Làm cách nào để tiếp cận thị trường và tăng lượng hàng xuất khẩu; ngành ngoại giao sẽ làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tốt hơn và ngược lại?... Đó là những nội dung chính của buổi tọa đàm giữa 44 đại sứ VN tại nước ngoài với hơn 200 đại biểu đến từ các hiệp hội, DN diễn ra tại TPHCM ngày 12-12. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cùng chủ trì tọa đàm.
Càng thông tin chi tiết, càng có lợi
Trong số hơn 50 câu hỏi DN đặt ra cho các đại sứ, có tới 2/3 băn khoăn về việc làm thế nào để DN xác nhận đối tác an toàn và tiếp cận thị trường một cách hiệu quả?
Trả lời vấn đề này, ông Trần Quang Hoan, Đại sứ VN tại Anh, cho biết, có nhiều cách để tiếp cận thị trường, các DN có thể đi theo đoàn của Chính phủ, theo đoàn của tỉnh hoặc hiệp hội, hoặc tự tổ chức các chuyến đi và tham gia các hội chợ chuyên ngành…
Tuy nhiên, trước khi đi, DN cần phải tìm hiểu sơ bộ về các đối tác, sau đó khoanh vùng để tiếp tục tìm hiểu sâu. DN cũng đừng quên vào website của các tờ báo có uy tín hoặc nhờ các cán bộ ở sứ quán trực tiếp tìm hiểu đối tác trước, nhằm tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Cùng quan điểm này, ông Trần Đức Mậu, Đại sứ VN tại Đức, cũng cho rằng, các DN cần đặt yêu cầu trước với các cơ quan đại diện. Riêng sứ quán tại Đức đã thành lập nhóm ngoại giao phục vụ kinh tế để xử lý kịp thời những vướng mắc, đồng thời xuất bản cẩm nang tiếp cận thị trường Đức cho DNVN. Ông Mậu đặt vấn đề, khi DN muốn tìm hiểu đối tác hoặc muốn tiếp thị sản phẩm cần đưa ra những thông tin, thông số càng chi tiết, cụ thể thì các sứ quán càng dễ xử lý.
Còn theo ông Nguyễn Trung Thành, Đại sứ VN tại Singapore, thì: “Các DN cần phải xem sứ quán là địa chỉ tối cần thiết để tìm hiểu thông tin, cố gắng giảm giao dịch trung gian gây tốn kém không cần thiết cho DN. Singapore chỉ với 4,8 triệu dân nhưng mỗi năm có tới 11 triệu lượt khách du lịch nên Singapore không phải là thị trường nhỏ. Đây là một cửa ngõ trung gian để trung chuyển hàng hóa đi khắp thế giới” - ông Thành nói.
Nhiều cơ hội cho hàng Việt
Theo ông Nguyễn Phú Bình, Đại sứ VN tại Nhật Bản, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) đã hoàn tất, đang chuẩn bị ký kết và thông qua vào cuối năm nay. Dự kiến đầu năm 2009 VJEPA sẽ có hiệu lực. Đây là cơ hội mở ra cho nhiều ngành hàng của VN khi xuất khẩu vào Nhật. Đặc biệt là một số mặt hàng nông sản vì nước này hiện mới chỉ tự cấp được khoảng 40%, còn lại phải nhập khẩu từ các nước. Tuy nhiên, các DN cần lưu ý, mặc dù nhu cầu lớn nhưng Nhật Bản là thị trường rất khó tính. Để có thể tăng lượng hàng xuất khẩu vào Nhật, DN phải tiếp tục đa dạng hóa mặt hàng đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Lê Quốc Hùng, Tổng lãnh sự tại San Francisco (Hoa Kỳ), nhìn nhận, khó khăn về kinh tế không có nghĩa là người dân Mỹ sẽ không chi cho tiêu dùng. Theo đó, xu hướng tiêu dùng đang có sự thay đổi, nhu cầu xài hàng giá rẻ đang tăng mạnh. Trong khi đó, hàng hóa của VN đã và đang đáp ứng được điều này.
Theo ông Hùng, hiện có khoảng từ 700.000-800.000 người VN đang sinh sống tại bang California (chiếm 1/4 số lượng người Việt trên thế giới) nên nhu cầu tiêu dùng hàng Việt tại đấy cũng rất lớn. Để hỗ trợ cho DN, trong năm 2009 cơ quan ngoại giao tại Hoa Kỳ sẽ thực hiện một loạt chiến dịch quảng bá cho từng ngành hàng tại California như đồ gỗ, nông lâm và thủy hải sản…
Ngoài ra, các đại sứ tại khu vực Trung Đông và châu Phi cũng cho rằng, đây là 2 thị trường “dễ tính”, do vậy các DN phải quan tâm nhiều hơn nữa.
Theo nhận định của hầu hết các đại sứ, mặc dù thế giới đang lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế nhưng hàng hóa của VN vẫn còn nhiều cơ hội. Trước mắt, để đứng vững đồng thời tiếp tục nâng cao kim ngạch xuất khẩu, các DN cần phải tìm hiểu kỹ hơn về xu hướng, phong cách tập quán của từng thị trường. Các cơ quan VN tại nước ngoài sẽ hỗ trợ DN hết mình, làm thế nào để ngoại giao phục vụ thiết thực và hiệu quả hơn trong công cuộc phát triển kinh tế.
Ông Đoàn Xuân Hưng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao:
Ngoại giao chỉ là cầu nối, không làm thay cho DN
Ngành ngoại giao đã thiết lập được hơn 80 cơ quan đại diện của VN tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, có thể là người tham mưu tin cậy cho DN. Tuy vậy, ngoại giao chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ, mang tính xúc tác, là cầu nối tạo môi trường thuận lợi cho các DN hợp tác kinh doanh, làm ăn chứ không thể làm thay cho DN. Các DN phải là người tham gia chính trong việc mở rộng quan hệ kinh tế với các nước. Các cơ quan đại diện cũng không làm thay, không “giẫm chân” các bộ, ngành. Họ chỉ làm những công việc đặc thù của ngành mình để phục vụ tốt nhất cho đất nước.
(Theo báo SGGP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com