CFC giúp các DN ngành xi măng và thép quản lý dòng tiền của mình |
Nhân lực, nguồn vốn và uy tín được coi là ba nguồn lực chiến lược và cũng là những tài sản quan trọng nhất trong hoạt động của Công ty tài chính cổ phần xi măng (CFC). Chính vì vậy trong năm 2010, CFC sẽ tăng cường việc quản trị các nguồn lực để CFC phát triển bền vững và trở thành một định chế tài chính vững mạnh.
Thành lập vào năm 2008 trên cơ sở liên kết giữa Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương, CFC ra đời trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào cuộc khủng hoảng và suy thoái. Tuy nhiên, hết năm 2009, CFC đã đạt được kết quả kinh doanh rất khả quan với tốc độ tăng trưởng năm 2009 gấp đôi so với năm 2008.
Phát huy lợi thế
CFC đang đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các DN ngành xi măng và thép quản lý dòng tiền của mình. Mục đích của CFC là phục vụ cho hoạt động chính của ngành xi măng và thép. CFC thực hiện hoạt động huy động vốn và thực hiện các hoạt động về dịch vụ, trong đó tập trung vào tư vấn cho các đơn vị trong ngành thép và xi măng về tái cấu trúc tài chính, tư vấn về dịch vụ hạn chế rủi ro trong các khoản vay nợ, tư vấn quản lý hoạt động dòng tiền của các doanh nghiệp... ngoài ra, CFC còn tham gia các khoản đầu tư vừa ngắn hạn và trung hạn đối với các hoạt động của ngành. Đó là hoạt động đầu tư trái phiếu, ủy thác quản lý cho các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên các khoản đầu tư này chỉ mang tính ngắn hạn...
Một lợi thế lớn của CFC trong năm 2010 là được Vicem giao quản lý dòng tiền xuất khẩu xi măng của các công ty trực thuộc. Trong khi đó Chính phủ yêu cầu trong năm 2010 phải xuất khẩu được ít nhất 1 triệu tấn xi măng. Đây là một dòng vốn lớn mà CFC quản lý và điều này sẽ tạo thêm sức mạnh cho CFC. Bên cạnh đó, CFC còn tham gia hoạt động khác như xã hội hóa công tác y tế. Thông qua hệ thống các bệnh viện, hỗ trợ, cấp tín dụng nhằm nâng cấp các cơ sở khám và chữa bệnh tại Việt Nam.
CFC đặt chỉ tiêu tổng tài sản dự kiến 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận 130 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ sinh lời ROA, ROE ở mức 2,3% và 17,8% tương ứng. Đây là mức sinh lời khá cao đối với hoạt động của một tổ chức tín dụng trong giai đoạn hiện nay. Kết thúc quý 1/2010, lợi nhuận trước thuế Cty này đạt được là gần 30 tỷ đồng, bằng 41% lợi nhuận cả năm 2009. |
Với những kết quả khả quan, Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2009, phương án tăng vốn điều lệ của CFC trong năm 2010 được thực hiện theo hai giai đoạn: Giai đoạn một tăng vốn điều lệ lên 610 tỷ đồng trong quý 2 và sẽ phát hành 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, 1 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên. Giai đoạn hai tăng lên 1.000 tỷ vào cuối quý 4 năm nay đồng thời huy động vốn thông qua việc phát hành rộng rãi ra công chúng và các nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế. Năm 2010 là năm bản lề trong kế hoạch 3 năm từ nay đến 2013. Do đó chiến lược của CFC xác định rất rõ ràng ý nghĩa của việc tăng cường sức mạnh tài chính và hệ thống quản trị.
Ông Văn Quang Đức - Trưởng phòng TH&KSRR cho biết: “Thành công năm 2009 là do công ty đã sớm đẩy mạnh vấn đề quản trị trong hoạt động kinh doanh. CFC đã xác định con người, nguồn vốn và uy tín của công ty chính là ba nguồn lực chiến lược và cũng là những tài sản quan trọng nhất. Năm 2010, chúng tôi sẽ tăng cường việc quản trị các nguồn lực để CFC trở nên mạnh hơn”.
Phân bổ lại các nguồn lực
Ông Văn Quang Đức cho biết: Trong hoạt động quản lý nguồn vốn năm 2010, CFC sẽ tái cấu trúc và phân bổ hợp lý vốn để nâng cao khả năng thanh khoản. Bên cạnh đó, công ty phải nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực thông qua việc tái cấu trúc hệ thống chức danh, nhiệm vụ, chức năng của các phòng, ban và nhân sự trong công ty như: Tư vấn, Đầu tư, Huy động vốn, Kinh doanh ngoại hối.
Năm 2010, CFC sẽ áp dụng các mô hình quản trị hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm tăng cường hiệu quả công việc. Đối với việc quản lý vốn, năm nay, công ty sẽ triển khai hệ thống Dashboard (báo cáo tổng hợp) nhằm đánh giá và phân tích kết quả hoạt động kinh doanh hàng tháng. Từ những đánh giá và phân tích trên, CFC sẽ có cơ sở để xác định mục tiêu kinh doanh cho tháng kế tiếp. Toàn bộ công đoạn theo dõi và giám sát để kiểm soát rủi ro trong hoạt động kinh doanh sẽ được “đo” và “cảnh báo” qua bộ chỉ số thông minh. Bên cạnh đó, CFC áp dụng hệ thống Balanced Scorecard (lập và quản lý mục tiêu) để quản lí chiến lược của Cty. Đối với hoạt động quản lý nguồn nhân lực, công ty từng bước xây dựng hệ thống KPI để đánh giá kết quả hoạt động của mỗi phòng/ban cũng như các cá nhân. Hệ thống này sẽ giúp mỗi cán bộ nhân viên đang làm việc tại CFC có thể tự lập kế hoạch trong công việc và tự đánh giá kết quả hoạt động.
Với việc tái cấu trúc và phân bổ lại các nguồn lực CFC không chỉ đẩy mạnh hoạt động quản trị nhằm tối ưu hoá lợi nhuận sinh ra từ hoạt động kinh doanh mà còn giảm thiểu rủi ro tài chính, đảm bảo sự phát triển bền vững của Cty và lợi ích của các cổ đông.
(Theo Phan Nam // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com