Nhiều công ty Mỹ muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: TL |
Theo kết quả khảo sát của các phòng thương mại Mỹ (AmCham) tại các nước trong khối ASEAN, Việt Nam là nước được ưa chuộng nhất cho việc mở rộng kinh doanh của các công ty Mỹ, với 31% số người được khảo sát cho biết có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Đây là năm thứ 9 các phòng thương mại Mỹ tại ASEAN thực hiện khảo sát với mục đích tìm hiểu triển vọng tăng trưởng kinh doanh tại Đông Nam Á của các thành viên và nhận thức của họ về một loạt các yếu tố địa phương.
Người được khảo sát là các nhà điều hành cấp cao đang làm việc cho các công ty Mỹ tại 7 nước Đông Nam Á gồm Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.
Khoảng 80% người tham gia khảo sát cho biết có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại ASEAN trong 2 năm tới và chủ yếu hướng đến Việt Nam (31%), tiếp theo là Indonesia (15%), Thái Lan (13%) và Singapore (10%).
ASEAN là thị trường quan trọng của công ty Mỹ
Khoảng 70% người được hỏi dự báo thị trường ASEAN sẽ quan trọng hơn với công ty của họ về mặt doanh thu trên toàn cầu trong 2 năm tới.
Thực tế này cho thấy hầu hết người được hỏi đều nói ASEAN sẽ đóng vai trò đáng kể trong việc giúp thế giới thoát khỏi suy thoái kinh tế.
Kết quả là, tỷ lệ công ty có kế hoạch mở rộng tại ASEAN trong 2 năm tới tăng từ 77% trong năm 2009 lên 81% vào năm 2010.
Ngoài ra, Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và sự hội nhập của ASEAN đã giúp gia tăng sức hấp dẫn về kinh tế của khu vực. Khoảng 93% người được hỏi đang tận dụng AFTA và 70% cho rằng hội nhập ASEAN quan trọng cho hoạt động kinh doanh của họ trong khu vực.
Lạc quan với kinh tế Việt Nam
Đối với nền kinh tế Việt Nam, người trả lời cũng lạc quan trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khoảng 62% người được hỏi dự kiến có sự gia tăng lợi nhuận trong năm 2010, trong khi 79% dự báo sẽ có sự gia tăng lợi nhuận trong năm 2011. Tỷ lệ người được hỏi dự kiến gia tăng lực lượng lao động cũng tăng từ 54% trong đợt suy giảm năm 2009 lên 72% vào năm 2010.
Phần lớn người tham gia khảo sát (82%) dự báo sự mở rộng của kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra những quan ngại. Khoảng 59% người được hỏi dự báo chi phí nhà ở sẽ tăng và 85% dự đoán sẽ tăng chi phí sinh hoạt. 67% người được hỏi cũng dự báo đồng Việt Nam sẽ giảm giá so đô la Mỹ.
Yếu tố thế mạnh của Việt Nam
Mặc dù vẫn còn nhiều mối quan ngại nhưng những yếu tố thế mạnh của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho nước này hấp dẫn hơn với giới kinh doanh.
“An ninh cá nhân” nhận được tỷ lệ hài lòng cao nhất (76%) trong tất cả các yếu tố môi trường kinh doanh địa phương kể từ khi Việt Nam được đưa vào Khảo sát triển vọng kinh doanh ASEAN năm 2003. “Thái độ đối với Mỹ” cũng có tỷ lệ hài lòng cao, với 72%. Các thế mạnh khác bao gồm “có sẵn lực lượng lao động chi phí thấp” và “hệ thống chính trị và chính phủ ổn định”. Cuối cùng, liên quan đến “tính rõ ràng của các hướng dẫn chính phủ về việc trả tiền bản quyền sở hữu trí tuệ”, tỷ lệ hài lòng tăng từ 12% trong năm 2009 lên 17% vào năm 2010.
Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục chịu tỷ lệ không hài lòng cao đối với các yếu tố “tham nhũng” (74%) và “cơ sở hạ tầng” (73%). Một nửa số người trả lời không hài lòng với “chi phí nhà ở”, “các luật lệ và quy định” (48%) và “cơ cấu thuế” (48%).
Tỷ lệ không hài lòng với “tính rõ ràng của các quy định chuyển giá” tăng từ 15% trong 2009 lên 21% vào năm 2010 và tỷ lệ không hài lòng với “sự rõ ràng của hướng dẫn về hậu cần” tăng từ 17% trong 2009 lên 21% vào năm 2010.
Nói chung, do lợi ích và hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng đáng kể tại Việt Nam, Việt Nam đang trội hơn trong một số yếu tố nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.
(Theo Nhật Hân // Thời báo kinh tế Sài Gòn // AmCham)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com