Ông Vương Tiến Khanh giới thiệu bọc xái pấu hút chân không. Ảnh: Phương Kiều. |
Nối nghiệp cha, ông Vương Tiển Khanh đã từng bước đưa thương hiệu xái pấu (củ cải muối) Chịt Sa đi xa. Đến thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, hỏi xái pấu của ai ngon đều được trả lời: xái pấu Chịt Sa ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân...
Chịt Sa tên thật là Vương Thế Hòa. Năm 1947, ông rời Trung Quốc sang Việt Nam sinh sống. Ông đến Trà Kháo, nơi có người anh đang sinh sống, để lập nghiệp. Tại đây, mùa Tết Nguyên đán là mùa củ cải trắng. Cải rộ, bán không hết, ông nghĩ đặc tính người Tiều thường ăn xái pấu nên bắt tay làm món ăn này để bán.
Để có xái pấu ngon, trước khi muối, ông lựa cải thật cẩn thận, chỉ chọn những củ đẹp. Giai đoạn quan trọng quyết định chất lượng của món ăn này là “đi muối”. Nếu “đi muối” quá tay sẽ cho ra những củ xái pấu” cầm nhám tay, rin rít nước, mặn như muối lồi, để thời gian ngắn mềm oặt, hư. “Đi muối” đúng sẽ cho những củ cầm mịn tay, không rít. Kỹ thuật bí truyền của ông là muối ăn sâu vô trong củ cải chứ không đọng áo bên ngoài.
Không như xái pấu các nơi khác, khi ăn phải ngâm nhiều nước, có khi phải ngâm với nước muối đậm đặc nhằm khử độ mặn, xái pấu Chịt Sa chỉ cần rửa một lần nước là có thể chế biến các món ăn. Xái pấu thường được hầm với đuôi hoặc thịt mông heo cùng đậu phộng thành món ngon bổ dưỡng. Xắt xái pấu thành lát trộn giấm đường hoặc bằm chiên trứng vịt ăn với cháo trắng. Ngoài ra, người ta còn xắt xái pấu thành từng lát, trộn với nước tương, ớt ăn cơm. Dần dần xái pấu Chịt Sa nổi tiếng ở Cầu Kè.
Đến khi ông Vương Tiển Khanh, con trai út của ông Hòa nối nghiệp nhà, duy trì tên tuổi xái pấu Chịt Sa, thì món ăn này mới bước ra khỏi “chiếc ao làng”.
Cơ may đến với ông Khanh vào năm 2010. Sau khi khảo sát, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp Trà Vinh đã đề nghị ông Khanh đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho xái pấu Chịt Sa. Cũng trong năm này, trung tâm đã đề nghị ông đưa sản phẩm đến giới thiệu tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao ở Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tại đây, xái pấu Chịt Sa đã được tiêu thụ hết. Từ đó, sản phẩm này trở thành mặt hàng có mặt thường xuyên trên kệ siêu thị của báo Sài Gòn Tiếp Thị.
Để làm xái pấu, ông Khanh mua củ cải trắng ở hai huyện đất giồng Cầu Ngang và Duyên Hải (Trà Vinh). Chọn những củ nhỏ, ngắn chừng một gang tay, ông trải lớp rơm lúa mùa lên sân xi măng rồi phủ lưới lên để phơi củ cải. Phơi cách này, cải khô đều, thân mịn. Sáng phơi, chiều muối bằng muối Bạc Liêu trong cống đã lót sẵn nylon. Sáng hôm sau lấy cải rửa thật sạch bằng nước muối đọng trong cống, rồi đem phơi. Làm như vậy liên tiếp trong một tuần thì cho ra thành phẩm. Khoảng 7 ký cải tươi cho 1 ký xái pấu.
Sau đó, xái pấu Chịt Sa đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận “Chịt Sa - củ cải muối đặc sản Cầu Kè, Trà Vinh”.
Xái pấu Chịt Sa có ba loại: loại rời có giá 40.000 đồng/ki lô gam, loại hút chân không 17.500 đồng/250 gam và loại trộn giấm đường ớt 12.000 đồng/200 gam.
Mỗi năm ông Khanh chỉ làm một mùa, trong hai tháng 11 và 12 Âm lịch. Đó là lúc củ cải trắng rộ và nắng dữ. Thời tiết lúc đó rất thuận lợi để phơi củ cải. Do chỉ đủ tiền mua củ cải trong hai tháng mùa nắng nên ông chỉ sản xuất khoảng 2,6 tấn mỗi năm, bán tới tháng 7 Âm lịch là hết. Muốn có xái pấu bán suốt năm phải đầu tư xây dựng nhà xưởng, lò sấy củ cải, máy trộn muối, hầm muối, dây chuyền đóng gói... Đó cũng là ước mơ của ông để có thể đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn, kể cả xuất khẩu.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com