Các nhà mạng đã đổ khá nhiều tiền vào việc quảng bá mạng 3G đến với người sử dụng. Nhưng kết quả thu được hiện nay, còn khá khiêm tốn.
Theo bà Nguyễn Thu Hồng (Vinaphone), hiện nay số khách hàng đăng ký sử dụng mạng 3G của nhà mạng này đã vượt qua con số bảy triệu thuê bao. Mobifone, con số cũng đã vượt sáu triệu thuê bao.
Internet mobile chạy trên mạng 3G bằng điện thoại di động hay bằng máy tính (thông qua thiết bị gắn ngoài) sẽ đem lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng. Ảnh: Minh Phúc |
Mới xài 10% dung lượng
Ông Trần Mạnh Hùng (Viettel Telecom) cho biết số thuê bao đang sử dụng các dịch vụ trên mạng 3G Viettel hiện nay khoảng 1 triệu. Ông Trần Thiện Thanh, giám đốc khu vực II của S-fone cho biết, hiện nhà mạng này có hơn 200.000 thuê bao đang sử dụng các gói dịch vụ chạy trên nền tảng công nghệ CDMA EVDO (một chuẩn của mạng 3G) của S-fone.
Theo ông Đinh Việt Hưng, trưởng phòng tiếp thị và giá cước của Mobifone, dung lượng hệ thống mạng 3G hiện đang sử dụng chỉ chiếm khoảng 10% dung lượng công suất thiết kế. Vinaphone cũng xác nhận rằng, con số thuê bao trên chỉ là con số đăng ký, còn số thuê bao đem lại doanh thu thực tế chưa thể công bố được, cần có thời gian để tính toán cũng như yếu tố “bảo mật”. Ông Hùng giải thích rằng, việc Viettel không công bố số thuê bao đăng ký hoạt động trên hệ thống 3G là vì con số đó khó kiểm soát và không có giá trị thực với năng lực hoạt động của mỗi nhà mạng.
Internet mobile – được lựa chọn nhiều nhất
Theo thông tin từ các nhà mạng, trong những dịch vụ mà các nhà mạng đang triển khai, gói dịch vụ internet mobile (dùng trên điện thoại di động và thiết bị kết nối với máy tính qua cổng USB) là dịch vụ có nhiều khách hàng nhất. Ông Hà (quận 10, TP.HCM) hiện đang sử dụng dịch vụ này trên cả hai mạng Vinaphone và Mobifone nói: “Tôi sử dụng mạng 3G chỉ để truy cập internet. Đây là dịch vụ ưng ý nhất vì tốc độ chấp nhận được. Những dịch vụ còn lại như thoại có hình, xem tivi hay phim theo yêu cầu… không thiết thực cũng như khó sử dụng trên màn hình hạn chế của chiếc điện thoại di động”. Ông Quốc (quận 1, TP.HCM) đánh giá cao dịch vụ internet mobile trên mạng 3G. Trước đây, muốn vào mạng, phải vào quán có wifi, còn nay với thiết bị USB 3G của Vinaphone, ông có thể trao đổi thông tin với khách hàng ngay tại công trường.
Nắm bắt nhu cầu lựa chọn và sử dụng của khách hàng mà hiện nay, các nhà mạng khai thác mạng 3G đang có những ưu đãi cho khách hàng bằng cách có những gói cước internet mobile giá rẻ như gói cước Data Eco của S-fone (cước thuê bao chỉ còn 30.000 đồng/tháng, miễn phí 30MB), Mobifone miễn phí gói cước FC2 (tốc độ 7,2Mbps), tính đến hết ngày 30.6.2010. Viettel hiện có gói cước trả trước dành cho máy tính để bàn và máy tính xách tay với giá từ 100 – 120 đồng/MB… Các nhà mạng còn có nhiều gói cước với chi phí khác nhau tuỳ theo nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Những dịch vụ còn lại của mạng 3G như thoại có hình, truy cập camera giao thông, nghe nhạc, xem phim, tivi…, cũng có khách hàng đăng ký sử dụng nhưng số lượng còn rất thấp.
Cước sẽ thấp hơn
Ông Đinh Việt Hưng cho biết Mobifone hiện đang đầu tư xây dựng nhiều dịch vụ nội dung với giá cước thấp hơn để “động viên” người tiêu dùng và sẽ công bố trong quý 2. Mới đây, Vinaphone đưa vào khai thác dịch vụ nội dung có tên là Vlive. Đây là cổng thông tin, nội dung giải trí tổng hợp với các tiện ích: xem tin tức, xem và tải các nội dung giải trí đa phương tiện (nhạc, video clip, nhạc chuông…) thông qua giao diện của một wapsite. Viettel hiện là nhà cung cấp nhiều dịch vụ trên mạng 3G trong số những nhà mạng 3G: có 11 dịch vụ, bao gồm dịch vụ cơ bản và dịch vụ nội dung. Theo ý kiến của nhiều khách hàng, ngoài những dịch vụ cơ bản và nội dung mà các nhà mạng đang cung cấp, cần hướng đến những dịch vụ như thanh toán, tài chính, chứng khoán, thông tin dịch vụ đô thị… vì nhóm khách hàng tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… sẽ có vai trò quyết định doanh thu của các nhà mạng 3G.
Theo tính toán của các nhà mạng, để đầu tư mạng 3G cơ bản, bốn nhà mạng đã có giấy phép chính thức phải chi ra khoảng 40.000 tỉ đồng (giá thời điểm năm 2009). Được biết, Viettel sẽ đầu tư gần 13.000 tỉ đồng cho mạng 3G. Mobifone, Vinaphone và liên danh EVN – Hanoi Telecom, mỗi nhà mạng cũng sẽ chi gần 10.000 tỉ đồng. Đây chỉ là số vốn để xây dựng hạ tầng mạng ban đầu, chưa kể hàng trăm khoản chi khổng lồ dành cho các hoạt động: vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, mở rộng mạng, quản lý, nội dung… Theo ông Cao Mạnh Cường, phó phòng giá cước và tiếp thị của Mobifone, với chỉ số ARPU (doanh thu bình quân của một thuê bao/tháng) thấp nhất hiện nay của mạng 3G là 10 USD, muốn thu hồi vốn đầu tư ban đầu, các nhà mạng 3G phải mất từ 7 – 10 năm với điều kiện đảm bảo duy trì ít nhất 1 triệu thuê bao có doanh thu ổn định. “Con số 1 triệu thuê bao nghe thì nhỏ nhưng trên thực tế, để có được con số trên với doanh thu thường xuyên là chuyện khó”, ông Cường bình luận thêm.
Theo quy định của bộ với các nhà mạng có giấy phép 3G, giá cước dịch vụ 3G chỉ tương đương với các dịch vụ 2G. Các nhà mạng cho rằng, quy định trên có lợi cho người tiêu dùng nhưng sẽ là gánh nặng cho các nhà mạng trong việc đầu tư nội dung cũng như thời gian thu hồi vốn.
(Theo Gia Vinh // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com