Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bất cập trong hình thành và vận hành mô hình Tập đoàn

Sự đổ vỡ của Tập đoàn Vinashin vừa qua trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Sẽ còn đó bộn bề công việc của quá trình tái cấu trúc lại Tập đoàn này theo đường hướng cơ bản đã được Bộ Chính trị và Chính phủ đề ra

Nhìn một cách tổng thể, Vinashin rơi vào vực thẳm bởi quá nhiều lý do cả về chủ quan và khách quan. Từ Vinashin, chúng ta cần rút kinh nghiệm và xem xét lại nghiêm túc mô hình tổ chức hoạt động và quản trị các tập đoàn Nhà nước. Lỗi ở người cầm lái là Chủ tịch tập đoàn này thì đã quá rõ, nhưng sâu xa còn nhiều điều đáng bàn hơn. Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A, cái áo “Tập đoàn” dường như quá rộng với cả tầm quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp hiện nay.

“Ở đây có 2 vấn đề rất cơ bản, thứ nhất là trình độ quản lý không kịp với quy mô, nói đơn giản một người có sức quản lý khoảng 100 người, nhưng vống lên quản lý mấy chục nghìn người, hay năng lực chỉ có thể quản lý được số vốn 50 triệu USD, lại bắt quản lý 4 - 5 tỷ USD. Thứ hai là lý thuyết đại diện, tức là người chủ uỷ quyền cho những người đại diện của mình. Điều này dẫn đến tình trạng, nhiều khi người được uỷ quyền, hoặc người đại diện sẽ luôn có động cơ để không làm theo mục đích của người uỷ quyền. Công ty càng lớn, người chủ càng vô hình bao nhiêu, thì mức độ vênh giữa quyền lợi của người chủ và người được uỷ quyền là càng lớn bấy nhiêu”, ông Nguyễn Quang A nói.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Chính sách kinh tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) Nguyễn Đức Thành cho rằng: “Các tập đoàn trong khoảng 5 năm gần đây có cả vai trò điều tiết nền kinh tế vĩ mô, hỗ trợ Chính phủ thực hiện một số vấn đề xã hội, xoá đói giảm nghèo, nó bị khoác lên người những vị trí, chức năng quá lớn so với khuôn khổ của mình. Chúng ta cần nhớ rằng, các doanh nghiệp, nếu có nhiều thương vụ làm ăn thì sẽ sản sinh ra nhiều lợi nhuận, tích lũy của cải và tạo ra tài sản mới. Nếu bị chi phối và phân tán bởi quá nhiều mục tiêu thì không ổn”.

Dù chủ trương ban đầu với các tập đoàn chỉ là làm thí điểm, nhưng gần đây nhiều Đại biểu Quốc hội và các nhà nghiên cứu đã đặt vấn đề cần xem xét về hiệu quả kinh tế - xã hội của nhiều tập đoàn, đặc biệt là hiệu quả sử dụng vốn rất thấp (dưới 10 %). Lỗ hổng về nhiều phía có thể thấy.

Phó Giáo sư Trần Ngọc Thơ, Giảng viên Khoa Doanh nghiệp Tài chính (Đại học Kinh tế TP HCM) đặt vấn đề: “Qua số liệu chính thức, tỷ suất lợi nhuận của các tập đoàn và tổng công ty thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi/năm. Đây là điều cần phải xem lại, có lỗ hổng gì ở đây? Nếu đã là tập đoàn thì phải tách hẳn nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ xã hội. Phải chăng, các tập đoàn đang cố tình duy trì các công tác xã hội để dựa vào đó biện minh cho vấn đề, nếu lợi nhuận thấp là còn phải làm công tác xã hội nữa”.

Vài năm trước, nhiều người chưa quên chuyện không ít các tập đoàn đầu tư lấn sân lẫn nhau, thậm chí “chân ngoài dài hơn chân trong” khi đổ hàng nghìn tỷ đồng vào chứng khoán, tài chính, bảo hiểm hay góp vốn vào các quỹ đầu tư. Kết quả giám sát của Đoàn Giám sát Quốc hội công bố, thời điểm hết năm 2008, đã có 47 tổng công ty, tập đoàn lớn thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” kiểu này với số tiền đầu tư lên tới 21.000 tỷ đồng. Khi thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, hầu hết các doanh nghiệp lớn này đều thua lỗ. Thêm một lần nữa, vài trò chủ đạo của DNNN cần phải có sự xác định một cách chính xác hơn.

Nếu ví von một cách hình ảnh, thì quản lý tập đoàn cần phải làm theo kiểu “có ga thì phải có phanh”. Tuy nhiên về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã chỉ rõ những yếu kém trong quản lý và giám sát: Đó là sự chồng chéo trong chức năng quản lý giữa các Bộ và có quá nhiều chủ sở hữu trong một DNNN. “Hoạt động giám sát khu vực kinh tế Nhà nước cho đến nay vẫn còn một số bất cập. Trước hết liên quan đến việc xác lập chủ sở hữu đích thực của DNNN, cũng như chủ thể quản lý các doanh nghiệp này. Với những tập đoàn cụ thể, người ta đang nói đến việc quá đa dạng hoá, đan sân, đan chéo mối quan hệ chủ thể này”, ông Phong nhận xét.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đồng tình với quan điểm này và cho rằng, hậu quả sẽ tiếp tục đến với các doanh nghiệp nếu như không khắc phục được những mắc mớ quan trọng này./.

(VOV)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao