Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các mạng di động tố nhau cạnh tranh không lành mạnh

Sau cú "sốc" giảm cước tối đa tới 30% giữa ba đại gia Viettel, MobiFone, VinaPhone hồi đầu tháng 6/2009, một cuộc cạnh tranh gắt gay đã diễn ra giữa ba "ông lớn" này. Sau cú giảm cước đó, các mạng lại quay sang "tố nhau" về chuyện cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến uy tín của nhau trên thị trường... DĐDN có cuộc trao đổi với Luật gia Vũ Xuân Tiền - Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội, TGĐ Cty CP tư vấn quản lý và đào tạo VFAM VN xung quanh vụ việc này.


- Vụ việc này có thể coi là một hoạt động cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN không, thưa ông ?


Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa VN khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3 tháng 12 năm 2004.


Theo Khoản 4 Điều 3, Luật Cạnh tranh: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của DN trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của DN khác hoặc người tiêu dùng”. Điều 39 Luật Cạnh tranh, quy định những hành vi sau đây được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:
 


- Chỉ dẫn gây nhầm lẫn;


- Xâm phạm bí mật kinh doanh;


- Ép buộc trong kinh doanh;


- Gièm pha DN khác;


- Gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác;


- Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh;


- Khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh;


- Phân biệt đối xử của hiệp hội;


- Bán hàng đa cấp bất chính;


Theo những quy định của Luật Cạnh tranh đã trích dẫn trên và những nội dung Viettel kiện MobiFone thì những hành vi MobiFone đã áp dụng là hành vi “quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh” và “khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh”. Do vậy, đó là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh.


- Trước đây đã có các vụ kiện nào tương tự (liên quan đến hoạt động cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN) chưa, thưa ông ?


Theo tôi được biết, từ khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành đến nay, chưa có vụ việc nào các DN kiện nhau về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và được Hội đồng cạnh tranh xét xử. Gần đây nhất, Hội đồng cạnh tranh đã xét xử vụ Hãng hàng không Jesta - Pacific kiện Cty xuất nhập khẩu xăng dầu hàng không (Vinapco). Song, đó là vụ kiện có nội dung khác.


- Với vụ này nếu xử lý theo luật pháp thì như thế nào, thưa ông ?


Việc xử lý vụ việc về cạnh tranh phải theo Luật Cạnh tranh. Đây là vấn đề trong quan hệ thương mại, do đó, không thể xét xử theo những nguyên tắc của vụ việc hình sự. Khoản 2 Điều  56, Luật Cạnh tranh quy định: “2.Việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2005/ NĐ-CP ngày 15/9/2005 “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh” và Nghị định số 120/2005/NĐ – CP ngày 30/9/2005 “Quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh”.  Ngày 4/7/2006, Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã ký Quyết định số 17/QĐ – QLCT “Ban hành một số mẫu giấy tờ theo quy định của Luật Cạnh tranh”. Đó là những văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc xét xử các vụ việc khiếu kiên liên quan đến hành vi cạnh tranh. Chẳng hạn, khi khiếu nại về vụ việc cạnh tranh, nguyên đơn phải làm đơn gửi đến Cục quản lý cạnh tranh theo mẫu ban hành theo Quyết định số 17 nêu trên. Sau khi nhận đơn, Cục quản lý cạnh tranh sẽ thực hiện các bước tiếp theo trình tự của pháp luật. Về cụ thể, Viettel đã khởi kiện MobiFone và nếu làm theo đúng trình tự pháp luật thì Hội đồng cạnh tranh quốc gia có trách nhiệm phải thụ lý hồ sơ. Kết quả xét xử như thế nào thì không ai có thể nói trước được.


- Đó là trường hợp Viettel kiện MobiFone. Bây giờ các DN khác như EVN cũng nói Viettel đã từng áp dụng chính sách ấy với các DN khác (đổi máy, đổi sim), theo ông, trong trường hợp này nên xử lý như thế nào ?


Có thể khẳng định rằng, trong kinh tế thị trường, đặc biệt là với một nền kinh tế thị trường đang trong giai đoạn đầu như ở nước ta, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh xảy ra phổ biến ở những mức độ khác nhau. Do đó, không chỉ Viettel kiện MobiFone, hay EVN với Viettel... Luật Cạnh tranh được ban hành là để xử lý những hành vi đó. Và về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh đều bị xử phạt. Điều đó không chỉ có ở nước ta mà được thực hiện ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, Hội đồng cạnh tranh chỉ vào cuộc xem xét, phán xử khi có đơn khởi kiện. Các DN không khởi kiện mà “tố” nhau trên báo chí sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì.


- Quan điểm của ông về việc quản lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng và các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh nói chung ? Từ vụ việc này đưa ra bài học gì ?


Trước hết, cần thấy rằng, việc các DN đã không “âm thầm chịu đựng” và tự giải quyết theo cách riêng mà nhờ đến Hội đồng cạnh tranh giải quyết vụ việc là một tiến bộ đáng ghi nhận. Có thể bản thân Luật Cạnh tranh và việc xét xử vụ việc cạnh tranh còn những vấn đề chưa đạt yêu cầu, song dấu hiệu nêu trên chứng tỏ Luật Cạnh tranh không còn bị gọi là “luật treo” nữa. Cạnh tranh lành mạnh trên thương trường đã được các DN quan tâm. Vấn đề còn lại là tổng hợp, nghiên cứu phát hiện những nội dung chưa hợp lý, chưa sát thực tế của Luật Cạnh tranh để có thể bổ sung, sửa đổi khi cần thiết.


Khi bị thiệt hại vì những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của đối tác gây ra, cần nghiên cứu kỹ và gửi đơn tới cơ quan quản lý cạnh tranh để giải quyết, không nên đưa vụ việc ra công luận theo kiểu cung cấp một scandal, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh. Nếu DN nào muốn sử dụng những “khiếu kiện” trên báo để khuếch trương, quảng bá thì đã sai lầm cơ bản. Người tiêu dùng chẳng thích gì chuyện “vừa bán, vừa la” như vậy. Hành vi ấy là “lợi bất cập hại” đối với uy tín và thương hiệu của DN.


Với các cơ quan thông tin, báo chí cũng cần chọn lọc các tin tức để cung cấp cho bạn đọc. Theo tôi, chỉ nên thông tin khi đã có việc khởi kiện chính thức, không nên giúp  DN “tố” nhau trên công luận. Việc đó không có ích gì cho bạn đọc và sự phát triển của nền kinh tế.


- Xin cảm ơn ông.
 


*  Ngày 17/6, Viettel có đơn gửi Bộ TT-TT và Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương tố MobiFone cạnh tranh không lành mạnh khi đăng poster so sánh giá cước trực tiếp giữa hai mạng và thực hiện các chương trình đổi SIM  các mạng khác lấy SIM MobiFone có hưởng ưu đãi.


*  Ngày 19/6 MobiFone khẳng định Poster quảng cáo không phải là chủ trương của MobiFone đồng thời đã cho thu hồi các Poster này. Tuy nhiên nhà mạng này cũng thừa nhận chương trình đổi SIM là có thật, tuy nhiên đã cho dừng từ 11/6.


*   Ngày 19/6 EVN Telecom cho biết mạng này cũng đã từng bị chính Viettel dùng chiêu đổi máy E-Com của EVN lấy máy Home Phone của Viettel.

(Theo Thu Hương // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • MySpace có tìm lại được vị trí của mình?
  • Blackberry "Tour" - smartphone toàn cầu
  • Bianfishco sẽ xuất khẩu trên 50 côngtenơ cá tra đông lạnh sang Mỹ
  • DHL dự định mở thêm mười trung tâm nữa ở Trung Quốc
  • Tập đoàn Hoa Sen tăng trưởng bền vững
  • Tàu sử dụng năng lượng mặt trời của NYK cập cảng Long Beach
  • 200 triệu đô la xây khu mua sắm tại Phú Mỹ Hưng
  • DHL đón đầu cơ hội với 10 triệu USD đầu tư vào Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng