Anh Ba Dư là người lập nghiệp và dần dần hình thành một làng nghề nuôi, ươm cá bột, cá giống. Đây là tiền đề của sự phát triển về kinh tế, xã hội ở khu vực này”.
Từ thành phố Cần Thơ, theo Quốc lộ 91, chúng tôi rẽ phải vào khu vực Thới Hòa C, phường Long Hưng, quận Ô Môn đến gặp anh Nguyễn Xuân Dư (Ba Dư), người khơi nguồn và truyền dạy nghề nuôi cá đẻ, ươm cá bột, cá giống các loại cho nhân dân trên địa bàn, phục vụ cho nuôi trồng thủy sản ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long…
Thời hoa lửa
Ngay khi vừa tới cầu Ô Môn, đi vào khu vực Thới Hòa, chúng tôi đã thấy các trại bán cá giống, cá bột san sát. Đời sống nhân dân ở đây có vẻ sung túc, nhà cửa san sát mọc lên như khu phố, rất nhiều gia đình đã xây được nhà cao tầng. Trước nhà, là những chậu cây cảnh có giá trị như: Mai cổ thụ, Lộc vừng, Thiên tuế… được chăm sóc cẩn thận.
Anh Đàm Thủy Nguyên, người bạn thân của anh Ba Dư, tâm đắc cho biết: “Sau khi giải phóng, đây là vùng đất hoang hóa, lau sậy um tùm. Anh Ba Dư (Giám đốc trại cá giống số 1 Hậu Giang năm 1992), là người lập nghiệp và dần dần hình thành một làng nghề nuôi, ươm cá bột, cá giống. Đây là tiền đề của sự phát triển về kinh tế, xã hội ở khu vực này”.
Chúng tôi đến trước cửa nhà anh Ba Dư, một căn nhà rộng rãi nằm bên kia dòng kênh với chiếc cầu bê-tông vững chắc nối với lộ giao thông bên này. Cánh cổng sắt luôn mở rộng như sẵn lòng đón tiếp bất cứ ai có ý định ghé thăm.
... Cuộc đời anh Ba trải qua nhiều thăng trầm. Anh sinh năm 1947 ở Thái Bình. Từ nhỏ, anh đã gắn bó cùng với ruộng, đồng và đam mê trồng trọt, chăn nuôi. Năm 1965, anh xung phong đi bộ đội và tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Trung. Trong một trận giặc càn, anh cùng đồng đội nổ súng thu hút địch để bảo đảm an toàn cho sở chỉ huy đang họp. Trận chiến không cân sức diễn ra suốt 3 ngày đêm. Giặc bao vây khắp tứ phía quanh ngọn đồi nơi các anh đóng quân. Lúc đầu chúng hùng hổ lao lên nhưng bị lưới đạn của các anh đẩy lùi. Tức giận vì thất bại, chúng điên cuồng dùng hỏa lực tập kích lên ngọn đồi. Sau một loạt đạn pháo, anh thấy trời đất mịt mù và ngất lịm… Tỉnh lại, anh thấy mình đang nằm ở trạm xá, phía dưới chân và vùng đầu đau buốt, các đồng đội khác không thấy đâu. Bọn địch giở mọi chiêu bài dụ dỗ, tra tấn, hỏi cung nhưng không thu được kết quả, chúng liền đày anh cùng một số đồng chí khác ra nhà lao Cây Dừa đảo Phú Quốc.
Nhưng ngục tù cũng không làm phai mờ được ý chí cách mạng. Cùng những người con kiên trung khác của Tổ quốc, anh Ba tiếp tục tham gia đấu tranh chống lại sự tàn bạo của kẻ thù. Anh tích cực tham gia hoạt động của tổ chức Đảng, tuyệt thực đấu tranh, biểu tình, xây dựng kế hoạch đào hầm bỏ trốn… Năm 1973, anh được trao trả tự do. Thấy anh có trình độ, tổ chức quyết định cho anh đi học trường trung cấp Thủy sản vào tháng 9 năm 1973.
Một quyết định theo lẽ sống
Năm 1976, anh tốt nghiệp loại giỏi. Miền Nam rất cần những người có năng lực trình độ để tái thiết đất nước sau chiến tranh. Anh Ba liền đăng ký xung phong vào miền Nam làm việc.
Có rất nhiều người khuyên anh nên ở lại miền Bắc vì có nhiều cơ quan cần những cán bộ có trình độ, trong khi anh lại tốt nghiệp loại giỏi. Thế nhưng, anh vẫn kiên trì quyết định ban đầu để “góp phần công sức xây dựng lại đất nước sau chiến tranh” (lời anh Ba). Cuối năm 1976, anh nhận nhiệm vụ làm Phó giám đốc trại cá giống số 1 Hậu Giang.
Nhấp một ngụm nước dừa mát lạnh trong ly, anh Ba cho chúng tôi biết thêm: Lúc bấy giờ, nghề nuôi cá trong ao đã phát triển sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hầu như nhà nào cũng có một vài ao lớn nhỏ và đối tượng nuôi chính là cá tra.
Thời đó, kỹ thuật nuôi cá còn rất hạn chế nên nghề nuôi cá ở đây còn mang tính chất đơn điệu với đối tượng nuôi chủ yếu là cá tra, còn nuôi các loại cá khác thì rất ít (vì cá tra có đặc tính chịu đựng được môi trường khắc nghiệt nên không cần phải đào ao lớn mà nuôi vẫn có kết quả); nguồn con giống thì phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Hằng năm, vào khoảng đầu tháng 5 âm lịch, khi nước lớn từ thượng nguồn sông Mê Kông bắt đầu đổ về thì ngư dân dùng một loại lưới hình phễu gọi là "đáy" để vớt cá bột và chuyển về ao ương nuôi thành cá giống rồi vận chuyển đi bán cho người nuôi trong ao và bè khắp vùng Nam bộ. Do điều kiện của tự nhiên và sự khai thác tận diệt của con người, sản lượng cá bột ngày càng thấp không đáp ứng đủ nhu cầu cho nghề nuôi cá trên địa bàn. Thế nên, việc nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá tra và các loại cá là một yêu cầu cấp thiết phục vụ nghề nuôi cá trong khu vực.
Năm 1980, sau một thời gian dài nghiên cứu, mày mò đúc rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, trại cá đã cho những thành phẩm đầu tiên. Nhìn lứa cá con dần dần lớn lên, ai cũng vui mừng khôn xiết. Từ đây, trại cá đã trở thành địa điểm tin cậy cung cấp nguồn cá giống nhiều loại như: Cá tra, ba sa, mè, chép, trắm, rô, sặc rằn… đã đáp ứng được phần nào về nhu cầu của nghề nuôi cá trong khu vực.
Năm 1992, sau nhiều năm cống hiến, anh Ba được bổ nhiệm làm giám đốc trại cá; đến năm 1993, anh nghỉ hưu.
Người khơi nguồn nghề cá
"Khi về nghỉ hưu, thấy nhu cầu cá giống vẫn rất lớn, trong khi mình lại làm chủ về khoa học và kỹ thuật mà lại bỏ thì rất phí, nghĩ vậy tôi quyết tâm làm nghề, thứ nhất là kiếm thêm thu nhập cho gia đình, thứ hai cũng là để lao động cho đỡ buồn”, anh Ba tâm sự.
Thời gian đầu quay trở lại nghề với nguyên giám đốc trại cá quả là khó khăn. Những năm tháng ngồi bàn giấy cũng ảnh hưởng không ít tới thói quen sinh hoạt. Bên cạnh đó, anh lại gặp khó khăn về vốn và cơ sở vật chất. Rất may là ở cơ quan Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, sát bên nhà anh ở, có mấy ao để không, anh Ba liền đến đặt vấn đề hợp tác làm ăn - nơi bỏ đất và kinh phí đầu tư, người bỏ công sức và vận dụng kỹ thuật. Tin tưởng vào anh, anh Ba Sang – chỉ huy Viện lúa đã ký hợp đồng, xuất kinh phí đầu tư vào nghề cá.
Trời không phụ lòng người, năm đầu tiên, sự hợp tác đã cho kết quả khả quan, toàn bộ kinh phí đầu tư đã lấy lại được và tạo được nguồn lãi ổn định là đàn cá bố, mẹ hàng trăm con được nuôi cẩn thận trong ao. Năm thứ hai, thứ ba rồi những năm tiếp theo, anh Ba thu lãi hàng chục triệu đồng từ việc cung cấp cá giống, cá bột cho thị trường. Cơ sở làm cá của anh Ba giải quyết việc làm cho hơn chục người lao động với thu nhập ổn định. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân đã đến gặp “thầy” Ba Dư mong học hỏi nghề nuôi cá đẻ, ươm cá bột, cá giống.
Là người đầu tiên làm kinh tế cá thể nghề nuôi cá đẻ, ươm cá bột, cá giống trên mảnh đất này nhưng anh Ba Dư không vì thế mà giữ kỹ thuật lại cho riêng mình để chiếm thế độc quyền làm giàu. Từ quan điểm "sống là để cống hiến” cộng thêm ước nguyện giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt, anh trân trọng đón tiếp, nhiệt tình truyền thụ kinh nghiệm cho những người đến nhờ cậy để họ có thể xây dựng cuộc sống và làm giàu bằng chính mồ hôi công sức của mình.
Nhiều hộ khi gặp vấn đề khó khăn như con giống chết hàng loạt hoặc bị bệnh, anh lại cất công đến chỉ dạy họ cách chữa bệnh cho cá, hay hỗ trợ giống miễn phí giúp bà con vượt qua cơn hoạn nạn. Nhiều hộ thiếu vốn, anh cho mượn giống về nuôi đến khi nào thu hoạch có lời thì trả.
- Từ khi làm nghề cá tư nhân, anh đã cho bà con mượn khoảng bao nhiêu tiền, bao nhiêu tấn giống cá? Tôi hỏi.
Thoáng mỉm cười rồi anh Ba Dư trả lời tôi: Làm sao mà nhớ hết được, mỗi thời điểm thì giá trị hàng hóa lại khác nhau. Vả lại, năm thất thì bà con mượn nhiều, năm lời thì ít, thời gian lại dài nên không thể tính được.
Quả thực là rất khó tính! Nhưng ở ngay sát nhà anh, những hộ gia đình trước kia cuộc sống rất khó khăn như gia đình anh Nguyễn Văn Huệ, Bùi Văn Bé Ba… nhờ sự giúp đỡ về kỹ thuật và vốn của anh Ba đã vươn lên làm giàu với thu nhập hằng năm hơn 100 triệu đồng và vùng đất hoang hóa năm nào đã thay da đổi thịt phát triển thành một làng nghề với gần 100 hộ theo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là minh chứng sống động cho chữ tình của “thầy” cá Ba Dư.
Anh Ba tiếp tục thành lập câu lạc bộ “chăn nuôi – thủy sản” (hiện nay anh là Chủ nhiệm Câu lạc bộ), với mục đích gắn kết các hộ với nhau cùng chung vai sát cánh, giúp đỡ động viên lẫn nhau vượt qua khó khăn hay chỉ bảo cho nhau những kinh nghiệm và kiến thức làm nghề… Đặc biệt, mô hình này giúp các hộ nuôi cá có thêm nhiều thông tin, tìm đầu ra trên thị trường và trao đổi nguồn hàng ổn định ít bị tác động với quy luật cung – cầu. Nhờ vậy, mức độ rủi ro trong nghề cá đã bị hạn chế; con cá giống xuất ra thị trường khỏe mạnh, đảm bảo về chất lượng. Hiện nay, các hộ trong câu lạc bộ có thu nhập từ 70 triệu đến 500 triệu đồng/năm (tùy theo quy mô sản xuất).
Đưa chúng tôi tham quan mấy hầm cá giống, anh Ba Dư cho biết:
- Trước kia, tôi mua được khoảng gần 4ha đất đào hầm nuôi cá, thu nhập tiền lời tính theo giá trị hiện tại thì hơn 300 triệu/năm. Hiện nay, các con tôi đều học xong, ra trường và đi làm việc, tôi thì không còn khỏe như trước nữa nên đã bán bớt, chỉ để lại một héc-ta đất gồm nhà cửa vườn tược và 2 hầm cá. Thu nhập tiền lời chỉ còn gần 100 triệu/năm. Thú thực, nhiều khi tôi muốn bán luôn để nghỉ ngơi cho khỏe, thế nhưng tôi vẫn chưa dứt được niềm say mê với con cá và nhà tôi đã là nơi quen thuộc để các cháu sinh viên Trường Đại học Cần Thơ và Trung học nông nghiệp đến đây nghiên cứu, thực tập hằng năm. Vì vậy, tôi vẫn còn nhiều duyên nợ với nghề lắm.
Bằng tâm huyết của mình, anh Ba đã góp phần lưu truyền rộng rãi những kiến thức nghề cá trong nhân dân, giúp nhiều hộ gia đình vượt qua gian khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhìn nụ cười tươi rói của anh, chúng tôi biết rằng gia đình anh Ba Dư sẽ mãi là địa chỉ tin cậy để mọi người đến học tập, trao đổi kinh nghiệm, làm chủ khoa học kỹ thuật trong nghề nuôi cá đẻ, cá bột, cá giống.
(Theo QĐND)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com