Thông tin chàng trai xuất ngoại trở về làm giàu từ ếch, ba ba lan truyền đi nhanh chóng thu hút các du khách thập phương kéo đến nhà anh Giáp nườm nượp.
Vượt qua những con đường khúc khuỷu, khó khăn lắm chúng tôi mới đến được trang trại trang trại nuôi ếch và ba ba lớn nhất xứ Nghệ của anh Lâm Văn Giáp, 37 tuổi, xóm Phương Đông, xã Giang Sơn Đông (Đô Lương, Nghệ An). Trang trại nằm biệt lập giữa đồng ruộng mênh mông trông chẳng khác gì một ốc đảo nhưng lại trị giá hàng chục tỉ đồng.
Với quy mô 4.000m2, chứa hơn 3.000 con ba ba, hàng chục vạn ếch các loại: ếch giống, ếch thịt, ếch 30 ngày tuổi… và gần 2.000 con cá rô phi, trang trại của anh Giáp cung cấp con giống, thịt với số lượng lớn cho khách hàng cả nước.
Tuy nhiên, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, con đường làm giàu của chàng trai trẻ cũng lắm gian nan.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, không riêng gì gia đình anh Giáp, người dân nơi đây quanh năm lam lũ, chật vật lo từng bữa ăn. Sớm rời quê hương, anh lăn lộn với đủ thứ nghề nhưng cái nghèo vẫn đeo bám.
Nghe đám bạn rủ sang Lào làm ăn, chàng trai trẻ vội vã khăn gói lên đường. Tại đây anh làm nghề mộc rồi sang Thái Lan trang trí nội thất cũng tích góp được chút tiền gửi về quê hương. Trong một lần đi tham quan mô hình trang trại nuôi ếch và ba ba ở Thái Lan, thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể áp dụng tại Việt Nam nên anh đã học hỏi kinh nghiệm.
Trở về quê hương mang theo 500 con ếch giống và 100 quả trứng ba ba anh đã cho nhân giống và nuôi thử. Sau 3 tháng thử nghiệm thấy có lãi, anh Giáp đã vay vốn đầu tư, mở rộng quy mô. Anh đã làm đơn gửi chính quyền xã xin được chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất trang trại.
Năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn có chủ trương “dồn điền đổi thửa” nên ý tưởng của anh được chính quyền ủng hộ. Đến tận bây giờ, anh Giáp vẫn không hiểu sao ngày trước mình lại liều đến thế.
“Đợt ấy, mình đã thuê người dùng máy xúc đất ròng rã 3 ngày 3 đêm, dân trong xã kéo đến xem đông lắm, ai cũng bảo mình là thằng gàn dở, nhiều người ngăn cản lắm nhưng mình vẫn quyết làm bằng được”, anh Giáp chia sẻ.
Vận dụng những kỹ thuật khoa học để xây dựng hệ thống bể nuôi từng loại, năm 2005, anh đã cho xây dựng các bể nổi, bể cạn và hệ thống nước ngầm để thuận tiện cho việc chăm sóc.
Anh Giáp bên bể nuôi ếch giống
Ngày ấy, cứ 1 tuần 1 lần, anh lại lặn lội sang Lào, qua Thái mua con giống. Việc nuôi ếch cũng khá đơn giản, cứ 1 tuần ếch đẻ một lứa, từ đó anh lại cho ươm lên hàng vạn con giống. Sau 3 tuần là có thể xuất giống. Giống ếch này được cung cấp cho các dự án xóa đói giảm nghèo của tỉnh và tiêu thụ khắp toàn quốc.
Thông tin chàng trai xuất ngoại trở về với cách làm kinh tế lan truyền đi nhanh chóng. Ngày ấy, các du khách thập phương kéo đến nhà anh nườm nượp. Tất cả đều tò mò về mô hình kinh tế mới mẻ này, muốn tận mắt chứng kiến hàng trăm con ếch cùng lúc sinh nở như thế nào.
Mỗi năm, trang trại của anh cho thu hoạch từ 4 - 5 tấn ếch và hàng chục vạn ếch giống cho thu nhập 300 triệu đồng.
Đối với ba ba, sau khi ấp trứng 32 ngày là nở, ba ba thịt từ 1,5 năm là cho thu hoạch, còn ba ba giống là 1,5 tháng. Hiện nay anh Giáp có 3 bể nuôi ba ba, mỗi lần thu hoạch sản lượng lên tới hàng trăm kg cho thu nhập gần 400 triệu.
Hiện nay, anh Giáp đang dự tính mở rộng quy mô trang trại để phát triển kinh tế. Anh đã giúp đỡ và truyền kinh nghiệm làm giàu cho rất nhiều bà con trong địa phương. Anh chính là minh chứng, là đại diện tiêu biểu cho những người trẻ dám nghĩ dám làm của tỉnh Nghệ An.
(Theo Huyền Thương/Công An Nghệ An/nld)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com