Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Băn khoăn tìm nguồn vốn quỹ

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được thành lập. Song vấn đề là, lấy vốn quỹ từ nguồn nào và làm sao để mô hình này phát huy hiệu quả.

 
Theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 20/8/2009, thì tới đây, Quỹ Phát triển DNNVV sẽ được thành lập. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, các DN đều bày tỏ sự đồng thuận đối với sự trợ giúp hết sức có ý nghĩa này, nếu Quỹ được thành lập. Tuy nhiên, khi được hỏi về sự sẵn sàng đóng góp để nguồn quỹ có thể lớn mạnh hơn, qua đó trợ giúp tốt hơn cho các DN, thì bản thân các DN lại tỏ ra khá e dè.

Có lẽ, cũng cần nhắc lại rằng, kể từ khi Nghị định số 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV được ban hành (Nghị định 56/2009/NĐ-CP chính là nghị định thay thế cho Nghị định 90/2001/NĐ-CP), các địa phương đã rất tích cực trong việc thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV, khi đó được coi là mô hình sẽ trợ giúp rất hiệu quả cho các DNNVV. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, chỉ có 11 quỹ được thành lập và trên thực tế, chỉ có 3 quỹ chính thức đi vào hoạt động. 

Nguyên nhân khiến mô hình Quỹ Bảo lãnh tín dụng không thành công chính là vì nguồn quỹ chủ yếu được lấy từ ngân sách nhà nước và vì thế, rất hạn hẹp, không đủ sức để các quỹ này có thể hoạt động suôn sẻ. Chính vì vậy, ngay khi đề xuất về việc thành lập Quỹ Phát triển DNNVV được đưa ra, băn khoăn lớn nhất cũng là làm sao để có nguồn cho quỹ này hoạt động. Và làm sao để Quỹ Phát triển DNNVV không đi vào "vết xe đổ" của mô hình Quỹ Bảo lãnh tín dụng. 

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, để mô hình này có tính khả thi, nguồn vốn của quỹ này phải được lấy từ ngân sách nhà nước, từ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và cả sự đóng góp của các DN. "Ba nguồn đóng góp này phải bổ sung cho nhau thì quỹ mới hoạt động thông suốt. Chỉ có vốn ngân sách nhà nước, hay vốn hỗ trợ của quốc tế thì sẽ rất khó để hoạt động, cần phải có sự đóng góp tự nguyện của các DN", ông Kiêm nói và cho rằng, chủ trương là một chuyện, vẫn còn cần rất nhiều thời gian để vận động thành lập quỹ. 

Trong khi khẳng định nếu thành lập được Quỹ Phát triển DNNVV là điều rất tốt, vì hiện nay, các DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn và không chỉ khó khăn về vốn, song ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Nam Hà Việt (TP.HCM) vẫn không khỏi băn khoăn bởi bản thân các DN đang gặp khó khăn thì khó có thể tham gia đóng góp vào quỹ. "Tốt nhất là quỹ này nên có vốn từ ngân sách nhà nước và từ các quỹ nước ngoài tài trợ", ông Khánh nói.

Còn ông Lương Văn Thưởng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại vận tải và du lịch Khánh Thịnh (tỉnh Thái Nguyên) lại rất dè dặt khi phát biểu về khả năng đóng góp cho nguồn quỹ, bởi quy mô nguồn quỹ này rộng quá, nên khó... đến lượt DN được hưởng sự hỗ trợ. 

"Thành lập Quỹ Phát triển DN là hành động rất thiết thực, nhưng để DN tiếp cận được thì thủ tục phải đơn giản. Vừa rồi, chúng tôi có một số dự án cần vốn, nhưng lại không thể tiếp cận Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Hầu hết các DN ở Thái Nguyên cũng trong tình trạng tương tự", ông Thưởng cho biết và đề xuất rằng, nếu Quỹ Phát triển DNNVV được thành lập thì nên tập trung tuyên truyền và ban hành quy chế hoạt động quỹ thật rõ ràng để DN được biết và dễ dàng "soi" xem mình có đủ tiêu chuẩn được hưởng lợi từ nguồn quỹ này hay không. 

Đồng quan điểm này, ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tư vấn Vfam Việt Nam, đơn vị chuyên tư vấn cho các DN, cho rằng, muốn thành lập Quỹ Phát triển DN thì phải xã hội hóa nguồn quỹ và phải có đề án cụ thể. Đề án đó phải đề xuất cụ thể phương án huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn như thế nào, hỗ trợ DN những gì và DN sẽ được hưởng lợi từ nguồn quỹ này như thế nào. "Nếu chỉ kêu gọi DN đóng góp thì sẽ khó thành công", ông Tiến nói.

Liên quan đến vấn đề này, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đề án cụ thể về việc thành lập Quỹ Phát triển DNNVV sẽ được xây dựng trong thời gian tới. 

Còn hiện tại, theo quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP, thì nguồn vốn của Quỹ sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước, từ đóng góp của các tổ chức trong nước, các khoản viện trợ, tài trợ của các tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế, lợi nhuận từ hoạt động của Quỹ và các nguồn vốn hợp pháp khác. 

Cũng theo quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP, thì mục đích chính của Quỹ là tài trợ các chương trình trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV, chú trọng hỗ trợ hoạt động đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực quản trị DN. 

Một trong những hoạt động quan trọng của Quỹ là uỷ thác cho các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi đối với các DNNVV có dự án khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước và phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ.


(Theo Hà Nguyễn // Báo đầu tư )

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao