Asen là chất kịch độc (còn có tên dân gian là thạch tín), nếu sử dụng nước ăn có nhiễm asen lâu dài sẽ có nguy cơ nhiễm độc, đặc biệt là nhiễm độc da với căn bệnh có tên là “Arsenicosis”. Những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học cho thấy mức độ nhiễm asen trong nước ngầm ở một số khu vực của Việt Nam là rất đáng quan tâm, đặc biệt ở các vùng thuộc Đồng bằng sông Hồng, sông Mã, Đồng bằng sông Cửu Long. Có nơi lượng asen có trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới 50 lần.
Trước thực trạng này, nhóm các nhà khoa học của Khoa Hoá - Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị xử lý asen trong nước sinh hoạt. Về cơ bản, bình lọc này có cấu tạo như các bình lọc thông thường nhưng bộ cột lọc có tính năng ô xi hoá và hấp phụ để giữ lại asen. Lớp vật liệu ô xi hoá và hấp phụ được làm từ các vật liệu tự nhiên là đất sét, đá ong, limônit đã được biến tính nhiệt và biến tính nhiệt hoá bề mặt. Trong đó, đá ong được đánh giá cao hơn cả do nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ khai thác, quá trình biến tính và hoạt hoá đơn giản, tải trọng và khả năng hấp phụ asen cao, khả năng tái sinh và tái tạo bề mặt hoạt động đơn giản.
Đặc biệt, sau một thời gian lọc asen (khoảng 1 năm) cột lọc có thể được “tái sử dụng” sau khi thau rửa hết lượng asen đã lưu giữ. Việc thau rửa rất đơn giản, chi phí thấp, chỉ khoảng 20 - 30.000 đồng. Quá trình xử lý tập trung asen lưu giữ trong cột lọc sẽ tránh ô nhiễm thứ cấp cho môi trường. Cùng với giá thành rẻ (khoảng 200.000 đồng nếu sản xuất theo dây chuyền), đây cũng là ưu điểm nổi bật của loại bình này.
Các thử nghiệm cho thấy mẫu nước sau khi lọc qua bình lọc này đều đạt tiêu chuẩn dưới mức độ cho phép của WHO và của TCVN 2001.
Mọi chi tiết xin liên hệ: Bộ môn Công nghệ Hoá học, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội; Tel: 04.8245527.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com