Báo cáo mới đây của tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế Business Monitor International Ltd (BMI) đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong 10 năm tới.
Báo cáo cho rằng những khó khăn kinh tế vĩ mô của năm 2008 sẽ là sự tập dượt hữu ích cho Chính phủ Việt Nam trong việc quản lý nền kinh tế thị trường.
BMI dự báo Việt Nam sẽ duy trì được mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 8% năm trong 10 năm tới, trong đó việc hoạch định chính sách sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của chính phủ giải quyết những ách tắc trong cơ sở hạ tầng mà không làm cho nền kinh tế quá nóng.
BMI nhận định khu vực sản xuất công nghiệp được đầu tư mạnh mẽ sẽ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của Việt Nam trong 10 năm tới. Khu vực sản xuất công nghiệp hiện đóng góp khoảng 25% GDP, nhưng con số này sẽ tăng lên 34% vào năm 2013 và lên tới 40% vào năm 2017.
Đề cập những nguy cơ chính là lạm phát, cơ cấu hạ tầng và giáo dục, báo cáo của BMI nhận định đồng tiền lên giá sẽ làm giảm sức ép lạm phát và lạm phát giá tiêu dùng hàng năm sẽ vào khoảng 5% từ năm 2011 trở đi.
Khả năng hạn chế về cảng biển, đường sắt và đường bộ của Việt Nam vẫn đang gây bất lợi so với Trung Quốc khi thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu. Hơn nữa, sự cách biệt tăng lên giữa nhu cầu và cung cấp năng lượng, dẫn tới việc cắt điện là một mối đe dọa chính đối với cả tăng trưởng và lạm phát. Chính sách năng lượng là lĩnh vực sẽ phải được giải quyết với quyết tâm mạnh hơn hiện nay.
BMI cho rằng việc tiếp tục cải cách kinh tế thông qua quá trình nâng cao hiệu quả hoạt động đang diễn ra hiện nay của các doanh nghiệp quốc doanh và chuyển quyền sở hữu sang tay tư nhân cũng được coi là một yêu cầu để Việt Nam duy trì mức tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 8%, đồng thời thực hiện một nỗ lực đồng bộ để nâng cao các trình độ ở mọi cấp của hệ thông giáo dục.
Cũng theo BMI, Việt Nam sẽ cần phải tăng số sinh viên tốt nghiệp đại học loại ưu trong các lĩnh vực như tài chính và khoa học nếu muốn tránh bị rơi vào tình trạng sản xuất với giá trị hàng hóa thấp.
(Theo Thông tấn xã Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com