Sự xuất hiện của nhiều TTHC mới đang thiết lập lại những quy định cũ |
Các quyền, nghĩa vụ của mọi công dân đã được quy định ở Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, để Hiến pháp và pháp luật được thi hành, các cấp chính quyền nhà nước quy định và trực tiếp giải quyết phải thông qua các thủ tục hành chính (TTHC). Sự thuận lợi hay khó khăn trong làm ăn, sinh sống của người dân cũng như niềm tin của họ đối với Nhà nước như thế nào lại được thẩm định thông qua các quy định TTHC và cách thức giải quyết các thủ tục ấy.
Ông Ngô Hải Phan - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ thuộc Văn phòng Chính phủ cho rằng, nếu giảm 40% các quy định TTHC thì có thể tiết kiệm cho dân và DN 12.000-30.000 tỷ đồng mỗi năm.
Cải cách từ người thực thi TTHC
Có thể nói, tính bức xúc của việc đẩy mạnh cải cách TTHC không chỉ nhìn từ khía cạnh kinh tế, tức là tiết kiệm tiền của mà là xây dựng môi trường pháp lý để các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư yên tâm làm ăn, phát triển. Bên cạnh đó, những TTHC lại được các cán bộ công chức trực tiếp giải quyết. Vì vậy, muốn cải cách TTHC hiệu quả còn liên quan cả tới công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiện đại. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cần được đổi mới về chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp hoá, góp phần bài trừ tệ quan liêu, cửa quyền, hối lộ, làm trong sạch bộ máy nhà nước.
“Nếu giảm 40% các quy định TTHC thì có thể tiết kiệm cho dân và DN 12.000-30.000 tỷ đồng mỗi năm”. |
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Thuận - Tổng Thư ký Hiệp hội DN Cần Thơ, các cơ quan nhà nước, nhất là sở ngành địa phương cần xác định lại vị trí của DN theo hướng từ đối tượng bị quản lý trở thành đối tác trong quan hệ công việc hành chính với cơ quan công quyền. Mọi thông tin DN cần tìm hiểu, những thay đổi về chủ trương, chính sách có liên quan đến DN cần được cơ quan chức năng công khai để DN tìm hiểu thực hiện. Những chủ trương, chính sách chưa nhất quán, nếu chưa có điều kiện điều chỉnh thống nhất thì khi thực thi, cơ quan chức năng cần xem xét áp dụng những quy định nào có lợi hơn cho DN.
Ông Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, muốn việc đơn giản hóa TTHC có hiệu quả, thì điều đầu tiên là phải thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức. Cần hiểu rằng, hành chính không phải là ban phát, người dân và DN không phải người đi xin. Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình cải cách hành chính. Tuy nhiên, nhiều DN nhận xét, các chương trình này dường như đang mất dần hiệu quả vì sự xuất hiện của nhiều TTHC mới đang thiết lập lại những quy định cũ.
6 kiến nghị từ DN
Tại cuộc khảo sát các DN trên nhiều lĩnh vực mới đây, DN đã đưa ra 6 vấn đề cơ bản cần giải quyết để có thể cải cách hành chính thành công. Thứ nhất là hoàn chỉnh hệ thống luật pháp. Tất cả các luật lệ và quy định phải được thiết kế để sau đó nó có thể "tự triển khai thực hiện", nghĩa là giảm các vấn đề cần xin phép chấp thuận. Việc cấp phép cụ thể cần được quyết định dựa trên các tiêu chí rõ ràng, thống nhất và được áp dụng nhất quán.
Thứ hai, cần giải quyết vấn đề thái độ của công chức. Những người có trách nhiệm trong quản lý nhà nước và quản lý nền kinh tế cần được đào tạo bài bản và được trả lương xứng đáng. Thu nhập trong khu vực công hiện không tương xứng với khối lượng công việc của họ và là nguồn gốc của những hành vi tiêu cực.
Thứ ba, vấn đề thực thi pháp luật. Ngoài một hệ thống pháp luật đầy đủ, việc thực thi là một thử thách lớn hiện nay vì nó thể hiện tính hiệu quả của các hệ thống pháp luật và vai trò của Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng thực thi không tốt là điều kiện để tham nhũng phát triển và đó là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định xã hội ổn định và phát triển kinh tế.
Thứ tư, vấn đề minh bạch. Các DN đều có chung trả lời là họ mong muốn các luật lệ và quy định mới liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh đều cần được thông báo cho các DN trước khi chúng có hiệu lực và có đủ thời gian để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện.
Thứ năm, quyền được kháng cáo, khiếu nại. Các DN cho rằng ngay từ khâu cấp phép, cần đảm bảo rằng DN có quyền kháng cáo để bảo vệ họ trước sự nhũng nhiễu của các cấp chính quyền có thể tổn hại đến các DN của họ.
Cuối cùng là vấn đề thực thi pháp luật một cách độc lập. Cần có một tòa án độc lập trong trường hợp này thay vì đẩy vấn đề lên cấp có thẩm quyền cao hơn. Kinh nghiệm của các nước cho thấy một cơ quan độc lập với chính quyền để chống lại nạn tham nhũng là một điều kiện cần thiết để chương trình cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC nói riêng có hiệu quả.
(Theo Bá Tú // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com