Kể từ khi suy thoái kinh tế Mỹ nổ ra đến nay, các “đại cửa hiệu” ở nước này lâm cảnh khó khăn. |
Khi tuyên bố đóng cửa 50 cửa hàng lớn và mở 100 cửa hàng có quy mô nhỏ hơn vào hôm 29/3 vừa qua, hãng bán lẻ Best Buy dường như đã chấp nhận thực tế rằng kỷ nguyên thống trị của mô hình “đại cửa hiệu” mà họ áp dụng bấy lâu đã tới hồi kết thúc.
Và giờ là thời của mô hình bán lẻ dựa trên các cửa hiệu có quy mô nhỏ, hãng tin tài chính Bloomberg bình luận.
Mặc dù các “đại gia” bán lẻ khác của Mỹ như Wal-Mart và Target vẫn đang tiếp tục mở những cửa hiệu lớn, tất cả đều đang chú trọng nhiều hơn tới những cửa hiệu nhỏ. Theo kế hoạch, Best Buy sẽ tăng gấp đôi số lượng cửa hiệu nhỏ mang tên Best Buy Mobile trong thời gian từ nay tới năm 2016. Hãng Wal-Mart sẽ mở khoảng 100 cửa hiệu nhỏ trong năm nay, còn Target thì sẽ mở 5 điểm bán lẻ quy mô nhỏ mang tên CitiTarget.
Sau 50 năm đẩy mô hình bán lẻ quy mô nhỏ ra rìa, các “đại cửa hiệu” đang lâm vào khủng hoảng ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế chậm chạp khiến tốc độ tăng trưởng doanh thu của các cửa hiệu này suy giảm, kéo tỷ suất lợi nhuận thu hẹp. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng trở nên thông thái hơn trong việc so sánh giá cả. Họ tìm đến với nhiều cửa hàng hơn để tìm hàng giá rẻ hoặc “hàng độc” thay vì chỉ chăm chăm mua hàng một chỗ.
“Chúng ta đang đối mặt với những thay đổi chóng mặt. Người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu, mua nhiều hàng hóa trên mạng hơn. Bởi vậy, các hãng bán lẻ thực sự cần phải thu hẹp quy mô cửa hàng”, nhà phân tích Natalie Berg thuộc hãng phân tích Planet Retail tại London phát biểu.
Về cơ bản, các hãng bán lẻ theo mô hình “đại cửa hiệu” có hai dạng, một là các hãng tập trung vào một loại hàng hóa như Best Buy và một là các hãng bán hàng giá rẻ như Wal-Mart và Target với số lượng mặt hàng đa dạng hơn.
Kể từ khi suy thoái kinh tế Mỹ nổ ra đến nay, các “đại cửa hiệu” ở nước này lâm cảnh khó khăn. Cho tới quý tài khóa thứ ba của năm ngoái, Wal-Mart đã chứng kiến 8 quý liền liên tiếp doanh thu suy giảm tại các cửa hiệu có độ tuổi từ 12 tháng trở lên. Best Buy thì có 5 quý liền suy giảm lợi nhuận trước khi báo lỗ 2,6 tỷ USD hôm 29/3 vừa rồi.
Kể từ tháng 6/2009, thời điểm suy thoái kinh tế Mỹ chính thức kết thúc, giá cổ phiếu của Wal-Mart tăng 26%, trong khi giá cổ phiếu của Best Buy giảm 28%. Dù tăng hay giảm thì diễn biến giá của hai cổ phiếu này đều thua mức tăng 39% của chỉ số Standard&Poor’s 500 Retailing Index dành cho cổ phiếu của các nhà bán lẻ niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ. Trong cùng khoảng thời gian, giá cổ phiếu của Target tăng 48%.
Mô hình “đại cửa hiệu” (big-box retail) ra đời tại Mỹ vào năm 1962. Đó là năm mà Wal-Mart, K-Mart và Targett đồng loạt mở những cửa hiệu lớn bán hàng giá chiết khấu đầu tiên. Dần phát triển lên, các “đại cửa hiệu” mới cung cấp thêm nhiều mặt hàng với mức giá thấp để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp dân cư di chuyển từ thành phố tới các khu vực ngoại ô.
Mô hình này phát triển bùng nổ vào thập niên 1990. Được tiếp lửa bởi sự lên điểm chóng mặt của thị trường chứng khoán và hoạt động tín dụng dễ dãi, người dân Mỹ đổ tới sống ở các vùng ngoại ô nhiều hơn và ồ ạt mua sắm thiết bị cũng như hàng tiêu dùng cho ngôi nhà mới của mình. Sự phát triển mạnh của thị trường địa ốc đã đưa các “đại cửa hiệu” vào một kỷ nguyên mới. Rồi sau đó, thị trường bắt đầu xuống dốc và người tiêu dùng thắt chặt hầu bao.
Những yếu tố khác cũng gây trở ngại lớn cho mô hình “đại cửa hiệu”. Con cái của thế hệ những người sinh ra trong khoảng thời gian 1946 - 1964 sau Chiến tranh Thế giới thứ II (baby boomer) giờ đều đã trưởng thành, và cha mẹ của họ không còn cần phải tích trữ thức ăn hay hàng hóa trong nhà như trước. Họ kết hôn muộn hơn và thậm chí trì hoãn việc có con, đồng nghĩa với việc ít người phải mua nhà hơn, nên nhu cầu trang hoàng và mua sắm đồ đạc mới cho nhà cửa cũng suy giảm.
“Bây giờ, nhu cầu đối với mô hình bán lẻ cửa hiệu lớn đang ở mức đáy”, ông Bryan Gildenberg, nhà phân tích thuộc hãng nghiên cứu Kantar Retail ở Massachusetts, nhận định.
Bởi vậy, cuộc đua chuyển sang mở những cửa hiệu quy mô nhỏ không có gì là khó hiểu. Best Buy dự kiến sẽ có khoảng 800 cửa hiệu nhỏ Mobile Stores vào năm 2016, từ mức 305 cửa hiệu hiện nay. Đây là một phần trong chiến lược của CEO Brian Dunn nhằm gia tăng doanh thu từ hoạt động bảo hành, phụ kiện và kết nối giữa các sản phẩm điện thoại, máy tính bảng và các mặt hàng điện tử khác.
Tuy nhiên, CEO Dunn cũng khẳng định, chiến lược chú trọng hơn tới mô hình bán lẻ quy mô nhỏ của Best Buy vẫn dành chỗ cho “đại cửa hiệu”.
“Chúng tôi coi các cửa hiệu lớn là một phần quan trọng trong mạng lưới, bên cạnh các cửa hiệu nhỏ. Các dịch vụ bán hàng trực tuyến và qua điện thoại của chúng tôi cho phép khách hàng yêu cầu bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, với bất cứ nhu cầu nào. Tôi không cho rằng đây là sự đi xuống của mô hình cửa hiệu lớn, mà chỉ là một lối đi đa dạng hơn trong đó diện tích bán lẻ mà chúng tôi cần cho mỗi cửa hiệu sẽ ít đi”, ông Dunn nói.
Tương tự, Wal-Mart cũng tỏ ra trung thành với các “đại cửa hiệu”. Năm nay, công ty dự kiến mở thêm nhiều gấp ba số cửa hiệu nhỏ Neighborhood Markets so với năm 2011, nhưng vẫn mở thêm 150 cửa hiệu lớn, so với mức 122 “đại cửa hiệu” mới được mở trong năm ngoái.
“Cửa hiệu lớn vẫn là mảng kinh doanh tốt nhất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng sự hiện diện ở mảng này”, phát ngôn viên Deisha Galberth Barnett của Wal-Mart cho biết.
Theo Bloomberg, hoạt động mua sắm trên mạng ngày càng phổ biến cũng là một nhân tố bất lợi đối với các “đại cửa hiệu”. Hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng mua sắm trên mạng tại Mỹ chính là Amazon.com - nhà bán lẻ đang “gặm” bớt thị phần của Wal-Mart, Best Buy và Target.
Theo ông Matt Arnold, nhà phân tích thuộc công ty Edward Jones, thách thức lớn nhất đối với các “đại cửa hiệu” hiện nay chính là việc người tiêu dùng ngày càng tin tưởng hơn vào mua sắm trực tuyến. Để chống chọi với thực tế này, ông Arnold khuyến nghị các nhà bán lẻ nên kết hợp chặt chẽ giữa bán lẻ tại cửa hiệu và bán trực tuyến.
“Mặc dù đang gặp khó, mô hình bán lẻ cửa hiệu lớn sẽ không “chết”. Họ sẽ chuyển sang quy mô nhỏ hơn và đầu tư nhiều hơn vào bán hàng trên mạng”, ông Arnold nhận xét.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com