3. Trương Gia Bình cho rằng, câu chuyện lớn nhất của cuộc đời mình là FPT. Buổi ban đầu cái tên FPT gắn với công nghệ thực phẩm. Việt Nam là một nước nông nghiệp, ông Bình hy vọng vào các dự án viện trợ quốc tế trong lĩnh vực này, nó cũng là điểm xuất phát làm các đồ sấy khô của nhóm “Nhiệt và chất”.
Nhưng doanh vụ lớn đầu tiên của FPT là đổi máy tính Olivetti lấy các loại hàng của Liên Xô vốn quen thuộc với Việt Nam thời bao cấp. Có thể nói giai đoạn 1988-1991 là giai đoạn đổi hàng Liên Xô. Giai đoạn 1991-1994 là giai đoạn tham gia thanh toán với Liên Xô (Nga) cho các công trình thủy điện, đồng thời Tin học đã là một hướng kinh doanh độc lập. Từ 1995, kinh doanh Tin học trở thành chủ đạo, các trung tâm định hướng kinh doanh ra đời trong FPT. 1998, sau 10 năm thành lập, FPT khẳng định vị trí số một trên thị trường Tin học của các ngành kinh doanh này và cũng là nhà ISP đầu tiên của Việt Nam .
Trong quãng thời gian trên, ông Bình học hỏi rất nhiều mô hình tổ chức và quản lý của các Cty công nghệ hàng đầu, áp dụng những điểm phù hợp vào FPT. Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng hai của FPT là một sự kiện được dư luận chú ý. Thông thường sau những thành công như thế thì người ta bắt đầu hưởng thụ. Nhưng Trương Gia Bình chưa có ý định hưởng thụ và đã thuyết phục được hầu hết các cộng sự của mình có chung ý chí đó. Năm 1999, FPT chuyển sang toàn cầu hóa với việc tham gia xuất khẩu phần mềm. Đầu năm 2000, FPT là Cty Tin học đầu tiên đạt chứng chỉ ISO-9001. Năm 2000, triển khai thành công hệ kế toán Solomon theo chuẩn ERP quốc tế, hệ FIFA/MIS của FPT trở thành hệ thông tin doanh nghiệp tốt nhất tại Việt Nam . Năm 2002 doanh số FPT vượt 100 triệu USD; năm 2003 vươn lên trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2002, FPT trở thành Cty cổ phần, rồi tập đoàn hóa. Hiện FPT có khoảng 10 ngàn nhân viên và doanh số đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Đầu những năm 2000, ông Bình tung ra lý thuyết Fractal (tính bất biến của cấu trúc) và Leadership Building (kỹ năng lãnh đạo), đồng thời phát động phong trào học tập các lý thuyết này trong FPT.
“Không nhiều cán bộ FPT hiểu được các lý thuyết này, cũng như vận dụng chúng có kết quả. Là người lãnh đạo FPT trong những năm qua, Gia Bình có niềm tin vững chắc vào những giá trị mà FPT đã tích lũy được theo thời gian. Những giá trị đó rất nhiều cái xuất phát từ những ý tưởng của Bình. Nếu không hiểu FPT, hiểu những chặng đường FPT đã trải qua, thì cũng khó hiểu được những ý tưởng này. Bình là một nhà tư tưởng” - TS Bùi Quang Ngọc nhận xét – “Bình nhìn nhận FPT phải có đối ngoại, đối nội, có thông tin báo chí, có văn hóa, có kinh tế, có tinh thần, có đoàn thanh niên, có phụ nữ, có thiếu niên nhi đồng (FPT Small). Bình học ở quân đội ở cấu trúc Fractal, và thường xuyên tham khảo tư vấn các vị tướng quân đội. Bình học hỏi cách dùng người của Bác Hồ. Những nguyên lý của âm dương ngũ hành cũng được Bình áp dụng. Bên cạnh đó có nhiều tư tưởng của Bình được minh chứng qua thực tế, ví dụ như bản đồ gene Cty. Bình tự mình hì hụi phác thảo các chuỗi phân tử đầu tiên của bộ gene này”.
4. Để triển khai kinh nghiệm sống còn “con người là cốt lõi của thành công”, ông Bình đã từng phát động một chiến dịch cầu hiền tài.
“Chiếu cầu hiền tài” của ông đăng trên tạp chí nội san và được nhiều báo khác đăng tải lại, đã gây xúc động mạnh trong giới trẻ. Hai câu lạc bộ tài năng trẻ FPT ra đời, quy tụ hầu hết những học sinh - sinh viên giỏi nhất nước, trong đó có nhiều em vừa đoạt các giải cao trong các kỳ thi toán học, tin học quốc tế.
Một trong các nỗ lực cầu hiền tài đã đưa về FPT một ngôi sao sáng trong làng phần mềm Việt Nam lúc đó là Henry Hùng. Tinh thần “chiến tranh” được ông Bình phát động, để cho dễ nhớ, ông đã gói gọn mục tiêu của Cty vào 3 chữ số: 528. Số 5 chỉ 5000 lập trình viên chuyên nghiệp của FPT vào năm 2005, số 2 chỉ 200 triệu doanh số phần mềm xuất khẩu cũng vào năm đó, số 8 chỉ giá trị của Cty tại thị trường chứng khoán Nasdaq là 8 tỷ USD. Toàn thể nhân viên FPT hừng hực khí thế.
Trong quá trình “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đã xuất hiện một tư duy mới: công nghiệp phần mềm là lối thoát duy nhất của Việt Nam. Xuất khẩu phần mềm đóng vai trò quan trọng, vì nó không chỉ mang về cho đất nước một ít ngoại tệ mà là mở ra cho đất nước một cơ hội phát triển. Ngày 5/6/2000, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005 với mục tiêu: 50 ngàn lập trình viên, 500 triệu USD phần mềm xuất khẩu vào năm 2005.
Hàng loạt các chính sách ưu đãi đã được triển khai: miễn thuế 4 năm cho các Cty phần mềm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, không áp dụng VAT với các sản phẩm phần mềm, thuế xuất nhập khẩu bằng 0... Đặc biệt các lập trình viên Việt Nam được tôn vinh, khi mức lương bắt đầu phải nộp thuế thu nhập nâng từ hai triệu lên tám triệu đồng. Các Cty phần mềm được sử dụng internet với tất cả các cổng dịch vụ không bị kiểm soát qua firewall, Nhà nước đầu tư vào các khu công viên phần mềm như Quang Trung, Hoà Lạc...
"Những người làm phần mềm hân hoan thụ hưởng các chính sách mới này, nhưng không phải tất cả trong số họ đều biết đến công lao của ông Bình trong nỗ lực tác động hình thành chính sách" - ông Hoàng Minh Châu nhận xét.
(Theo biethet.com)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com