Giới chơi cây cảnh nghệ thuật thường nói với nhau rằng: Để tìm ra một thú chơi “tốn kém” nhất tại VN có lẽ không thú chơi nào vượt qua thú chơi cây cảnh nghệ thuật. Dân trong nghề truyền tai nhau: ở VN có không ít vườn cây trị giá hàng trăm tỷ đồng, như vườn cây của anh “Thịnh sắt”: 150 tỷ, của anh “Toàn đô la” trị giá 120 tỷ, của anh “Phiến cá” trên 400 tỷ, hay vườn của anh “Quý trôi”, “Thọ nhựa” cũng trên dưới 100 tỷ...
Chính vì vậy những cái tên quen thuộc trong giới mê “kỳ mộc” của VN như “Thành vàng”, “Phiến cá”, “Thịnh sắt”, “Thọ nhựa”, “Tuyến than”... đều gắn với nghề kinh doanh thành đạt của họ.
Kỳ công để có “kỳ mộc”
Tiếng đồn của cây sanh quý có cái tên đầy tính “ẩm thực”- “Mâm xôi con gà” dẫn tôi tìm đến chủ nhân của cây: doanh nhân “Thành vàng” (tên thật là Nguyễn Văn Thành - chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng Nam Thành tại Việt Trì - Phú Thọ).
“Thành vàng” là người khá điềm đạm và gần gũi. Anh chia sẻ: Khi ta tâm huyết với cây và chăm bón, tỉa tót cây đến độ tinh túy, đạt chân- thiện- mỹ thì cây như hiểu ý người. Những lúc vui, đứng ngắm cây thấy cành lá rung rinh như reo đón. Còn lúc buồn, trông lá cây thấy ủ rũ buồn theo. Điều này không biết có tin được không, nhưng giới chơi cây đều cảm thấy như vậy. Do yêu cây, coi cây như thân thể mình, nên khi tỉa một cành lá cũng phải suy nghĩ chán, rồi chọn giờ đẹp, ngày đẹp, tinh thần sảng khoái mới nâng kéo. Kẻo nhỡ tay, bố cục hỏng, tiền tỷ đi tong.
Chỉ liên quan đến cái tên cũng như xuất xứ của cây “Mâm xôi con gà” đã có rất nhiều cuộc tranh luận trong giới chơi cây và trên các diễn đàn cây cảnh. Theo anh Thành: Trước năm 1996, cây sanh thuộc sở hữu của dòng họ Phạm ở thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, Quốc Oai (Hà Tây cũ). Cây sanh này vốn mọc trên cổng làng Ngô Sài không biết từ bao giờ, vào khoảng giữa những năm đầu của thế kỷ trước, các cụ bô lão trong làng đã hạ cây xuống. Cụ thân sinh ra ông Tình, vốn là người yêu thích cây cảnh đã mang về trồng cạnh hòn non bộ bằng đá trước nhà và chính cụ là người tạo thành dáng “ Mâm xôi, con gà” thể hiện mơ ước của nông dân thời đó: mong sao cuộc sống được đầy đủ ấm no. Khi ông cụ qua đời, cây sanh ấy thuộc về các con ông, anh em nhà họ Phạm do ông Phạm Văn Tình là trưởng họ. Nhưng vì là tài sản chung và cũng là ý thích chơi cây cảnh của các con trai cụ nên họ chia thời gian để các nhà cùng chơi, mỗi người chơi 3-4 tháng rồi lại chuyển sang nhà khác. Năm 1996, khi ông Tình bỏ tiền ra xây cho người em trai căn nhà cấp 4, thì được quyền sở hữu hoàn toàn và cũng là lúc ông Cường có duyên mua được cây này.
Sau 8 năm chỉnh sửa, tạo dáng, với vô vàn lời khen chê, thậm chí có người còn bảo rằng cây bị cắt hỏng, cây sanh này đã trở thành cây quý, được nhiều người mến mộ. Năm 2004, ông Cường đã nhượng lại cho anh Nguyễn Văn Quý ở Trạm Trôi thường được nhắc tới với nghệ danh Quý Trôi (anh Quý cũng là một doanh nhân rất thành đạt). Thế rồi 4 năm trước ông Thành tình cờ mua được của anh Quý. Nghe đâu, vào thời điểm đo giá trị của cây này đổi gần một con xe Roll – Roy (6 tỷ đồng).
Cũng phải nói thêm rằng, chỉ khi cây “Mâm xôi con gà” về tay ông Thành thì nó mới thực sự nổi như cồn trong cả nước bởi cách làm thương hiệu của ông. Hầu như không có triển lãm nào là cây “Mâm xôi con gà” không có mặt và điều khá đặc biệt là tại các triển lãm, khách tham quan đến xem cây của ông đều được tặng mỗi người một ảnh cây “Mâm xôi con gà” làm kỷ niệm.
Hơn cả đam mê
Những nghệ nhân đầy tâm huyết với nghệ thuật cây cảnh chấp nhận từ 10 – 20 năm để hoàn chỉnh một cây thế với những nguyên tắc tạo hình tỷ mỷ và nghiêm ngặt. Mỗi người có cách cảm nhận khác nhau và vì thế bồn cảnh cũng có những kiếu dáng khác nhau. Người lớn tuổi, tính tình mô phạm, thích kiếu dáng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, thể hiện những thế cây: Phúc - Lộc – Thọ, ngũ phúc, phu tử, mẫu tử, huynh đệ, bằng hữu... Người trẻ tuổi thích phóng khoáng, lãng mạn thì tạo thế cây hoành, thế cây nằm ngang hoặc trễ đổ xuống như dòng thác.
Chơi cây cảnh, các cụ ngày xưa chú ý 4 yếu tố: nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp. Chính vì vậy, ta thấy cây cảnh uốn lượn thành 3 tầng, 4 đoạn thân, 5 chùm nhánh là để tượng trưng cho tam cương (quân thần, phu tử, phu phụ), ngũ thường ( nhân, lễ, nghĩa, trí, tín ), tam tòng ( tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử ) và tứ đức ( công, dung, ngôn, hạnh ).
Chơi cây cảnh lên đến hoàn thiện khi các cụ lấy 10 cây hoa cảnh dáng thế ( thập toàn ) tạo thành ba bộ chính làm cốt lõi cho nghệ thuật bonsai. Đó là tứ linh, tứ quý và tam đa. Tứ linh gồm 4 loại cây: đa, sung, sanh, si ứng với tứ hình trong động vật: long, lân, quy, phụng. Đây là những cây gỗ lưu niên cùng họ hàng ruột thịt với nhau, chịu được nắng mưa mà vẫn 4 mùa xanh tươi, nhân giống dễ dàng bằng vô sinh ( giâm, chiết, ghép ). Bộ tứ quý gồm: tùng, trúc, cúc, mai ứng với tứ bình, hợp với tứ thời ( xuân tùng, hạ trúc, thu cúc, đông mai ) thể hiện ước vọng hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Bộ tam đa gồm ba loại cây: sung, lộc vừng, vạn thọ, ứng với Phúc - Lộc - Thọ.
Chính vì triết lý chơi cây cảnh nghệ thuật đã đạt đến độ “chân - thiện - mỹ” như vậy, nên ở nước ta đã xuất hiện những “siêu cây cảnh” được định giá lên đến cả triệu USD. Dân trong nghề truyền tai nhau: ở VN có không ít vườn cây trị giá hàng trăm tỷ đồng, như vườn cây của anh “Thịnh sắt”: 150 tỷ, của anh “Toàn đô la” trị giá 120 tỷ, của anh “Phiến cá” trên 400 tỷ, hay vườn của anh “Quý trôi”, “Thọ nhựa” cũng trên dưới 100 tỷ... Nếu quy đổi ra USD theo tỷ giá hiện tại thì các vườn cây này đều có giá trị trên dưới 10 triệu USD - một số tiền không nhỏ dành cho niềm đam mê.
“mỗi cây cảnh của doanh nhân đều được vận dụng triết lý kinh doanh của riêng mình”. |
Một trong những tác phẩm tạo được ấn tượng trong giới chơi cây mạnh nhất trong thời gian gần đây chính là “Chiến thắng Bạch Đằng” của Phạm Đức Thịnh (Hải Phòng) một doanh nhân khá thành đạt trong lĩnh vực kinh doanh sắt thép được biết đến với nghệ danh Thịnh sắt. Không phải bởi trong đợt triển lãm cây cảnh nhân dịp 1.000 năm Thăng Long vừa rồi anh mạnh tay thuê sân khấu rộng 1.200 mét vuông mà bởi đây là một trong những tác phẩm độc đáo, một phong cách chơi cây nghệ thuật khá mới. Tác phẩm “Chiến thắng Bạch Đằng bao gồm” 5 chiến thuyền được làm bằng gỗ lũa Sao Đen, mô tả chiến thắng Bạch Đằng Giang năm 938. Trên các chiến thuyền được phối tiểu cảnh đá trầm tích, suối nước và trồng tùng cối, tùng la hán, mai chiếu thủy. Theo chủ nhân thì kinh phí để hoàn thiện tác phẩm này khoảng... 20 tỷ đồng.
Trước đó doanh nhân Phạm Đức Thịnh cũng gây “choáng váng” giới chơi cây cảnh cả nước khi mua cây sanh “Đằng vân thập toàn” của ông “Cường thóc”(Hải Dương) với giá 7,5 tỷ đồng. Có lẽ trong giới chơi cây anh Thịnh là người có tốc độ “giải ngân”... mua cây nhanh nhất. Nghe đâu chỉ trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, anh Thịnh đã đầu tư tổng cộng 150 tỷ đồng cho niềm đam mê của mình...
Chơi cây chỉ là một trong hàng trăm thú chơi của doanh nhân. Nhưng phía sau cái thú chơi tưởng như nhàn tản, tao nhã đó lại chứa đựng biết bao kỳ công, vui buồn, trăn trở, nhiều khi mất ăn, mất ngủ... Với họ vượt lên trên cả những giá trị tiền bạc đơn giản đó là niềm đam mê.
(Theo Phan Nam // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com