Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những 'nông dân đời mới' sắm xe hơi... thăm đồng

Với quyết tâm bám trụ, mạnh dạn khai phá vùng đất mới, ngày càng nhiều nông dân với cách làm ăn chuyên nghiệp đã trở thành tỷ phú giữa vùng Tứ giác Long Xuyên.
Sắm xe hơi... thăm đồng

Tại vùng rốn phèn nặng nhất Tứ giác Long Xuyên, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những nông dân đời mới. Ông Đặng Văn Hiện (Tư Hiện) - chủ trang trại Anh Huy, nhà ở thị xã Châu Đốc, 10 năm trước đang làm công chức ở Tịnh Biên thì xin nghỉ. Ông vào xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn mua 130ha đất để làm nông. Trồng tràm không có ăn, suy đi nghĩ lại, Tư Hiện quyết tâm theo nghề làm lúa. Gom hết vốn liếng, cầm cố nhà cửa, chủ quyền đất, ông đầu tư xẻ kênh nội đồng để xả phèn, đắp đê bao khép kín, san bằng mặt ruộng...

Đậu chiếc xe hơi đời mới trị giá gần 1 tỷ đồng trên bờ đê bao quanh ruộng, Tư Hiện phấn khởi nói: “Vùng này phèn nặng lắm, 10 năm rồi mà vẫn còn. Mấy năm đầu làm không thu được đủ vốn bỏ ra, giờ thì đỡ lắm rồi, đất của tôi làm được 3 vụ lúa/năm, cầm chắc 15-16 tấn/ha/năm. So với những vùng khác thì chưa bằng nhưng đất đang được cải tạo tốt, tương lai năng suất lúa sẽ còn tăng”.

Thấy chúng tôi trầm trồ chiếc xe đời mới, Tư Hiện phân bua: “Suy đi tính lại, tôi quyết định lấy tiền tích cóp mua xe hơi làm phương tiện đi thăm đồng, kiểm tra việc làm đất, xuống giống, thu hoạch lúa, đồng thời làm phương tiện an toàn cho việc mỗi tuần vượt hơn 40km về Châu Đốc thăm vợ con”.

Tư Hiện cho biết thêm: Trên xe lúc nào cũng có những công cụ thường dùng, chỗ nào có vấn đề cần xử lý thì mình xuống trực tiếp làm cùng nhân công. Dần dà nó trở thành phương tiện đắc lực của nhà nông vùng sâu vùng xa như chúng tôi. Quan trọng hơn, từ khi tự lái xe hơi đi quan hệ giao dịch làm ăn, với giá trị hợp đồng, hàng hóa lớn, tôi thấy mình được tôn trọng hơn, không còn bị xem thường như trước.

Mấy năm gần đây, ở Tri Tôn, hình ảnh mấy ông chủ trang trại tự lái xe hơi đi uống cà phê, giao dịch với ngân hàng, các cơ quan của huyện không còn xa lạ. Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tri Tôn - ông Trần Văn Mì, cho biết: “Hiện toàn huyện có hơn 10 ông chủ trang trại có xe hơi, trong đó xã Lương An Trà có 4 người. Phần lớn chủ trang trại đều có ruộng đất xa nơi ở. Ngoài làm ruộng họ còn buôn bán lúa giống, vật tư nông nghiệp, di chuyển, giao dịch làm ăn nhiều nên chiếc xe hơi rất cần thiết”.

“Hai Lúa” lập công ty nông nghiệp

Chúng tôi tìm đến xã Lương An Trà, cũng là lúc Sáu Đức chạy như con thoi rốt ráo chỉ đạo kiểm tra việc xây dựng kho chứa 3.000 tấn lúa giống. “Lúa giống thu hoạch rồi, đang trong giai đoạn xử lý, đóng gói nên kho chứa đạt chuẩn phải hoàn thành sớm. Nếu kho bãi không đường hoàng, mưa chụp xuống bất ngờ coi như thua, mình mất uy tín với bà con nông dân” - ông Sáu phân trần.

Năm 1996, từ bỏ nghề nuôi cá bè trên sông Hậu ở huyên An Phú, Sáu Đức đưa vợ con vào xã mới thành lập Lương An Trà để lập nghiệp. Ông mua lại 3ha đất hoang của dân với giá 15 triệu đồng. Vợ Sáu Đức nhìn nước phèn đặc quẹo mà rơi nước mắt...

Sáu Đức bật mí: “Tôi đang tiếp cận công nghệ tổ hợp máy làm mạ - cấy lúa hiện đại của Đài Loan trị giá gần 2 tỷ đồng. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để áp dụng quy trình sản xuất lúa giống theo Global Gap...”.

Để lấy ngắn nuôi dài, Sáu Đức bỏ vốn mở một cửa hàng vật tư nông nghiệp cho vợ quán xuyến. Còn ông ra sức cải tạo đồng đất, xẻ kênh xổ phèn, đồng thời tìm đọc các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa trên vùng phèn nặng, tranh thủ ý kiến của các kỹ sư nông nghiệp địa phương... Ngay vụ lúa đông xuân đầu tiên, Sáu Đức thu hoạch 4 tấn/ha. Nông dân, chính quyền địa phương bắt đầu chú ý học hỏi nhân rộng cách sản xuất mới của ông. Làm ăn ngày một thuận lợi, đến năm 2000, Sáu Đức có trong tay 30ha đất lúa được cải tạo hoàn chỉnh. Từ canh tác 1 vụ lên 2 vụ, rồi 3 vụ/năm, năng suất lúa 4 tấn lên 7-8 tấn/ha/vụ. Sáu Đức mở rộng quy mô lên hơn 140ha, hình thành một vùng sản xuất tập trung của mình để mạnh dạn đầu tư thủy lợi, cơ giới hóa, kỹ thuật đồng bộ.

Sáu Đức đang có trong tay 3 máy gặt đập liên hợp, 3 máy xới, máy sạ hàng, máy làm đất, hệ thống 2 lò sấy lúa công suất 35 tấn/mẻ, kho chứa... đảm bảo cơ giới hóa gần hết các khâu sản xuất của mình. Đặc biệt, Sáu Đức tự chế ra máy phun thuốc công suất cao, chỉ cần 1 người điều khiển có thể phun 20ha/ngày. Các phương pháp sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” được Sáu Đức áp dụng nhuần nhuyễn trên cánh đồng của mình, giúp tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành rất tốt. Trên đà thuận lợi, 2 năm nay, Sáu Đức mạnh dạn thành lập công ty nông nghiệp, chuyên sản xuất kinh doanh lúa giống, mỗi năm cung ứng hơn 1.000 tấn giống với 20 bộ lúa thơm chất lượng cao cho nông dân khắp 13 tỉnh, thành ĐBSCL và cả Đông Nam Bộ.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • 'Mục sở thị' cậu sinh viên kiếm 20 triệu một tháng
  • Dầu nhớt 'made in Vietnam'
  • 1 tỉ USD và lời nói thật của sếp lớn
  • Hốt bạc từ nuôi hươu, nai
  • Những ông bầu cầm đèn chạy trước ô tô
  • 'Vua yến' Việt Nam với nhà chim lớn nhất thế giới và giấc mơ toàn cầu
  • "Đại gia" bút chì khởi nghiệp cách nào?
  • Khi doanh nhân nhỏ lệ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao