Biện pháp cấp thiết để hóa giải cơn khát vốn của doanh nghiệp lúc này là hình thành một quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp có năng lực tài chính đủ mạnh. Thế nhưng việc này không hề đơn giản.
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, lúc này một quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp là cần thiết. Nếu xây dựng theo mô hình "kiểu Mỹ" thì quỹ được cấp ngân sách từ Quốc hội theo từng năm với định lượng nhất định. Ngân sách đó chính là nguồn để quỹ hoạt động bảo lãnh tại một số NHTM, khi các ngân hàng này cho giới tiểu thương vay tiền.
Cũng theo ông Hiếu, mô hình quỹ bảo lãnh cấp Chính phủ như vậy hiện đã có ở Việt Nam. Điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay là cần rà soát lại và bổ sung thêm vốn cho quỹ này, qua đó giúp các doanh nghiệp hồi sinh. Tạm ước tính theo ông Hiếu thì nền kinh tế cần dành 3-6 tỷ USD để bổ sung cho một quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp, nhưng câu hỏi đặt ra là số tiền này sẽ được tính vào đâu, lấy từ nguồn nào? Nếu là nguồn từ ngân sách nhà nước thì tất cả các hạng mục chi cơ bản hiện đều đã ấn định, trừ phi nới hạn mức bội chi. Nhưng sử dụng hạn mức bội chi này cho riêng một mục tiêu là điều bất khả thi. Điều đó đồng nghĩa với việc mọi khoản chi Chính phủ trong suốt năm phải đúng 100% như dự toán, trong khi 4 tháng đầu năm 2012, bội chi đã đạt 18% dự toán và tăng 5% so với cùng kỳ.
Một kế sách khác được nhiều chuyên gia đưa ra là phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc lấy tín phiếu ngắn hạn của ngân hàng trung ương hoán đổi thành các kỳ trung và dài hạn, dùng nguồn tiền đó để bổ sung cho quỹ bảo lãnh tín dụng hay quỹ mua lại nợ xấu ngân hàng.
Thực tế trên thị trường trái phiếu, đường cong lợi suất dài hạn đang ngày càng xuống dốc. Tín hiệu về việc nới lỏng tiền tệ cũng ngày càng rõ hơn khiến kênh huy động trái phiếu dài hạn trở nên kém hấp dẫn. Hai tháng 4-5/2012, giá trị giao dịch thị trường trái phiếu tuy tăng 56,57% lên 23,58 nghìn tỷ đồng so với giai đoạn trước, nhưng kỳ hạn ngắn 1 năm, 2 năm và 3 năm đạt 17,51 nghìn tỷ đồng. Về giá trị, trái phiếu ngắn hạn chiếm đến 80% tổng giá trị các giao dịch. Rõ ràng các NHTM không đặt kỳ vọng vào trái phiếu dài hạn. Còn nếu chấp nhận huy động vốn ngắn hạn để cứu doanh nghiệp thì chẳng khác nào "bóc ngắn cắn dài". Chẳng chóng thì chầy vẫn đưa đến kết quả như hiện tại: NHTM đối mặt với nợ xấu tăng cao, doanh nghiệp bị chặn đường vay vốn.
Vậy nên, đáp án cho câu hỏi "tiền đâu" vẫn còn rất mịt mờ.
Có tiền: Vẫn nhiều chuyện để bàn
Gần đây, một số công ty quản lý quỹ tung ra một số sản phẩm mới như: quỹ mở, quỹ đầu tư chỉ số VNIndex, quỹ trái phiếu... |
Đặt giả định là có nguồn tiền từ ngân sách của năm 2013 hoặc từ bất kỳ hình thức nào khác để cứu doanh nghiệp thì câu chuyện còn lại vẫn phải xem xét là rót tiền và sử dụng tiền như thế nào?
Ở cấp Nhà nước, hiện ta đang có hoạt động bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển VDB (trước là Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp). Đây là ngân hàng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% (không phần trăm), không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật (theo Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007). VDB có vốn từ nguồn huy động như các tổ chức tín dụng khác, từ nhận ủy thác quản lý nguồn vốn ODA được Chính phủ cho vay lại; nhận ủy thác, cấp phát cho vay đầu tư và thu hồi nợ của khách hàng từ các tổ chức trong và ngoài nước thông qua hợp đồng nhận ủy thác giữa VDB với các tổ chức ủy thác, ủy thác cho các tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện nghiệp vụ tín dụng của mình. Trong lịch sử, VDB chưa có tiền lệ (nếu tính kể từ ngày chuyển đổi mô hình hoạt động Quỹ sang Ngân hàng) được cấp ngân sách định lượng cụ thể theo từng năm cho hoạt động bảo lãnh tín dụng. Nay nếu cấp một khoản trị giá 3 tỷ USD thì chắc chắn phải làm rõ, đây sẽ khoản dự phòng rủi ro của VDB nếu món nợ được bảo lãnh từ NHTM cho doanh nghiệp vay rơi vào nợ mất vốn; hay là khoản để VDB trực tiếp cho doanh nghiệp vay vốn?
Với VDB, trường hợp đầu là thừa. Trong thực tiễn hoạt động, VDB gần như không phải lo trích lập dự phòng rủi ro vì quy định phải trích lập của ngân hàng này chỉ 0,05% /dư nợ bình quân đối với tất cả các loại tài sản có rủi ro, bao gồm từ cho vay đầu tư, cho vay tín dụng xuất khẩu, nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và bảo lãnh dự thầu và thực hiện hợp đồng của ngân hàng. Trường hợp sau, khi VDB trực tiếp cho doanh nghiệp vay vốn, thuật ngữ "bảo lãnh" lại không cần thiết. Một quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp theo đó cũng không cần thiết. Nhưng nếu như vậy thì 3 tỷ USD sẽ khó làm nên chuyện vì trị giá quá nhỏ so với nhu cầu thực tế và cũng không giải quyết được bi kịch NHTM thừa vốn - doanh nghiệp đói vốn trong hiện tại. Cả hai trường hợp này đều có điểm chung: Nếu các khoản vay hay bảo lãnh rơi vào mất vốn, người phải lo chắc chắn không phải là VDB!
Theo ước tính của chuyên gia Nguyễn Trọng Hiếu, tổng dư nợ của toàn bộ hệ thống ngân hàng đang ở khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, do đó, số tiền cần phải "bơm" thêm vào nền kinh tế sẽ là 20% tổng dư nợ, tương đương 600 nghìn tỷ đồng. Chỉ cần 10 - 20% của tổng số tiền 600 nghìn tỷ đồng này được bỏ ra, ước khoảng 3 - 6 tỷ USD, là đã có thể bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. 3 tỷ USD cũng là con số mà TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra khi nói tới số tiền ngành ngân hàng phải trả nếu muốn xử lý nợ xấu, tái cấu trúc lại hệ thống. Còn IMF thì cho rằng Việt Nam phải mất 5-6 tỷ USD, tương đương 5% GDP quốc gia, để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. |
(Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com