Nhật Bản là quốc gia tài trợ vốn ODA lớn nhất giúp Việt Nam nâng cấp, xây dựng một loạt cảng biển lớn. Ảnh: Đ.T |
Đề xuất này được đưa ra trong buổi làm việc về hợp tác phát triển cảng biển giữa Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) vào đầu tháng 3/2010, với sự tham gia của các doanh nghiệp vận tải biển, kinh doanh hạ tầng cảng hàng đầu 2 nước như: Vinalines, Vinawaco, Itochu, IHI, Penta-Ocean, Toa, Công ty Xây dựng Toyo, Mitsui, Kamigumi.
Được biết, Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được Bộ Giao thông - Vận tải giao Vinalines làm chủ đầu tư bao gồm 2 hợp phần: A và B. Trong đó, Hợp phần A – xây dựng các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng ngoài cảng có tổng mức đầu tư 260 triệu USD sẽ được Nhà nước bỏ vốn đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng.
Theo quy hoạch, khi được đầu tư hoàn chỉnh, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện sẽ là cảng trung chuyển lớn nhất miền Bắc, gồm 4 bến container, 2 bến hàng rời, 5 bến hàng bách hóa với năng lực hàng hóa thông qua ước khoảng 35 triệu tấn/năm. “Nếu hợp tác giữa Vinalines và Itochu thành công, đây sẽ là cảng biển đầu tiên mà phía Nhật Bản tham gia với tư cách nhà đầu tư”, ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải đánh giá.
Ông Fujita Takehito, Thứ trưởng Bộ MLIT khẳng định, MLIT sẽ phối hợp với JICA trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp hàng hải 2 nước. Trước đó, Nhật Bản là quốc gia tài trợ vốn ODA lớn nhất giúp Việt Nam nâng cấp, xây dựng một loạt cảng biển lớn như: cảng Cái Lân (Quảng Ninh), cảng Hải Phòng, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Sài Gòn, cảng Cái Mép – Thị Vải.
Ngoài cảng Lạch Huyện, Vinalines đang kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản góp vốn xây dựng hoặc tham gia quản lý khai thác cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa). Đây là cảng trung chuyển nước sâu có quy mô lớn vào loại bậc nhất khu vực Đông Nam á, gồm 25 bến cho tàu container sức chở đến 15.000 TEU và 17 bến tàu hàng rời với năng lực thông qua toàn cảng trong giai đoạn hoàn chỉnh lên tới 17 triệu TEU/năm.
“Cái được lớn nhất mà Vinalines có được khi bắt tay với các nhà đầu tư Nhật Bản chính là kinh nghiệm khai thác, vận hành có hiệu quả các cảng biển nước sâu – lĩnh vực mà nước bạn đi trước chúng ta cả trăm năm”, ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vinalines chia sẻ.
Ngoài đối tác Vinalines, theo Bộ Giao thông - Vận tải, một số doanh nghiệp vận tải lớn của Nhật Bản, trong đó có Mitsui O.S.K Lines, đã đặt vấn đề thuê khai thác Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải khi công trình sử dụng vốn ODA Nhật Bản hoàn thành vào năm 2012.
Theo ông Nguyễn Ngọc Huệ, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, để có thể đáp ứng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển dự kiến lên tới 1.580 triệu TEU vào năm 2030 và đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế biển phát triển, cần ít nhất 56 tỷ USD để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển và nâng cấp các luồng vào cảng.
“Do ngân sách dự kiến chỉ có thể đáp ứng từ 12% đến 15% nhu cầu vốn, sự tham gia của các nhà đầu tư mạnh về tài chính, giàu kinh nghiệm quản lý được coi là một trong những lối ra cho công tác xã hội hóa xây dựng cảng biển Việt Nam”, ông Huệ khẳng định.
(Theo Anh Minh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com