Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trò chuyện với doanh nhân: Hướng đến thị trường mới nổi

Ông Christopher A. Viehbacher, Giám đốc điều hành tập đoàn Sanofi

Sanofi đánh dấu hơn 50 năm có mặt tại Việt Nam với việc nhận giấy phép đầu tư nhà máy dược phẩm thứ ba tại TPHCM. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Christopher A. Viehbacher, Giám đốc điều hành tập đoàn Sanofi.

Xin ông cho biết đôi nét về nhà máy mới của Sanofi?

- Ông Christopher A. Viehbacher: Các nhà máy của Sanofi tại Việt Nam được xây dựng từ thập niên 1960. Đến nay, tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 15%, vì thế, chúng tôi cần nâng công suất. Sanofi đầu tư 75 triệu đô la Mỹ vào nhà máy thứ ba này, dự kiến sau ba năm sẽ đi vào hoạt động. Khi đó, ngoài việc đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, chúng tôi còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

TBKTSG: Vai trò của Việt Nam trong chiến lược phát triển của Sanofi như thế nào?

- Doanh số của Sanofi ở Việt Nam đã lên tới gần 100 triệu euro và vẫn đang tăng trưởng. Khi nhìn vào những quốc gia như Việt Nam, Indonesia hay Colombia, tôi cho rằng đây là những thị trường đầy tiềm năng. Các quốc gia này có lợi thế nằm gần những thị trường lớn như Trung Quốc hay Brazil, chi phí nhân công cạnh tranh và đội ngũ lao động có tay nghề nên được Sanofi chọn đặt các nhà máy. Sự tăng trưởng kinh tế kéo theo sự gia tăng tầng lớp trung lưu và gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Vì thế, Việt Nam là một thị trường quan trọng của chúng tôi.

TBKTSG: Nhưng có lẽ cũng không ít khó khăn lẫn thách thức?

- Thách thức cũng nằm ở yếu tố con người. Chúng tôi cần những người giỏi tay nghề, có năng lực. Chúng tôi đã và đang mở rộng hoạt động ra Hà Nội, khu vực phía Bắc và các tỉnh thành khác. Để sản phẩm có thể có mặt trong các hiệu thuốc nhỏ, ở cả những làng quê xa xôi, chúng tôi cần những người có chuyên môn giỏi để giới thiệu thuốc đến khắp các vùng miền. Một vấn đề nữa, theo quy định hiện hành phải mất nhiều thời gian đăng ký các thuốc mới ở Việt Nam. Nhưng chúng tôi tin Chính phủ sẽ đẩy nhanh quy trình này. Nhìn chung thì chúng tôi hài lòng khi sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

TBKTSG: Ở Việt Nam đang có cuộc vận động “Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam”. Điều này có ảnh hưởng gì đến Sanofi không?

- Khi nhắc tới Sanofi, người ta biết đó là một tập đoàn quy mô toàn cầu và chúng tôi chỉ có một tiêu chuẩn chất lượng duy nhất. Hơn nữa, chúng tôi luôn tìm cách cho ra đời thêm nhiều sản phẩm mới với việc đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Điều này giúp chúng tôi cạnh tranh hiệu quả với các công ty đa quốc gia khác cũng như các công ty địa phương. Điều đó mang lại nhiều sự lựa chọn cho bệnh nhân.

TBKTSG: Làm thế nào để thuốc của Sanofi đến được với những bệnh nhân nghèo?

- Chúng tôi đã và đang áp dụng chính sách giá phù hợp cho từng đối tượng khách hàng khác nhau tại các thị trường khác nhau. Giá thuốc biến động theo mức GDP đầu người. Chúng tôi có nhiều chủng loại sản phẩm, nhiều chương trình ở các khu vực khác nhau, trong đó có chương trình tài trợ thuốc cho bệnh nhân nghèo. Chúng tôi cũng đầu tư nghiên cứu thử nghiệm vaccin sốt xuất huyết. Việt Nam là một trong những điểm thử nghiệm với khoảng 2.500 người tình nguyện trên tổng số 31.000 người tại các nước châu Á.

Lễ công bố dự án nhà máy Sanofi hôm 29-3-2013 tại khu công nghệ cao TPHCM - Ảnh: Quốc Hùng

TBKTSG: Vì sao Sanofi lại chọn Việt Nam để nghiên cứu loại vaccin này, thưa ông?

- Khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ phơi nhiễm virus sốt xuất huyết do sự ấm lên của trái đất. Việt Nam thuộc các nước có dịch tễ sốt xuất huyết cao với hơn 100.000 người mắc bệnh mỗi năm. Cùng với Viện Pasteur TPHCM, chúng tôi tiến hành chọn nghiên cứu ở khu vực ĐBSCL. Đến khoảng giữa năm 2014 sẽ có kết quả nghiên cứu sơ bộ và có thể đến năm 2016 chúng tôi sẽ cho ra đời sản phẩm. Loại vaccin này sẽ giúp ích rất nhiều cho y tế cộng đồng.

TBKTSG: Sanofi tìm kiếm điều gì ở các thị trường mới nổi như Việt Nam?

- Những nơi đang tăng trưởng kinh tế luôn có nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng. Kế đến, chúng tôi xem xét cơ sở hạ tầng và hiện trạng ngành y tế. Tiếp nữa, chúng tôi tìm kiếm sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các chính sách thúc đẩy kinh tế phát triển cũng như năng lực về pháp lý, bởi lẽ để xây một nhà máy với mức đầu tư lên tới 75 triệu đô la Mỹ, chúng tôi phải bảo đảm sự tăng trưởng sản lượng lâu dài. Một yếu tố nữa là nguồn nhân lực có chất lượng. Tất cả các yếu tố đó chúng tôi đều tìm thấy tại Việt Nam. Với Sanofi, thị trường mới nổi là một phần cốt lõi trong chiến lược phát triển. Hơn một phần ba doanh thu của chúng tôi đến từ các thị trường này.

TBKTSG: Mục tiêu của Sanofi trong năm 2013 là gì?

- Chúng tôi vừa qua thời kỳ biến động khi các sản phẩm chủ chốt hết hạn bảo hộ bản quyền trong các năm 2010-2012. Nhưng chúng tôi đã chuyển đổi chiến lược kinh doanh và tìm cách phát triển ở các lĩnh vực mới. Đến với các thị trường mới nổi, Sanofi là nhà sản xuất dược phẩm lớn và điều đó bù đắp cho những khó khăn mà chúng tôi gọi là “vách đá bản quyền” (patent cliff) để có thể tăng trưởng doanh số và lợi nhuận. Nửa đầu năm nay, chúng tôi ít nhiều còn chịu chút ảnh hưởng, nhưng đến nửa cuối năm thì chắc chắn chúng tôi có lợi nhuận tốt.

TBKTSG: Ông nghĩ gì về các ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên điện thoại di động (mobile health)?

- Tôi cho rằng mobile health sẽ trở thành một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc y tế, và chúng tôi cũng nhìn thấy một thị trường lớn ở đây. Chúng tôi nghiên cứu và phát triển iBGStar®, thế hệ máy đo đường huyết kết nối với iPhone và điện thoại dùng hệ điều hành Android. Người sử dụng chỉ cần lấy mẫu máu, đưa vào iBGStar®, trên màn hình điện thoại sẽ hiện ra các chỉ số đo đường huyết. Đặc biệt các dữ liệu được lưu giữ trong một thời gian, đồng thời được gửi đến bác sĩ và phụ huynh (đối với bệnh nhi) để có thể theo dõi chặt chẽ mức thay đổi đường huyết. Dựa trên dữ liệu đường huyết này, chúng tôi phát triển các ứng dụng giúp bệnh nhân đo và kiểm soát lượng calo trong bữa ăn; cũng như điều chỉnh lượng insulin cần thiết trong ngày. Còn rất nhiều ứng dụng khác như thế và những ứng dụng đó giúp bệnh nhân nắm rõ tình trạng bệnh để kiểm soát bệnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Tập đoàn Sanofi

- Sanofi hiện có hơn 110.000 nhân viên làm việc tại 100 quốc gia. Năm 2012, doanh thu toàn cầu là 34,9 tỉ euro.

- Sanofi phát triển dựa trên bảy nền tảng: đái tháo đường, vaccin cho người, sản phẩm tiên tiến, sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân, thị trường mới nổi, thuốc thú y và Genzyme (bệnh lý hiếm gặp).

- Sanofi có hơn 20 trung tâm nghiên cứu trên thế giới. Theo kế hoạch, từ năm 2012-2015, Sanofi giới thiệu ra thị trường 18 dược phẩm và vaccin mới.

Sanofi tại Việt Nam

- Trụ sở chính của Sanofi đặt tại TPHCM. Các sản phẩm của Sanofi đã có mặt tại Việt Nam hơn 50 năm qua.

- Sanofi hiện có gần 1.200 nhân viên làm việc trên cả nước, là tập đoàn dược phẩm đa quốc gia duy nhất có hai nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn WHO-GMP đặt tại TPHCM với 80% sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa. Năm 2012, Sanofi tại Việt Nam dẫn đầu thị trường với 4% thị phần.

- Nhà máy thứ ba của Sanofi dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2015, công suất ban đầu là 90 triệu hộp/năm và sẽ tăng lên 150 triệu hộp/năm với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau. Trong khuôn khổ nhà máy mới này, một trung tâm nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng cũng sẽ được xây dựng. Đây là trung tâm nghiên cứu và phát triển duy nhất của Sanofi tại khu vực Đông Nam Á. Trung tâm này sẽ hỗ trợ toàn bộ hoạt động phát triển phục vụ thị trường Việt Nam (tối ưu hóa công thức, phát triển sản phẩm mới, dòng sản phẩm mở rộng) và hỗ trợ sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân cho vùng châu Á - Thái Bình Dương.

- Sanofi tài trợ nhiều chương trình từ thiện và chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Gần đây nhất, cuối năm 2012, công ty tài trợ 2.500 ca xét nghiệm HbA1c miễn phí cho bệnh nhân đái tháo đường (nhằm đánh giá mức độ kiểm soát đường huyết của bệnh nhân), tư vấn miễn phí cho bệnh nhân đái tháo đường đến khám tại các bệnh viện và phòng khám nội tiết trên toàn quốc.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
  • Lẩu băng chuyền hết mốt
  • Cơ hội cho ngành logistics Việt Nam
  • Bưu chính vẫn có lãi
  • Ly cà phê đắng Tonkin
  • 25 năm FDI, nhìn lại để nâng chất lượng dòng vốn
  • Amway Việt Nam: Đường tới “Thương hiệu được tin cậy”
  • 'Đại gia' Viettel - Vinaconex: Vỡ mộng công ty tài chính
  • Chủ tịch Habeco 'bật mí' thành công của Bia Hà Nội
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao