháng, cắt tóc mỗi ngày cũng kiếm được hai trăm ngàn kíp (khoảng 400 ngàn Việt Nam).


Nhìn Thủy cắt tóc, tôi cứ mường tượng, biết đâu có một ngày đẹp giời nào đó, anh lại tình cờ được cắt tóc cho một vị lãnh đạo cấp cao của Lào, như Thoong. Từ đó, phất lên thành đại gia. Thì như chính Thoong Phi La Vông cũng vậy. Bắt đầu từ một anh chàng cắt tóc, và nay thành đại gia tiếng tăm nổi khắp nước Lào.  
 

Về đóng góp của người Việt trên đất Triệu Voi, Som Say nói với tôi: “Mô hình trang trại của Thoong được các nhà lãnh đạo cao nhất của Lào đến thăm. Cũng từ mô hình này, Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào có một nghị quyết về phát triển cây công nghiệp. Một số chính sách liên quan đất đai cũng được điều chỉnh, để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế trang trại…”.

( Theo TPO)

  • Chuyện về Tổng giám đốc IDG Venture Việt Nam
  • Ông tỷ phú luôn nảy sinh ý tưởng làm ăn mới
  • Chuyện ít biết về người phụ nữ giàu nhất Việt Nam
  • Ông Đoàn Nguyên Đức vẫn giàu nhất TTCK
  • Tự hào nữ doanh nhân Việt Nam
  • Từ cuốc xích lô đến... nhà máy ôtô cho VN
  • Chủ tịch tập đoàn Trường Thành - Võ Trường Thành: Nên kích thích sản xuất trước, kích cầu tiêu dùng sau
  • Người Việt tạo ra "mỹ nhân máy" có cảm xúc đầu tiên trên thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao