Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Meg Whitman – Người gầy dựng lại HP

Ngày 22-9 vừa qua, Margarite Cushing Whitman tức Meg Whitman, người từng được gọi là nữ tướng của eBay, đột ngột được chọn thay thế Leo Apotheker nhằm tái định vị chiến lược kinh doanh và khép lại 10 năm khủng hoảng ở HP.

Hewlett-Packard là một trong những nhà tiên phong lập nên thung lũng công nghệ cao Silicon Valley ở Mỹ và cũng là nhà sản xuất máy tính cá nhân đầu tiên trong năm 1968 dưới tên gọi Desktop Calculator HP 9100A. Vào năm 2010, HP là tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới tính theo doanh thu khoảng 126 tỉ đô la Mỹ và cũng là hãng sản xuất máy tính lớn nhất cùng với các thiết bị điện tử từ máy in, máy ảnh, ti vi đến các thiết bị lưu trữ và dịch vụ công nghệ thông tin.

Đầu những năm 2000, khi mà thị trường máy tính cá nhân bắt đầu đi xuống bởi việc thu hẹp biên độ lợi nhuận của tập đoàn thì cũng là lúc xuất hiện những bất đồng trong nội bộ. Đầu tiên là sự ra đi của nữ CEO đầu tiên Carly Fiorina, sau đó là việc Mark Hurd từ chức và cuối cùng là Leo Apotheker – người chỉ mới ngồi vào chiếc ghế nóng chưa đầy 11 tháng. HP đã phải nhanh chóng tái cơ cấu ban lãnh đạo để Ray Lane nắm vai Chủ tịch điều hành và mời Meg Whitman, người đã tạo ra 10 năm thành công cho mình và thương hiệu eBay, đảm nhận chức vụ Giám đốc điều hành nhằm đưa HP ra khỏi khủng hoảng và tái định vị chiến lược để tiếp tục phát triển.

Nữ tướng thương mại điện tử

Whitman tiếp nhận công việc lèo lái HP vào thời điểm tập đoàn rơi vào tình trạng khủng hoảng. Thị trường không đón nhận tích cực hệ điều hành điện thoại di động (Mobile OS) của hãng và Leo Apotheker phải chấm dứt dự án tốn kinh phí 1,2 tỉ đô la Mỹ này. Cổ đông hoang mang về quyết định rút lui khỏi thị trường máy tính cá nhân vốn là con át chủ bài hàng thập kỷ qua của HP. Kết quả là cổ phiếu rớt giá thê thảm, mất đến 47% chỉ trong một năm. Thêm vào đó thương vụ mua lại công ty phần mềm Autonomy ngốn của HP 10,2 tỉ đô la trong 12,7 tỉ đô la vốn lưu động; trước đó HP cũng đã mua công ty phần mềm Palm để triển khai nền tảng webOS.

Nhiều chuyên gia đã không mấy tin tưởng vào sự bổ nhiệm Meg Whitman vào chiếc ghế nóng này. Nhà phân tích của Forrester Research nhận xét: “Trước đây HP đã sai lầm khi chọn Leo, nay càng sai lầm hơn nữa khi chọn Meg là người có ít kinh nghiệm về những vấn đề của tập đoàn”. Không đồng tình với quan điểm ấy, công ty nghiên cứu Blaylock Robert Van cho rằng Meg “là nhà thương thuyết giỏi, người tiếp thị khôn ngoan và là nhà quản lý tuyệt vời rất cần để đóng dấu chiến lược lên HP”.

Những lời nhận xét tích cực này có thể xuất phát từ việc ghi nhận những thành công mang tính căn cơ mà Whitman đã đem lại cho công ty đấu giá trực tuyến hàng đầu eBay. Meg là cách gọi thân thương “mẹ Whitman” của các nhân viên eBay. Lúc Whitman nhận nhiệm vụ là Chủ tịch kiêm CEO vào năm 1998 thì eBay mới chỉ có 30 nhân viên với 4 triệu đô la doanh thu mỗi năm và một trang web trắng đen như trang giấy học trò.

Bà tiến hành phân loại thành 23 nhóm kinh doanh với khoảng 35.000 mặt hàng và tự mình chủ trì công việc tại mỗi một nhóm. Năm 2004 Whitman giao cho Jeff Gordon phụ trách dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal, Matt Bannick kiểm soát hoạt vụ quốc tế và Bill Cobb theo dõi công việc trong phạm vi quốc nội. Khi Meg rời chức vụ vào tháng 11-2007 thì eBay đã lớn mạnh với 15.000 nhân viên và 8 tỉ đô la doanh thu hằng năm. Mặc dù vẫn ở lại để cố vấn cho vị CEO mới John Donahoe một thời gian nữa, nhưng khi trả lời phỏng vấn trên tờ San Francisco Chronic, Meg cho rằng “10 năm là đủ ở một công ty, và đã đến lúc nhường chỗ cho một sự lãnh đạo mới, triển vọng mới và tầm nhìn mới”.

Cho đến nay nhiều người vẫn còn gắn liền cái tên Meg vào sự thành công của eBay và danh xưng Margaret Cushing cho những lời phát biểu cải cách và táo bạo khi bà tham gia cuộc chạy đua vào chức Thống đốc bang California vào năm 2009. Người phụ nữ New York năng động này luôn tìm kiếm các đỉnh cao mới trong cuộc sống cũng như sự nghiệp của mình.

Whitman bắt đầu công việc với văn bằng cử nhân danh dự chuyên ngành kinh tế tại Đại học Princeton năm 1977. Hai năm sau đó, khi đã có bằng thạc sĩ tại trường kinh doanh nổi tiếng Harvard Business School, Whitman lần lượt tìm kiếm cơ hội ở Procter & Gamble, Bain & Company, The Walt Disney Company rồi điều hành Florists’ Transworld Delivery từ năm 1995 trước khi lập nên cơ nghiệp ở eBay ở độ tuổi 42. Cũng từ nơi đó Meg được xếp vào hàng năm người phụ nữ quyền lực nhất (Fortune Magazin), đứng hàng thứ tám trong số các nhà điều hành giỏi nhất thập kỷ (Harvard Business Review) và là một trong 50 khuôn mặt định hình nên nền kinh tế Mỹ trong một thập kỷ (Financial Times) bằng việc áp dụng thành công thương mại điện tử. Và trong giai đoạn khủng hoảng cũng là lúc HP cần đến con người có khả năng như Meg để giải bài toán “hậu PC” vốn đang làm đau đầu tất cả các nhà sản xuất máy tính.

Các phép giải bài toán “hậu PC”

Hiện tượng giao thoa giữa thời máy tính cá nhân (PC) và thời hậu máy tính cá nhân (hậu PC) đã bắt đầu xuất hiện cách nay 10 năm khi các thiết bị tích hợp Internet không dây như máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh (smartphone) dần dần thay thế các loại máy tính nối mạng như máy tính để bàn (desktop) và máy tính xách tay (laptop). Biên độ lợi nhuận của các máy tính cá nhân nối mạng thu hẹp lại, từ đó đòi hỏi chi phí cho công tác tiếp thị và quảng cáo tăng cao. Trên thực tế lợi nhuận từ việc sản xuất phần cứng chỉ dao động trong khoảng 7% đến 10% trong khi các công ty lập trình phần mềm như Microsoft hoặc công ty quảng cáo và dịch vụ như Google thường có mức lãi trên dưới 30%. Ở HP, doanh thu từ việc bán máy tính quý 3-2011 lên đến 9,6 tỉ đô la, nghĩa là chiếm khoảng 30% trong tổng doanh số 31,2 tỉ đô la nhưng chỉ mang lại 567 triệu đô la tiền lãi; tỷ suất lợi nhuận chỉ xấp xỉ 6%. Trong khi với 9 tỉ đô la doanh thu trong cùng thời kỳ, bộ phận cung cấp dịch vụ tại đó mang về 1,23 tỉ đô la tiền lãi, đạt tỷ suất lợi nhuận 13,7%.

Giới chuyên gia nhận ra có sự cá biệt đối với bộ phận sản xuất phần cứng thiết bị của Apple khi tỷ suất lợi nhuận tại đây luôn đạt mức cao ổn định 24-25%. Apple với con người huyền thoại Steve Jobs có tầm nhìn sớm hơn và đã đầu tư tích hợp cả hai phần cứng và phần mềm vào chung trong một hệ thống, thể hiện rõ nét trên các dòng sản phẩm như iPhone, iPad và Macintosh. Có thể nói Apple đã không gặp khó khăn trong buổi giao thoa, chẳng những đã không hạ thấp lợi nhuận của phân khúc sản xuất thiết bị mà còn tạo cơ sở chủ động vững mạnh để đưa tập đoàn lên hàng thứ tám trong những công ty có khả năng sinh lãi nhất của danh sách Fortune 500. Tháng 3 năm nay, nhà sản xuất máy tính lớn hàng thứ 3 thế giới và có tốc độ phát triển nhanh nhất nước Mỹ này đã chính thức công bố bước vào thời “hậu PC”. Mô hình chuyển đổi bằng cách tích hợp đầu tư hệ thống này cũng được thực hiện ở Research In Motion (RIM) và nay Google theo chân bằng việc sáp nhập hãng sản xuất điện thoại lâu đời Motorola Mobility, cùng lúc này Samsung và Sony cũng đang tìm cơ hội thực hiện.

Tương lai mới cho HP?

Không như Apple hay RIM, HP từ lâu đã là nhà sản xuất máy tính chuyên nghiệp cho cả ba phân khúc bình dân, trung bình và cao cấp, tạo nên doanh thu hằng năm vượt quá 40 tỉ đô la. Nhưng khi mà các máy tính bảng và điện thoại thông minh nhẹ nhàng tiện lợi ngày càng đảm nhận tốt hơn các chức năng cơ bản như duyệt web, nghe nhạc, xem phim, xử lý công việc văn phòng thì phân khúc máy tính giá rẻ của HP bị thu hẹp lại. Ở phân khúc máy tính cao cấp thì Apple lại là sự chọn lựa hấp dẫn hơn nhờ có ưu thế về mặt thiết kế, thương hiệu và tính ổn định nơi các dòng máy chạy trên nền tảng Mac OS X như Macbook Pro, Macbook Air và iMac.

Năm 2004, IBM đã thành công trong việc rút lui khỏi thị trường máy tính cá nhân bằng việc đem bán bộ phận sản xuất thiết bị cho Lenovo. Nay đến lượt HP cũng chọn giải pháp đau đớn là từ bỏ quá khứ huy hoàng trong lĩnh vực sản xuất máy tính để dồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực sinh lợi nhiều hơn. Nhà phân tích Martin Raynold của Gartner nhận xét: “Duy trì việc kinh doanh máy tính cá nhân là việc tương đối nguy hiểm bởi ai mà biết được điều gì xảy ra sau vài năm nữa”. Nhưng quyết định rút lui của HP tạo nên cơ hội rất tốt cho các nhà sản xuất máy tính chuyên nghiệp khác như Dell, Acer và Lenovo tiếp tục tăng trưởng bằng việc đầu tư những kỹ thuật mới và nhanh chóng chen chân vào các thị trường còn bỏ ngỏ.

Trong hoàn cảnh này một vị lãnh đạo có uy tín, khôn khéo, có tầm nhìn và khả năng thuyết phục giỏi như Meg Whitman là rất cần thiết cho HP. Ngay sau khi nhậm chức, Whitman cho biết công ty dưới sự lãnh đạo của bà sẽ tiếp tục con đường chuyển đổi thành một doanh nghiệp phần mềm và kêu gọi mọi người đồng tâm hợp lực để vượt qua khó khăn, vững chãi bước vào thời “hậu PC”. Về phần mình Meg tin tưởng rằng HP sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng không những tại Thung lũng Silicon và trên đất Mỹ mà cả trên toàn thế giới.

__________________________________

Tài liệu tham khảo:

- Meg Whitman:http://en.wikipedia.org/wiki/Meg_Whitman

- The month that changed tech forever:http://money.cnn.com/2011/08/31/technology/month_that_changed_tech/index.htm?iid=EAL

- HP is Wintel’s latest victim: http://money.cnn.com/2011/08/19/technology/end_of_wintel/index.htm?iid=EAL

- Meg Whitman Takes Charge to Help HP Find Its Way: http://www.forbes.com/sites/sashagalbraith/2011/10/24/meg-whitman-takes-charge-to-help-hp-find-its-way/

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • FamilyMart không từ bỏ thị trường Việt Nam
  • Các phó chủ tịch Coca-Cola lên tiếng về nghi án chuyển giá ở VN
  • Myanmar, “sàn đấu” mới của Coca-Cola và Pepsi
  • Bước chân Huawei tại Việt Nam
  • Hãng bia lớn nhất thế giới sắp vào Việt Nam
  • 15 sự thật thú vị về “đại gia” bán lẻ Wal-Mart
  • “Sau 5 năm, Ministop sẽ mở 500 cửa hàng tại VN”
  • Liên doanh Nokia - Siemens cắt giảm mạnh nhân sự
  • Boeing giành đơn hàng kỷ lục từ vùng Vịnh
  • Vì sao liên doanh 10 năm Sony Ericsson tan vỡ?
  • Apple đã thay đổi gì dưới thời Tim Cook?
  • Chuyện về “cú ngã ngựa” của AMD
  • Toyota “ngập đầu” trong khó khăn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao