Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bóng ma cúp điện

Công nhân một doanh nghiệp sản xuất đồ mỹ nghệ ở Gò Vấp, TPHCM, làm việc trong thời gian xưởng sản xuất bị cúp điện. Ảnh: Uyên Viễn.

Ngoài nỗi lo giá điện vừa được điều chỉnh tăng, hiện nhiều doanh nghiệp đang tìm cách đối phó với tình trạng cúp điện trong mùa khô năm nay, được dự báo sẽ rất gay gắt.

Từ doanh nghiệp trong nước

Chưa kịp mừng với những đơn hàng gối đầu đến năm 2011, nhiều doanh nghiệp đang đau đầu trước viễn cảnh tình hình cúp điện ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.

Chuyến tham quan và tìm hiểu 15 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp kỹ thuật nhựa Đức Hòa, Long An, vừa qua đã không thể thực hiện vì đi đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của các doanh nghiệp. Trong xưởng, ngoài các cỗ máy bất động, chẳng có bóng dáng của công nhân nào.

Ông Lê Văn Hiền, Phó ban Quản lý cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa, cho biết việc tăng giá điện từ tháng 3 cũng làm không ít doanh nghiệp dao động, nhưng điều lo sợ nhất của doanh nghiệp là tình trạng cúp điện sẽ căng hơn năm 2010.

Theo ông Hiền, năm 2010, nhiều doanh nghiệp điêu đứng khi cứ một tuần lễ ngành điện cúp ít nhất là ba lần. Ở cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa có 15 doanh nghiệp đang hoạt động, với chưa đầy 1.500 lao động, có nhiều máy móc thiết bị kỹ thuật, nên nếu cúp điện thì không máy phát điện nào chịu nổi. Vì thế, hễ cúp điện, dù có báo trước, doanh nghiệp cũng đành cho công nhân nghỉ, sản xuất đình đốn.

Các doanh nghiệp ở đây đã thực hiện việc tiết kiệm điện từ lâu, từ quy trình sản xuất đến cả thay đổi công nghệ. Trước đây, sản xuất 1 ki lô gam nhựa tiêu tốn 1,8 kWh điện. Hiện nay, con số này đã giảm hai phần ba, chỉ còn 0,6 kWh/ki lô gam nhựa. Nhưng do nguồn điện cung cấp không đủ, các doanh nghiệp cũng đành bất lực.

Hệ lụy của tình trạng cúp điện triền miền luôn ám ảnh doanh nghiệp. Những tín hiệu kinh tế khả quan, lượng khách hàng ổn định, đơn hàng dồi dào, khả năng xuất khẩu phục hồi, tiêu dùng nội địa tốt, nhưng những điều đó có thể biến mất một khi cúp điện xảy ra.

Không lo sao được khi mà năm 2010, nhiều doanh nghiệp dở khóc dở cười khi dây chuyền đang hoạt động, mẻ hàng trị giá hàng trăm triệu đồng sắp ra thành phẩm bỗng dưng trở thành phế thải vì điện cúp bất chợt. Không còn cách nào khác, doanh nghiệp đành giao cho công đoàn thanh lý, ai mua được gì thì mua, còn lại gom về TPHCM bán cho các cơ sở nhỏ tái chế.

Cũng vì cúp điện, năm 2010 Công ty Nhựa Tiến Thành ở Đức Hòa, Long An, suýt bị một tập đoàn sản xuất bánh kẹo lớn ở TPHCM hủy hợp đồng vì trễ hạn. Ban giám đốc công ty phải thanh minh, thương thảo, Ban Quản lý cụm công nghiệp cũng phải xác nhận bằng văn bản về sự cố cúp điện thì sự việc mới được giải quyết êm thấm.

Chính vì thế, mỗi khi có lịch cúp điện, lãnh đạo các đơn vị tức tốc họp khẩn bàn biện pháp đối phó. Trước đây, lịch cúp điện do ngành điện đưa ra. Có ngày điện cúp chừng bốn tiếng đồng hồ, ngày hôm sau cúp gấp đôi, và ngày tiếp theo nữa lại cúp chừng hai tiếng. Kiểu cúp điện này làm xáo trộn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Rút kinh nghiệm, lãnh đạo các khu công nghiệp cùng doanh nghiệp tìm đến ngành điện, đề xuất giải pháp là cúp một lượt chừng ba, hay bốn ngày, rồi sau đó cung cấp điện đủ những ngày còn lại trong tuần để doanh nghiệp bố trí sản xuất, tăng ca liên tục, làm ngày làm đêm, để kịp tiến độ. Khi đó, những khó khăn lại chuyển về cho người lao động, nhưng cũng đành phải chấp nhận như một giải pháp tình thế, để hy vọng sáu tháng cuối năm tình hình đỡ hơn.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (Hepza), cho biết ngoài các biện pháp tiết kiệm điện, năm nay Hepza sẽ cùng với ngành điện bàn các biện pháp điều tiết sao cho hợp lý. Doanh nghiệp sẽ phải thay đổi các ca cao điểm, làm thêm cả ngày lễ, Tết, tăng ca vào thứ Bảy, Chủ nhật. “Nguồn cung điện yếu, điều cần thiết là phải phân làm sao cho hợp lý. Dù nói là ưu tiên cho sản xuất, nhưng chúng tôi biết điều đó là không đủ”, ông Tuấn nói.

Đến doanh nghiệp FDI

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam cho biết không quá lo ngại về việc giá điện tăng, nhưng sợ bị cắt điện và đang hồi hộp chờ đợi khi không có đầy đủ thông tin về việc cắt giảm điện để lên kế hoạch sản xuất.

Ngày 14-2, Công ty TNHH Interflour Việt Nam (80% vốn của Úc và 20% của Nhật Bản) nhận được thông báo từ điện lực Tân Thành - Công ty Điện lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc từ ngày 15 đến 28-2 Interflour chỉ được sử dụng 85% lượng điện trung bình đã sử dụng trong năm ngoái. Theo thông báo, điện lực Tân Thành sẽ kiểm tra công tơ điện để xem lượng điện thực tế Interflour sử dụng có vượt quá quy định hay không. Nếu quá định mức, việc cắt điện sẽ được tiến hành ngay ngày hôm sau.

Ngay ngày 15-2, lãnh đạo và tất cả nhân viên có liên quan của Interflour đã họp khẩn tại nhà máy ở Vũng Tàu. Theo bà Bùi Thị Lan, Giám đốc nhân sự của Interflour, thông báo trên đã gây lo lắng cho lãnh đạo công ty vì lượng điện trung bình mà điện lực Tân Thành tính cho Interflour trong năm 2010 chủ yếu là lượng điện sử dụng của nhà máy sản xuất bột mì. Trong khi đó, cuối năm 2010, Interflour đã cho vận hành hệ thống cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, trên thực tế, lượng điện trung bình công ty cần để sản xuất bột mì và vận hành cảng cao hơn nhiều.

Ngày 16-2, công ty gửi công văn lên điện lực Tân Thành, Sở Công Thương của tỉnh... để giải thích nhu cầu thực tế của công ty. Và theo bà Lan, công ty đã nhận được sự thông cảm của một số cơ quan chức năng có liên quan, và được tư vấn đi đăng ký lại định mức điện. Ông Nakashima Jun, Giám đốc Công ty TNHH Tsuchiya Tsco Việt Nam (Nhật Bản) tại Bình Dương, cũng cho biết hiện công ty không thể ước tính được tình trạng thiếu điện tại Việt Nam ảnh hưởng đến công ty ở mức nào vì thông tin cụ thể về việc cắt điện quá ít.

Ông Matthias Dühn, Giám đốc Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết: “Trong hơn hai năm qua, các công ty thành viên của Eurocham, đặc biệt ở miền Nam, đã bị cắt điện và giới hạn lượng điện sử dụng. Nhưng vấn đề không chỉ là thiếu điện, mà các công ty còn không được báo trước đầy đủ thông tin về việc cúp điện từ tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khiến các công ty thành viên của chúng tôi rất khó điều chỉnh để thích ứng và điều phối việc sản xuất sao cho hiệu quả”. Air Liquide - công ty cung cấp khí công nghiệp, một thành viên của Eurocham - có một số nhà máy được kết nối bằng hệ thống đường ống dẫn.

Công ty này khó thuyết phục được EVN về việc sẽ hợp lý hơn nếu được cắt điện cùng ngày, chẳng hạn thay vì cắt điện nhà máy nitrogen của Air Liquide vào thứ Hai, và cắt điện khách hàng của Air Liquide vào thứ Ba (!). “Và dù đề xuất này đã được bàn với EVN, nhưng vẫn gặp khó khi thực hiện vì các công ty điện lực địa phương không phối hợp tốt như mong muốn”, ông Dühn cho biết.

“Thiếu điện không chỉ xảy ra ở Việt Nam, nhiều nước khác cũng vậy. Nhiều thành viên của chúng tôi và khách hàng của họ đang rất lo về những tháng sắp tới và băn khoăn không biết việc này sẽ tác động đến mức nào”, ông Dühn nói.

Do đó, ông Dühn cho rằng EVN, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và các ngành công nghiệp nên làm việc với nhau tốt hơn và phối hợp với nhau để lên kế hoạch về định mức sử dụng điện và các biện pháp khác. Các quan chức trong ngành điện cũng cần biết rõ ngành nào có liên quan đến nhau, ngành nào quan trọng và ngành nào ít quan trọng hơn, để từ đó lên danh sách nhà máy nào nên hạn chế. Theo ông, việc cung cấp điện có uy tín (tức phải báo trước và làm theo kế hoạch cụ thể - PV) cũng là một vấn đề liên quan đến sức cạnh tranh của Việt Nam, tránh tình trạng nguồn đầu tư tiềm năng chuyển sang nước khác.

Hiện nay, Interflour đã thuê máy phát điện hỗ trợ hoạt động của nhà máy sản xuất bột mì tại Bà Rịa - Vũng Tàu có công suất 500 tấn/ngày và hệ thống cảng Interflour, phòng trường hợp thiếu điện trong sáu tháng tới. Bà Lan cho biết, công ty thuê ba máy phát điện công suất 1.500 KVA với giá thuê 130 triệu đồng/máy/tháng để có thể cung ứng điện lúc cấp bách cho nhà máy sản xuất bột mì. Và, công ty thuê một máy phát điện công suất 2.500 KVA, với giá 460 triệu đồng/tháng, cho hoạt động của cảng.

Ông Nakashima, Giám đốc Công ty TNHH Tsuchiya Tsco Việt Nam, cho biết: “Nếu tình hình cung cấp điện năm nay tệ hơn, chúng tôi sẽ tính đến việc thuê máy phát điện”.

Tuy nhiên, việc thuê máy phát điện cũng chỉ là giải pháp tình thế của nhiều công ty, đặc biệt đối với những công ty sử dụng máy móc để sản xuất.

Trong năm ngoái, dù thuê máy phát điện, và dùng nhiều biện pháp, nhưng nhiều công ty cho biết không thể giao hàng kịp tiến độ và đã bị khách hàng phàn nàn. “Không phải khách hàng nào cũng xem xét đến tình trạng thiếu điện tại Việt Nam”, ông Nakashima nói.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Chiếm lĩnh thị trường trong nước bằng chất lượng sản phẩm
  • Nokia đặt nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh
  • Chụp mâm composite thương hiệu Việt
  • Doanh nghiệp ứng phó với tăng giá
  • Bước tiến mới của Hapro
  • Doanh nghiệp “sợ” lãi suất, tỷ giá
  • Tỷ giá, lãi suất, lạm phát và nỗi niềm doanh nghiệp
  • Vật vã chờ hóa đơn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao