Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bớt quảng cáo, bớt đại lý để giảm giá thức ăn chăn nuôi

Cục trưởng Cục chăn nuôi, ông Hoàng Kim Giao. - tinkinhte.com
Cục trưởng Cục chăn nuôi, ông Hoàng Kim Giao. Ảnh: Minh Tâm

Trong thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng sau khi điều chỉnh thuế nhập khẩu, đẩy giá của một số mặt hàng thực phẩm tăng lên. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.

TBKTSG Online: Giá thành sản phẩm chăn nuôi ở Việt Nam khá cao hơn so với các nước. Ví dụ, sản xuất thịt heo tại Việt Nam vào khoảng 25.000 – 28.000 đồng/kg trong khi một số nước như Argentina, Brazil, Mỹ… chỉ vào khoảng 11.000 – 13.000 đồng/kg. Nguyên nhân của thực trạng này là gì, thưa ông?

Ông Hoàng Kim Giao: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ví dụ như chăn nuôi tại nước ta khá phân tán, quy mô nhỏ, công tác kiểm soát dịch bệnh không tốt… Trong đó, một nguyên nhân khá quan trọng là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao, cao hơn một số nước trong khu vực từ 5 – 8%, đẩy giá thành thức ăn chăn nuôi cao.

Hiện tại, Việt Nam vẫn phải nhập trên 50% nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho ngành chăn nuôi và sản xuất trong nước cũng chỉ đủ đáp ứng được 70 – 75% nhu cầu. Có thể nói chúng ta khá bị động với bên ngoài trong khi giá mặt hàng này luôn biến động.

-Từ 1-1-2010, thuế nhập khẩu một số mặt hàng thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng thêm từ 5 - 10%. Điều này đang gây sức ép lên giá thành của thức ăn chăn nuôi nói riêng cũng như người chăn nuôi nói chung như thế nào, thưa ông?

Theo tôi, việc thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn, ví dụ như mặt hàng ngô (bắp) tăng thêm khoảng 5% từ 1-1-2010 cũng có tác động đến giá nhưng mức độ ảnh hưởng là không nhiều. Hiện ngô chiếm từ 35 - 40% trong thành phần thức ăn chăn nuôi. Chúng ta cũng nhớ rằng, mức thuế nhập khẩu trước đây là 10% rồi dần điều chỉnh xuống 7%, 5%, 3% rồi 0%. Việc tăng thuế lần này là tăng trở lại.

Chúng tôi cũng có kiến nghị Bộ Tài chính và một số cơ quan ban ngành về việc điều chỉnh này và được giải thích, đây là biện pháp bảo hộ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và đến một thời gian nhất định khi ngành này đã phát triển thì sẽ điều chỉnh thuế trở lại.

- Vậy theo ông, để ổn định và giảm giá thành thức ăn thì cần làm những gì?

Theo tôi, giảm giá thành thức ăn chăn nuôi phải đi theo con đường bớt đại lý, bớt quảng cáo và chống các lộ phí trên đường đi. Chỉ riêng việc đóng gói bao bì, nhãn mác cho các loại thức ăn, ví dụ như túi 3kg, túi 5kg… cũng tốn khá nhiều chi phí.

Vì vậy, cần phát triển mô hình chăn nuôi theo trang trại lớn, ký kết hợp đồng trách nhiệm giữa công ty sản xuất với nhà chăn nuôi để sản phẩm được giao trực tiếp, không cần tốn tiền cho quảng cáo, bao bì.

Thêm vào đó, phải làm sao để giải tỏa hàng nhanh khi hàng về cảng bằng hệ thống kho tàng, bến bãi nhiều; phương tiện vận chuyển hiện đại, chuyên dụng để bớt sức người, giảm phí vận chuyển.

- Vậy còn giải pháp phát triển vùng nguyên liệu trong nước, tăng năng suất cây trồng thì sao, thưa ông?

Đầu tiên, nói về ngô (bắp), mỗi năm, nước ta nhập khẩu từ 800.000 - 1.200.000 tấn để phục vụ ngành chăn nuôi trong nước. Để có thể giảm bớt số lượng nguyên liệu nhập khẩu, chúng ta có nhiều việc phải làm. Trước hết là mở rộng diện tích trồng ngô thêm một chút. Diện tích nhiều thì sản lượng sẽ tăng lên.

Biện pháp quan trọng nhất là tăng năng suất. Năng suất của thế giới hiện nay là 5 tấn/hec ta. Trong khi đó, ở nước ta chỉ khoảng 4 tấn/hec ta. Bây giờ ta phải đẩy lên khoảng 4,5 - 4,8 tấn/hec ta. Muốn đẩy lên thì phải đưa giống mới vào sản xuất, thậm chí có cả giống biến đổi gen cho năng suất cao.

Ngoài ra, phải làm thế nào để giảm xuống mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch. Vì hao tổn sau thu hoạch ở nước ta rất lớn, người dân mình không biết các kỹ thuật bảo quản tốt. Ngô được trồng ở vùng núi, khí hậu ẩm, bảo quản không tốt là mốc, mọt.

Còn riêng về đậu tương thì chúng ta không cạnh tranh nổi, không còn cách nào khác là phải nhập. Năng suất đậu tương ở các nước vào khoảng 3,5 tấn/hec ta nhưng ta cao nhất chỉ được 2 tấn, bình quân khoảng 1,7 tấn. Tuy nhiên, có thể giảm bớt giá thành bằng cách giảm thuế xuống; xây các nhà máy nghiền nát đậu tương để lấy dầu, lấy bã.

Bên cạnh đó là vấn đề quy hoạch các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Trước đây, mình quy hoạch chưa rõ ràng, đầu tư lệch khiến các nhà máy phân bổ không đều. Nguyên nhân là do các nhà máy được xây dựng theo quy hoạch đầu tư của các tỉnh, nơi nào kêu gọi tốt hơn, thông thoáng hơn thì thu hút đầu tư nhiều. Chúng tôi đang khuyến cáo để có thể phát triển các nhà máy phân bổ đồng đều nhằm giảm các chi phí vận chuyển.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Minh Tâm // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Lấn cấn đối tượng hỗ trợ
  • Vietnam Airlines tăng mạnh số chuyến bay trong dịp Tết
  • JAL sẽ không trở thành hãng hàng không giá rẻ
  • Mitsubishi lần đầu tiên công bố lợi nhuận quý
  • Tháng 1/2010: Cả nước có gần 6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
  • Tập đoàn Microsoft tăng 60% lợi nhuận
  • Mỹ: Toyota ngừng bán 8 loại xe
  • Viettel giảm tới 20% cước dịch vụ di động
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng