Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bàn về thương hiệu Việt toàn cầu

Tên tuổi cà phê Trung Nguyên, Viettel và nhiều thương hiệu Việt khác đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Nỗ lực xây dựng thương hiệu Việt toàn cầu đang bắt đầu có kết quả. Tuy nhiên, chặng đường vẫn còn dài... 

Trong buổi giao lưu trực tuyến về Xây dựng thương hiệu Việt Nam mang tầm toàn cầu cho các doanh nghiệp đoạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức, nhiều vấn đề liên quan đã được đưa ra thảo luận cụ thể.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, PCT thường trực Hội LHTN Việt Nam, PCT thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ VN :

Năm 2003, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tiến hành triển khai Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt. Sau 7 năm thực hiện, đã có 1127 thương hiệu và sản phẩm đoạt giải thưởng. Hầu hết các thương hiệu, sản phẩm tiêu biểu đều đăng ký tham dự giải thưởng. Các thương hiệu, sản phẩm được trao giải đều mang tính tiêu biểu cho đất nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế, có uy tín cao trong xã hội.

Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp đã phát triển mạnh thương hiệu, cống hiến cho sự phát triển của đất nước, đến nay đã nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm hướng đầu tư phát triển ra nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp sau khi nhận giải thưởng đã có tăng trưởng doanh thu 150 – 200%, mở rộng xuất khẩu và thâm nhập được vào nhiều thị trường mới tại nước ngoài. 

Trong quá  trình thực hiện giải thưởng, vấn đề đặt ra rất lớn đối với Hội Doanh nhân trẻ, là có những thương hiệu, sản phẩm rất tốt, rất uy tín, đoạt giải từ năm này qua năm khác. Từ đó, những thương hiệu, sản phẩm này đã có những bước phát triển rất tốt tại thị trường trong nước.  

Song nếu chỉ có vậy, khi đã đạt đến một giới hạn nào đó thì SVĐV sẽ trở nên kém hấp dẫn, giá trị mà giải thưởng mang lại cho doanh nghiệp không còn như kì vọng ban đầu. Vậy, cần làm gì để nâng cao tính hấp dẫn của giải thưởng, làm gì để giúp các doanh nghiệp SVĐV có thể phát triển hơn nữa?

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận thấy cần thiết có những động thái không chỉ để hỗ trợ các doanh nghiệp SVĐV chiếm lĩnh thị trường trong nước mà cả ở nước ngoài. 

Đó là lý do mà chúng tôi đưa ra ý tưởng và đề xuất với Chính phủ  về việc  Xây dựng thương hiệu Việt Nam mang tầm toàn cầu cho các doanh nghiệp đoạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt. Trong thông báo số 315/ TB – VPCP ngày 29 tháng 10 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến cho phép Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan xây dựng đề án Thương hiệu Việt Nam mang tầm toàn cầu. 

Hội đã thành lập một nhóm gồm các chuyên gia, các bộ ban ngành liên quan; các chuyên gia thương hiệu hàng đầu trong nước và quốc tế; các doanh nhân có nhiều kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu, qua đó tập hợp tri thức trong nước, quốc tế, cùng những bài học thực tiễn của doanh nghiệp để xây dựng đề án có tính khả thi cao nhất 

Hội cũng ý thức rất rõ việc tham vấn ý kiến rộng rãi của các giới trí thức, truyền thông, doanh nhân trong xã hội thông qua việc tổ chức các cuộc họp tư vấn cải tiến giải thưởng SVĐV, xây dựng những hội thảo chuyên đề về thương hiệu toàn cầu nhắm tới các doanh nghiệp đang tham gia giải thưởng, các doanh nghiêp đã đoạt giải thưởng, là thành viên câu lạc bộ SVĐV, lồng ghép với các chương trình Hội nghị Uỷ Ban Trung ương, các hội thảo về tập đoàn kinh tế tư nhân …  

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, TGĐ Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên

Theo tổng kết thế giới thì một thương hiệu của một nước đang phát triển hoặc mới phát triển muốn thành thương hiệu toàn cầu phải hội đủ 4 yếu tố:

- Thương hiệu đó phải là số 1 của quốc gia đó.

- Ngành của thương hiệu hoạt động phải là lợi thế so sánh của quốc gia so với thế giới.

- Khát khao của chính doanh nghiệp, đây là điều quan trọng nhất

- Có sự hậu thuẫn của chính phủ. 

Quay lại với các doanh nghiệp Việt Nam, xét về năng lực cạnh tranh thì chúng ta thua toàn diện. Chúng ta thua về thương hiệu, tài chính, nguồn nhân lực, công nghệ,...  

Do chúng ta mới có 20 năm sản xuất dịch vụ, hạ tầng cơ sở yếu kém – điểm xuất phát thấp. Nếu ta không định ra những nguyên tắc tiếp cận về nguồn lực thì khó có thể biến khát khao đó thành hiện thực.  

Vì vậy, để doanh nghiệp nội trực tiếp đối mặt với doanh nghiệp nước ngoài thì chúng ta chắc chắn thua. Phải có lý thuyết tiếp cận khác, kinh nghiệm của cuộc chiến tranh nhân dân là kinh nghiệm mà chúng ta có thể tham khảo. Như “Lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”,  “Lấy mưu, lấy thế thắng lực”... 

Các bước đi đều phải đứng vững bằng 3 trục. Nhà nước – Người tiêu dùng – Doanh nghiệp. 3 trụ phải có sự tương tác chặt chẽ với nhau. 

Thứ nhất, về phía Nhà nước, cần có một loạt cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể.  Như Bộ Công  Thương đã chọn thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên nếu thương hiệu quốc gia chỉ được "dán nhãn" không thôi thì không thể cạnh tranh. Các thương hiệu đó cần phải được quan tâm đầu tư, nuôi dưỡng, có chính sách, hoạch định những bước đi, để thương hiệu Quốc gia có thể phát triển, đủ sức cạnh tranh.

Lấy ví dụ như, chỉ riêng thương hiệu Nokia của Phần Lan hay cà phê Neslife... cũng có doanh thu gần bằng với GDP của Việt Nam

Thứ  hai,  về người tiêu dùng, nếu họ không nhận thức và nuôi dưỡng chính đứa con của họ trong quyết định tiêu dùng của mình thì doanh nghiệp sẽ không thể cạnh tranh được. Vì Việt Nam hiện nay cũng đối diện với cạnh tranh toàn cầu, đương nhiên sản phẩm Việt, dịch vụ Việt phải đảm bảo về chất lượng, về giá, về dịch vụ phải tương đồng.

Thứ ba, Bản thân doanh nghiệp phải có quyết tâm, khát khao cao độ. Doanh nghiệp cần xác định đây là một cuộc chiến, doanh nghiệp đảm nhận sứ mệnh quốc gia, sẵn sàng vượt qua rất nhiều hàng rào, trong một rừng cạnh tranh khốc liệt. Doanh nghiệp tự hoàn thiện mình, sáng tạo, tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường... để có thể cạnh tranh thành công

Đối với cafe Trung Nguyên, tôi xin trao đổi thế này :

Hiện chúng tôi đã xác lập được chỗ đứng tương đối với 50 quốc gia, 13 văn phòng đại diện. Tuy nhiên sau 10 năm chúng tôi thấy cần phải định vị lại mình. Mời các chuyên gia tư vấn hàng đầu thế giới cùng với Trung Nguyên xem xét lại các chiến lược để chinh phục thế giới.

Chúng tôi phải trả lời một số câu hỏi then chốt sau:

- Sản phẩm chiến thắng của chúng tôi trên thị trường thế giới là gì ? Một nơi có quá nhiều các ông lớn đang ngự trị.

- Mô hình chiến thắng của chúng tôi là gì?

- Thế giới cần nghe câu chuyện gì từ chúng tôi?...

 Hoạch định trên những cơ hội mà trước kia chúng ta chưa có như : chúng ta tiếp cận được vốn toàn cầu, nguồn nhân lực toàn cầu, thị trường toàn cầu, có điều kiện tiếp nhận với công nghệ tối ưu nhất, mới nhất.

Tuy nhiên chúng ta cần phải có một tư duy mới có lý thuyết riêng của mình, chứ không phải chạy theo các lý thuyết sẵn có của phương Tây. Cần biết mình biết người để tìm ra cơ may. 

Tóm lại, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để biến khát khao thành hiện thực.

Ông Lê Vĩnh Sơn: Tổng giám đốc công ty Cổ phần Sơn Hà

Xin chia sẻ một số suy nghĩ của mình như sau: 

Thứ nhất, ở góc độ để xây dựng thương hiệu theo tôi đây là vấn đề khó. Làm sao làm tốt, có một thương hiệu trong nước đã khó. Doanh nghiệp ở Việt Nam không dễ để có thương hiệu được khẳng định trên thế giới. Chúng ta đang đi sau về vấn đề thương hiệu và để lọt vào một rừng thương hiệu của thế giới theo tôi là rất khó nhưng hoàn toàn làm được nó với các điều kiện như đặc thù của ngành nghề, bản thân quốc gia doanh nghiệp có sản phẩm có thế mạnh hay không?  

Hôm qua tôi vừa có cuộc trao đổi với các lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp. Họ có hỏi tôi làm sao để tạo thương hiệu trong tình hình hiện nay. Ý của họ chỉ là hỏi tôi về làm sao xây dựng thương hiệu trong nước thôi chứ chưa phải là xây dựng thương hiệu toàn cầu, cũng đã là khó lắm rồi. Thương hiệu là phép tính cộng thương hiệu nhãn hiệu cộng với chất lượng sản phẩm mang lại. 

Theo tôi, việc đặt ra mục tiêu đạt được thương hiệu đã là không đơn giản. Trong hàng vạn doanh nghiệp trên thương trường chỉ có vài chục doanh nghiệp có thể thành công được để thành thương hiệu lớn.  

Trở lại vấn đề xây dựng thương hiệu toàn cầu cho doanh nghiệp theo tôi đây là cuộc chơi lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với các nhãn hiệu lớn trên khắp thế giới đã khẳng định mình từ rất lâu. Điều kì vọng của các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu toàn cầu là chúng ta chọn ra được vài doanh nghiệp để xây dựng đã là một điều đáng tự hào rồi.

 Ví dụ, tại Trung Quốc là nước có nền kinh tế thị trường năng động, họ có khắp nơi trên thế giới và họ gặt hái thành công từ doanh nghiệp quy mô nhỏ đến quy mô lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để tìm ra một số thương hiệu nổi tiếng toàn cầu và chúng ta hoàn toàn công nhận nó và sử dụng nó một cách quen thuộc thì chưa có.  

Công ty Sơn Hà chúng tôi được biết đến nhiều từ sản phẩm bồn chứa nước. Gần đây chúng tôi có sản phẩm Thái dương năng, thiết bị nhà bếp cũng đã dần được khẳng định và đi đầu trong ngành của nó. Theo tôi, chúng ta đầu tư đầy đủ thì chúng ta sẽ thành công. Nhưng đầu tư vào cái gì thì cái đó phải mang tính khai phá. 

Sản phẩm ống inox công nghiệp của Sơn Hà đang tiêu thụ chủ yếu ở  gần 10 nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu, Đài Loan, Singapore. Gần đây nhất chúng tôi đấu thầu vào dự án ở Hồng Kông và chúng tôi đặt mục tiêu vào đó. 

Trên mỗi ống thép không rỉ công nghiệp của Công ty Sơn Hà đều có ghi made in Việt Nam, trong giới thép, thì Sơn Hà có tiếng nhưng chưa chắc ở thị trường tiêu dùng thì mọi người có thể nhận thấy được vì đó là sản phẩm đặc thù trong giới mới biết được.  

Ở Mỹ thấy sản phẩm của Sơn Hà thì họ ngạc nhiên vì Việt Nam là nước không phát triển liệu có tin được sản phẩm của chúng tôi được sản xuất ở Việt Nam không. Lúc đầu họ mua một ít thôi nhưng sau khi họ kiểm tra chất lượng tốt thì sau đó họ mua nhiều lên. 

Tôi có bí quyết là, trong công ty Sơn Hà những người quản lí về kĩ thuật, người bán hàng quốc tế là người Đài Loan vì Đài Loan là nơi phát triển về thép không gỉ và sản phẩm về thép không gỉ. Những công ty sản xuất về ống thép không gỉ lớn của thế giới đều là công ty  Đài Loan.

Để đạt thương hiệu cho doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp phải có cách đi khác nhau. Công ty Sơn Hà trước mắt vẫn tiêu thụ sản phẩm ở Mỹ sản ở 15 nước trên thế giới.  

Câu chuyện về xây dựng thương hiệu toàn cầu cho doanh nghiệp là câu chuyện rộng và chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm của anh Đặng Lê Nguyên Vũ vừa trao đổi ở trên.

Nguyễn Trung Trường - Giám đốc chi nhánh miền Bắc Cadivi

Cơ hội và thách thức song song với vấn đề thương hiệu toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam; Chúng tôi luôn xác định trước tiên phải giữ vững sân nhà rồi sau đó mới tính chuyện sang sân người, Cadivi luôn đặt nền tảng phát triển Công ty là chất lượng và giá cả hợp lý. Chúng tôi cũng cam kết đến cuối cùng về sản phẩm giao đến tay khách hàng với sự an tâm.

Hiện nay ở Việt Nam có 140 nhà sản xuất dây cáp điện, cạnh tranh trong nước đã muôn vàn khó khăn. Ngoài ra còn có những cạnh tranh không lành mạnh, song song như vậy nhưng cũng phải tìm cơ hội xuất khẩu.

Thị trường nước ngoài nhiều nơi cực kén chọn chất lượng. Trong những năm tới, chúng tôi dự tính vươn xa, đầu tiên là khẳng định vị trí ở Việt Nam, Đông Nam Á rồi mới ra toàn cầu.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Giám đốc Trung tâm Thương hiệu Đại học Thương mại Hà Nội :

Thực tế để xây dựng thương hiệu toàn cầu là việc không dễ dàng. Nó có những điều kiện, cơ hội của nó. Tất nhiên nó cần sự tham vọng quyết liệt, cháy bỏng không ngừng của bản thân doanh nghiệp và sự hậu thuẫn của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp; Các thương hiệu lớn trên thế giới đều có sự hậu thuẫn của Chính phủ trong thời gian dài.

Tôi dám chắc nếu không có sự hậu thuẫn của Chính phủ thì 90% đến 99% doanh nghiệp không thể vươn tới mức toàn cầu.

Tuy nhiên, cái khó là trong WTO có ghi rõ mức độ hỗ trợ, chúng ta không thể đi trái với luật Quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn có cơ hội. Ngay từ bây giờ chúng ta phải có biện pháp kích thích lòng tự hào  cho các doanh nghiệp. Quá trình là hàng chục, hàng trăm năm, nhưng chúng ta vẫn cần phải làm ngay.

Nếu chúng ta ngồi đây mà nói cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam, thì theo tôi là hơi chủ quan. Vì sao? Bởi vì, mỗi ngành hàng khác nhau sẽ có mức độ cạnh tranh khác nhau trên thị trường thế giới, và với đặc thù của từng doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ rất khác nhau. Không dễ gì nói cụ thể doanh nghiệp nào có thể vươn ra toàn cầu.

Tôi chỉ nghĩ rằng, cái cần nhất hiện nay là liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước, và các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Đó là điều kiện để thành công! Nếu không liên kết, thì có khả năng chính chúng ta lại kéo chân nhau! Cần có lực hút giữa các doanh nhân trong nước, các doanh nhân người Việt ở nước ngoài. Bên cạnh đó, tôi đánh giá rất cao vai trò của các Hiệp hội, và của những giải thưởng như Sao vàng đất Việt.

Chương trình cấp độ quốc gia về thương hiệu không chỉ là gán nhãn cho doanh nghiệp! Mục đích là khơi dậy niềm tự hào, nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp Việt. Bước hai là chọn đối tác thích hợp, đủ tiềm lực chạy cùng chương trình.

Thế nhưng, sự hỗ trợ của các chương trình với doanh nghiệp hiện nay là rất mờ nhạt.

Với sự góp sức của các giải thưởng như Sao vàng đất Việt và một số giải khác, tôi hy vọng chúng ta có 1 hệ thống để chọn lựa, nuôi dưỡng những doanh nghiệp thích hợp để nó lớn dần lên.

Thương hiệu toàn cầu không phải sân chơi của số đông các doanh nghiệp, sự lựa chọn của nó là cực kỳ khắt khe. Chúng ta cần nghiên cứu, chọn lọc để có những thương hiệu toàn cầu.

Phải lưu ý một điều: một thương hiệu của một tập đoàn tư nhân sẵn sàng có thể bán cho một doanh nghiệp nước ngoài khác. Nên chăng, có chính sách đầu tư cho những thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Đây là cái rất quan trọng, cái mà không ai có thể bán được. 

 Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Tôi xin cảm ơn quý vị đã cho tôi tham dự cuộc trực tuyến thú vị này. Nói thật, tôi là người ngoại đạo trong lĩnh vực này nhưng cũng xin có một số ý kiến tham gia.

Xây dựng thương hiệu phải gắn chặt với sản phẩm dịch vụ, sự sáng tạo trong cách tổ chức, tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, sự sáng tạo của lãnh đạo doanh nghiệp. Vì thế, chuyện có một môi trường để thúc đẩy sáng tạo rất cần thiết. Tuy nhiên, việc đòi hỏi nhà nước phải nuôi dưỡng, ưu ái một số doanh nghiệp, sẽ chỉ tạo ra những “thương hiệu chết yểu” mà thôi.

Nhà nước phải tạo ra môi trường cho tất cả các doanh nghiệp miễn là họ có sáng tạo để cuối cùng bán được nhiều hàng. Như vậy, cuối cùng vẫn phải nói đến năng lực của doanh nghiệp, tính sáng tạo của lãnh đạo doanh nghiệp. Thiếu cái đó, các bạn có yêu cầu nhà nước chi cả trăm tỉ đồng để làm thương hiệu mạnh, thì theo tôi, cũng không thành công.

Hiện nay, có những thương hiệu chưa quá chục tuổi như facebook, iphone... Vấn đề là sáng tạo như thế nào?

Chúng ta hãy nhìn phim ảnh của Mỹ, cách tiếp thị, bán hàng của họ rất lạ và khéo. Không có sáng tạo, không có đổi mới, đừng có nói đến thương hiệu; đừng có nói chính phủ phải chọn ra năm, mười doanh nghiệp để nuôi dưỡng thương hiệu. Tôi nghĩ nhà nước nên tạo ra môi trường để khuyến khích sáng tạo, đổi mới, mới có thể tạo ra thương hiệu lớn.

Chúng ta đừng nghĩ rằng nó quá khó. Nếu chúng ta nghĩ phải làm ra cái gì đó trọn gói sẽ rất khó. Nhưng, doanh nghiệp có thể chỉ tham gia vào một khâu giá trị gia tăng của cả chuỗi cung, nếu làm tốt, nỗ lực, tính sáng tạo của doanh nghiệp sẽ quyết định 85% thành công.

Ông Đăng Lê Nguyên Vũ : Tôi tán thành về sự Đổi mới –Sáng tạo, điều đó quyết định quan trọng. Hãy tạo môi trường để các doanh nghiệp phát triển.  Khi gặp trợ thủ  của Bill Gate, tôi có nói: “Tôi nói thật với ông, nếu Bill Gate ở Việt Nam thì cùng lắm là bán Cafe như tôi là cùng”. Bởi vì, ở bên Mỹ các doanh nghiệp có một nền tảng để phát triển, có thị trường chứng khoán, bảo hiểm. 

Tôi đề xuất giá trị cốt lõi của doanh nghiệp toàn cầu gồm 5 điểm sau :

Thứ  nhất , phải có khát vọng lớn. Vì văn hóa; Thứ  hai, phải có tinh thần quốc gia dân tộc; Thứ ba, sáng tạo và đột phá; thứ  tư, trang bị kỹ năng để thực thi đột phát;  Thứ  năm, tôn vinh giá trị. 

Về tiếp cận lập thương hiệu: Tôi đồng ý với việc mở rộng việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng đối với các doanh nghiệp đạt SVĐV thì họ có một quá trình phát triển, nên họ là đại diện tiêu biểu. 

Như  anh Thịnh (đại học Thương Mại) phát biểu, ngoài việc gắn thương hiệu Quốc gia thì chúng ta chưa hề có sự hỗ trợ, giải pháp nào cụ thể nào cả. 

Tôi cho rằng, ta tạo được môi trường chung, nhưng cũng cần phải nuôi dưỡng những hạt nhân có khát khao, có nền tảng. Giống như việc đi thi, khi đạt đủ tiêu chí để được hỗ trợ thì ai cũng sẽ được hỗ trợ tốt hơn, và không có sự bàn cãi, sự phân biệt. 

Về  thương hiệu, vào năm 2003 khi vận động việc đầu tư cho thương hiệu. Khi đưa vấn đề Thương hiệu ra Quốc hội,  tôi còn nhớ giai đoạn đó còn nhầm lẫn giữa Nhãn hiệu và Thương hiệu. Sau nhiều năm chúng ta đi bước dài về nhận thức Thương hiệu.

Tuy nhiên, ngay hiện tại Thương hiệu Quốc gia vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng (!?), có bao nhiêu yếu tố cấu thành nó. Từng lĩnh vực, từ vấn đề nhà nước cho tới thị trường. 

Nhân  đây tôi cũng đề nghị, Hội Doanh nghiệp trẻ, cùng Bộ Công thương hành động quyết liệt để tiếp tục để làm rõ về thương hiệu quốc gia. Từ nhận thức cụ thể đi tới hành động.  

Ông Nguyễn Mạnh Cường : Thưa các anh, tôi thấy rất thú vị về cuộc giao lưu trực tuyến hôm nay. Câu chuyện này là câu chuyện bàn về nhà nước phát triển và nhà nước tự do,  từ năm 1970 khi Hàn Quốc xây dựng thương hiệu quốc gia, nhà nước Hàn Quốc hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước nhanh chóng canh tranh với các tập đoàn đa quốc gia, nhưng họ cũng có sự lựa chọn tương đối những doanh nghiệp mạnh nhất, thúc đẩy cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia.

Nên dung hòa giữa hai con đường cũ và mới của thương hiệu toàn cầu. Chúng ta đặt ra cơ chế, quá trình lựa chọn thương hiệu hàng đầu và thúc đẩy nó phát triển mạnh. Trong quá trình đó, DN nào không đáp ứng được tiêu chí sẽ bị loại.

Về góc độ Hội DNT, tôi nghĩ trong cách xây dựng thương hiệu toàn cầu, chúng tôi chỉ là cái cầu nối để giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với cơ chế chính sách, giúp các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế.

Thương hiệu toàn cầu gắn với thương hiệu tư nhân, quá trình chuyển  đổi còn nhiều khó khăn, không kỳ thị. Tập đoàn kinh tế tư nhân cần được bình đẳng tiếp cận với tài nguyên thiên nhiên. Hội là cầu nối với chính phủ, để có thể thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân, chúng tôi cùng với nhà nước, tạo ra điều kiện tốt hơn cho các DN hoạt động.

Hiện Hội DNT đang nghiên cứu một số mô hình, kinh nghiệm của các nước về  vai trò nhà nước với doanh nghiệp, với thương hiệu quốc gia, thương hiệu toàn cầu, để từ đó có cơ sở khoa học trong việc xây dựng đề án thương hiệu toàn cầu và tập đoàn kinh tế tư nhân cho doanh nghiệp SVĐV.

(Theo Khánh An // Báo đầu tư)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao