Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trồng kiểng: làm chơi ăn thật

Nghệ nhân Nguyễn Văn Năm tại vườn kiểng của ông ở thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Uyên Viễn.

Từ thú vui trồng cây kiểng, nghệ nhân Nguyễn Văn Năm, tỉnh Bình Dương, đã trở thành người kinh doanh cây kiểng nổi tiếng.

15 năm trước, ở tuổi 45, ông Nguyễn Văn Năm, Giám đốc Xí nghiệp tư doanh Xây dựng giao thông và dân dụng Thuận An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, bắt đầu trồng các loại cây kiểng. Trồng kiểng là thú vui tao nhã mà ông Năm đã học được ở người cha từ lúc còn nhỏ, cộng với những kiến thức từng học được tại trường trung học Nông - Lâm - Súc (Bình Dương) hồi trước năm 1975 đã góp phần tạo nên sự tự tin cho ông trong lĩnh vực mới.

Năm 1995, nền kinh tế Việt Nam trên đà phát triển. Từ đó, thú chơi cây kiểng, tiểu cảnh của những người khá giả cũng bắt đầu nở rộ khắp cả nước. Dưới cái nhìn của một người làm kinh doanh, ông Năm cho rằng để có thể vượt qua những bậc tiền bối trong nghề trồng kiểng, làm tiểu cảnh, ngoài sự đam mê, kiến thức, còn cần có vốn lớn.

“Đi thực tế ở nhiều vùng miền trên cả nước, tôi thấy khá nhiều nghệ nhân bế tắc trong quá trình tạo nên những tác phẩm bonsai nghệ thuật vì không có vốn để đầu tư lâu dài, thiếu kế hoạch trình làng những tác phẩm độc đáo nên dù chơi cây kiểng lâu năm nhưng vẫn giẫm chân tại chỗ”, ông nói.

Với suy nghĩ đó, ông Năm đã vạch ra một chiến lược kinh doanh cây kiểng hẳn hòi. Công việc đầu tiên của ông là săn tìm các loại cây kiểng nguyên liệu như mai, mai chiếu thủy, dương, cần thăng, nguyệt quế, tùng vạn niên, sung, sanh… để tạo dáng. “Mỗi khi đi đến một địa phương ở miền Trung, miền Đông Nam bộ hoặc miền Tây, tôi luôn để ý tìm mua các loại cây có thể tạo dáng, tạo thế gần gũi với phong cảnh thiên nhiên, ông Năm cho biết.

Sự nghiệp thành đạt, tiền bạc dư dả, ông Năm dành hẳn một mảnh đất rộng 4.000 mét vuông ở thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, để trồng cây kiểng. Mỗi năm, riêng vốn đầu tư vào cây kiểng nguyên liệu của ông khoảng 300 triệu đồng. Ông cho biết thời gian tạo dáng một cây kiểng nguyên liệu thành một tác phẩm nghệ thuật mất từ 5-6 năm.

Năm 1998, tại một cuộc triển lãm sinh vật cảnh tổ chức tại tỉnh Bình Dương, ông đã trình làng tác phẩm bonsai “Nguyệt quế” và được giới chuyên môn đánh giá cao về sự sáng tạo. Sau một thời gian trui rèn tay nghề, năm 2000 ông Năm đã mang tác phẩm “Mai vàng” tham gia Hội Hoa xuân Bình Dương và đoạt được giải nhất. Từ đó, cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực này bắt đầu mở ra với ông.

Để quảng bá thương hiệu, mỗi năm ông chọn 30-50 chậu kiểng để tham gia các hội thi, triển lãm sinh vật cảnh ở Công viên Tao Đàn, Đầm Sen, Suối Tiên (TPHCM) hoặc các hội thi ở Bình Dương. Tiếng tăm của ông theo các giải thưởng cũng từng bước vang xa. “Tiền thưởng khi tham dự các hội thi cộng với số tiền tích lũy từ nghề xây dựng tôi dùng hết vào việc mua cây kiểng nguyên liệu”, ông cho biết.

Theo ông Năm, phong cách đặc thù của cây kiểng Việt Nam là thể hiện rõ các chi, cành, nhánh của cây gắn liền với hình ảnh cuộc sống làng quê, thôn dã. Phong cách khoáng đạt trong sáng tác cây kiểng của các nghệ nhân Nam bộ rất được thị trường trong nước ưa chuộng, đặc biệt những khách hàng ở miền Bắc. Ông cho biết doanh thu bán cây kiểng mỗi năm trên dưới 1 tỉ đồng, riêng thị trường phía Bắc đạt khoảng 300 triệu đồng. “Ba năm gần đây, thị trường miền Bắc và Hà Nội rất chuộng các loại cây kiểng do nghệ nhân Nam bộ sáng tác. Tháng này, tôi đã bán cho người khách tại Hà Nội hai cây sanh trị giá 185 triệu đồng”.

Nhờ có chiến lược trong việc kinh doanh cây kiểng, chỉ sau 15 năm vào nghề, vườn kiểng của ông Năm hiện có 300 chậu, trong đó có khá nhiều loại cây 40-80 năm tuổi. 300 chậu kiểng này từng được giới chuyên môn trong nghề định giá gần 10 tỉ đồng.

Vừa bước sang tuổi 60, nghệ nhân Nguyễn Văn Năm cho biết đây chính là lúc ông toàn tâm toàn ý để vui thú điền viên. Khuôn viên sáng tác cây kiểng của ông Năm giờ cũng trở thành điểm hẹn sinh hoạt hàng tháng của Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Dương và những người muốn tìm một không gian để dưỡng tâm, dưỡng thần.

Năm 2003, ông Năm được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Năm 2006, ông đã vinh dự được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn đi tham dự Festival Hoa quốc tế tổ chức tại Ý.

Từ năm 2000 đến nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Năm, quyền Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Dương, đã đoạt hơn 200 huy chương các loại trong lĩnh vực cây kiểng, tiểu cảnh. Năm 2009, ông đã được sách “Niên giám kỷ lục Việt Nam” công nhận danh hiệu “Người đoạt huy chương trong lĩnh vực sinh vật cảnh nhiều nhất”.

(Theo // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Người “bán kẹo” giỏi nhất Việt Nam
  • Làm giàu từ cây kiểng
  • Nhà nông đa tài
  • Những doanh nhân có đam mê ‘trời đày’
  • Trương Gia Bình: Con người của ý tưởng (tiếp theo kì trước)
  • Trương Gia Bình: Con người của ý tưởng (tiếp theo & hết)
  • Trương Gia Bình: Con người của ý tưởng
  • Một nông dân đi tiên phong trồng thanh long sạch
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao