Hãng hàng không Indochina Airlines do nhạc sĩ Hà Dũng làm Tổng giám đốc đã có kế hoạch bay trở lại vào cuối năm 2011. Phương án của hãng đã được Cục Hàng không VN chấp thuận và trình Bộ Giao thông Vận tải.
Với phương án tái cơ cấu, Indochina Airlines cũng gửi thư lên Thủ tướng đề nghị tạo điều kiện cho hãng tiếp tục hoạt động. Nhạc sĩ Hà Dũng trao đổi thông tin này với phóng viên tối qua, sau một thời gian kín tiếng trên thương trường.
- Thưa ông, đây không phải lần đầu tiên Indochina Airlines thuyết trình với cơ quan quản lý về đề án kinh doanh để được tồn tại. Lần này, trong đề án tái cơ cấu, hãng đề xuất những gì?
- Phương án tái cơ cấu của Indochina Airlines tập trung vào 3 vấn đề chính: Tăng vốn pháp định lên 500 tỷ đồng để mở đường bay quốc tế trong tương lai gần. Huy động được vốn đầu tư đến mức tối thiểu cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững. Tổ chức lại mạng bay chính theo đường trục và có đội máy bay nhỏ để khai thác các đường bay ngắn. Về vốn, chúng tôi đã có những nhà đầu tư cam kết và cần có thêm thời gian để thực hiện.
Vì xét cho cùng, kinh tế đã hồi phục nhưng bản thân nhà đầu tư cũng phải tập trung nguồn lực cho ngành nghề chính của họ trước, sau mới có thể rót vốn cho Iindochina Airlines. Trong một năm hoạt động, có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Indochina Airlines, đến nay họ vẫn giữ liên lạc để chờ cơ hội.
Khác với lúc mới gia nhập thị trường chỉ có 6 tháng chuẩn bị với nguồn vốn chỉ 12 triệu USD, bây giờ chúng tôi cần thời gian nhiều hơn. Đầu tư tối thiểu cho đầu vào có nghĩa là chúng tôi sẽ mua máy bay tuyển đội ngũ tiếp viên, phi công thay vì thuê. Trước đây, lỗ lãi không được tính đến vì chúng tôi phải xây dựng thương hiệu nhưng nay vấn đề lỗ lãi phải đặt lên hàng đầu vì chúng tôi đã có thương hiệu nhất định. Khi nào đủ mọi điều kiện, hoạt động tính toán có lãi chúng tôi mới bay lại.
Thuê máy bay, chi phí mỗi tháng khoảng 700.000 – 800.000 USD. Nếu là máy bay sở hữu của mình sẽ tiết kiệm hơn, chi phí mỗi tháng chỉ 300.000 - 500.000 USD mỗi tháng, thu hối vốn sau 7 đến 10 năm. Như thế là tiết kiệm được 35-40% chi phí. Tùy vào chiến lược của mình, các hãng có đội bay phù hợp về tính sở hữu và chủng loại.
Chúng tôi đặt kế hoạch bay các đường ngắn vì thị trường đang tốt. Hơn nữa, đó cũng là cách tăng khả năng nhận diện thương hiệu. Tất nhiên, thị trường chủ yếu vẫn là đường trục Hà Nội - TP HCM và Đà Nẵng. Ở những đường bay này phải khai thác máy bay nhỏ mới có hiệu quả.
- Kinh doanh hàng không là lĩnh vực rất khó, một vài hãng đã thực hiện liên doanh với nước ngoài để được chia sẻ cả nguồn lực tài chính và quản trị. Indochina Airlines tính tới phương thức này, thưa ông?
- Cuối năm 2008, chúng tôi đã từng đàm phán với AirAsia và họ định giá thương hiệu Indochina Airlines trị giá 67 triệu USD. Gần thời điểm này, chúng tôi thuê 3 hãng tư vấn độc lập định giá thương hiệu là 270 triệu USD với giả định năm 2010 chúng tôi có 3 máy bay, sau tăng lên 10 máy bay. Quan điểm của những người sáng lập Indochina Airlines là hoạt động bằng vốn đầu tư trong nước để xây dựng hãng hàng không thuần Việt.
Nếu có yếu tố nước ngoài, Indochina Airlines chỉ dừng ở vay vốn hoặc thuê máy bay, thuê chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực trong nước chưa đáp ứng được như quản trị, kỹ thuật. Có 2 loại nhà đầu tư nước ngoài: Hãng hàng không và nhà đầu tư tài chính. Nếu nhà đầu tư nước ngoài là hãng hàng không, nhiều khả năng mình sẽ trở nên phụ thuộc, mất quyền kiểm soát. Nếu là nhà đầu tư tài chính, họ chỉ quan tâm đến lỗ lãi; bán cổ phần cho hộ cũng giống như mình đi vay vốn. Chúng tôi sẽ chỉ xem xét khả năng thứ 2, nhưng đó là tương lai xa.
- Muốn được tồn tại, ông phải thuyết phục được rằng mình sẽ trả hết nợ, nhưng sự im hơi lặng tiếng của ông khiến người ta khó hiểu?
Người ta nói tôi nợ tổng cộng 70 tỷ với đối tác cung cấp dịch vụ, kiện tôi ra toà, tôi đã phải ra hoà giải. Trong hoạt động hàng không có cả trăm đối tác, một vài vụ như thế kể ra cũng không đáng ầm ĩ sau những gì Indochina Airlines đã làm được chỉ một năm cất cánh.
Đã kinh doanh ai cũng phải vay mượn chứ vốn của mình đâu có đủ. Nếu tôi tiếp tục bay, sẽ không có chuyện gì để nói nhưng ngừng bay nên đối tác mới sốt ruột. Người ta nói tôi nợ 70 tỷ đồng, bặt vô âm tín, tôi không thể đi theo giải thích hết được mà chọn cách im lặng. Im lặng là lựa chọn bất khả kháng nhưng là cách khôn ngoan nhất. Trong lúc khó khăn thì nói gì đi chăng nữa cũng giống như than phiền thôi.
Từ khi cất cánh đến nay, chúng tôi đã đầu tư 725 tỷ đồng và phải dừng mọi hoạt động để không tốn thêm chi phí. Khả năng tái cơ cấu đang đến gần, chúng tôi đã có những cam kết rất cụ thể và cần thêm thời gian để thành hiện thực. Trong thời gian ngừng bay, tôi vẫn đàm phán với nhà đầu tư để huy động vốn chứ đâu có ngồi không. Còn về nợ, đã vay thì phải trả. Chúng tôi sống được, đối tác cũng thu hồi được vốn.
- Trước đây, ông từng thuyết phục cơ quan quản lý rằng sẽ được rót vốn 400 tỷ đồng để tiếp tục bay, nhưng thực tế là chỉ có 150 tỷ và không thể tiếp tục hoạt động?
- Vì chỉ gọi vốn từ nhà đầu tư trong nước nên khả năng huy động vốn sẽ khó hơn, nhưng lại là cách tốt nhất để giữ được hãng hàng không của mình. Đó là trục trặc trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Giá trị của chúng tôi nằm ở thương hiệu, giấy phép. Mất giấy phép là mất hết.
Tôi kiến nghị với cả Thủ tướng để được tạo điều kiện hoạt động. Nếu nhà chức trách chưa chấp thuận, tôi sẽ thuyết phục đến cùng để theo đuổi ước mơ xây dựng hãng hàng không Việt của người Việt. Đó không chỉ là ước mơ cuả riêng tôi mà của hàng trăm con người đã tâm huyết với Indochina Airlines.
(VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com