Sản phẩm của DN VN ngày càng chiếm tỷ trọng lớn tại các siêu thị |
Thời gian qua, trong suy giảm kinh tế, nhiều DN vẫn duy trì được tăng trưởng. Thành quả này xuất phát từ sự chủ động vượt khó của các DN thông qua nhiều giải pháp phù hợp mang tính căn cơ, lâu dài: tái cấu trúc DN, quay về thị trường nội địa, mở rộng đầu tư…
Đây cũng chính là những tiền đề quan trọng giúp DN nhanh chóng tăng tốc và phát triển bền vững khi nền kinh tế phục hồi.
Quay về sân nhà
Lãnh đạo Cty Tín Nghĩa cho biết do doanh thu từ xuất khẩu giảm, Tín Nghĩa đã chuyển hướng kinh doanh vào thị trường nội địa với các mặt hàng nông sản chế biến, phương tiện vận tải, phân bón, sắt thép... Còn Donafoods, đơn vị có doanh số xuất khẩu mỗi năm vài chục triệu USD đã tìm thấy lối thoát là thị trường nội địa trong lúc xuất khẩu gặp khó khăn. Donafoods đã đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm ăn liền theo công nghệ nước ngoài để tiếp cận các siêu thị ở VN và xem đây là định hướng phát triển lâu dài. Nhiều DN chế biến hàng mộc xuất khẩu ở Đồng Nai cũng nhận ra rằng thị trường nội địa cũng rất lớn và đang tìm cách chinh phục khách hàng trong nước.
Tại Hội chợ hàng tiêu dùng Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) năm 2009, nhiều DN đã thu được doanh số bán hàng khá lớn và nhận rõ sức mua của thị trường nội địa là không nhỏ. Ông Dương Công Trường – Giám đốc Cty TNHH May mặc Thăng Long cho biết, hiện Cty này đang thực hiện chương trình xúc tiến bán hàng trong nước để giảm những khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp. Là dòng sản phẩm cao cấp nên cty sẽ tổ chức hệ thống bán lẻ trong nước là các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng lớn.
Tuy nhiên, việc tạo chỗ đứng trên sân nhà là một hành trình khó khăn, đòi hỏi một sự đầu tư dài hơi. Ông Trần Dục Dân - Chủ tịch HĐQT Cty CP giày dép cao su màu, phân tích: "Có vị trí tốt trên thị trường nội địa luôn là mong ước của mọi DN hiện nay. Tuy nhiên, DN VN còn thiếu nhiều điều căn cơ để quay về chiếm lĩnh thị trường nội địa. Đó là những yếu tố: trình độ tiếp thị; khả năng tài chính; hệ thống phân phối tiêu chuẩn...”.
Song, khó không có nghĩa là không làm được, DN muốn thành công trên sân nhà lâu dài, bắt buộc phải chấp nhận đi lên từ cái khó. Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Chính phủ: Trong 7 tháng đầu năm 2009, chính nhờ thị trường nội địa mà chúng ta giữ được mức tăng trưởng kinh tế. Về lâu dài, DN phải suy nghĩ để quay về thị trường nội địa một cách vững chắc. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta bỏ xuất khẩu, vì cả hai hướng đi đều quan trọng. Trong dài hạn, quy mô của thị trường nội địa là vô cùng lớn, vậy nên tốt nhất, DN phải tự định hướng cho mình, nguồn lực nào dành cho xuất khẩu, nguồn lực nào để dành phát triển thị trường nội địa. Dĩ nhiên, không phải cứ khó khăn hay khủng hoảng là DN có thể "cua gấp" về thị trường nội địa mà thành công, quá trình xây dựng này phải lâu dài và vững chắc, hãy cố gắng đi bằng hai chân nếu có thể.
Tái cấu trúc để phát triển bền vững
Với nhiều DN, khủng hoảng lại là cơ hội để “chấn chỉnh” mình, xốc lại hành trang để có thể tiến nhanh, tiến chắc hơn trong tương lai. Nhiều chuyên gia nhận định: những khó khăn đã tạo nên sức ép, và sức ép đã tạo nên cơ hội cho DN thực hiện tái cấu trúc. Tái cấu trúc trong khủng hoảng là cần thiết và hợp lý với nhiều góc độ: đổi mới thiết bị khi giá đang rẻ, sắp xếp lại tổ chức, đào tạo nhân lực, tiếp tục đầu tư... Tái cấu trúc có những nguyên tắc chung và mỗi DN phải có một cách làm riêng dựa trên những khó khăn và thế mạnh của chính mình.
Với Cty TNHH một thành viên xây dựng và sản xuất VLXD Biên Hòa, việc đầu tư gần 60 tỷ đồng cho việc đổi mới máy móc, thiết bị trong năm 2009 là một dự án tái cấu trúc của cty nhằm đủ lực cung ứng sản phẩm và cạnh tranh hiệu quả hơn khi thị trường phục hồi. Còn Cty CP bao bì Sovi thì đối phó với suy thoái kinh tế bằng cách rà soát và cấu trúc lại toàn bộ máy, ở từng bộ phận và phân xưởng theo hướng tinh gọn, đồng thời tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho đội ngũ quản lý. Ông Nguyễn Văn Vũ – Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV động cơ và máy nông nghiệp miền Nam (Vikyno & Vinappro) chia sẻ: “Vikyno và Vinappro vừa sáp nhập và đây là cơ hội để sắp xếp lại mọi việc để có những bước đầu tư mới cho tương lai. Mục tiêu của chúng tôi là năm tới sẽ tăng năng suất gấp ba lần và đa dạng hóa thêm danh mục sản phẩm".
“Vấn đề tái cấu trúc được các DN lớn quan tâm với các nỗ lực về đầu tư máy móc, tu sửa nhà xưởng, sắp xếp lại lao động... Ngoài ra, xu hướng sáp nhập, mua bán lại các DN bị phá sản hoặc các DN nhỏ làm ăn kém hiệu quả cũng đang diễn ra ở ngành chế biến gỗ. Tất cả nhằm để chống chọi với khó khăn và đủ sức cạnh tranh khi kinh tế phục hồi" - Ông Phạm Văn Bân, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến lâm sản Đồng Nai cho biết.
Mở rộng đầu tư
Kinh nghiệm của nhiều DN đứng vững trong khủng hoảng còn cho thấy, việc mạnh dạn mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực mới cũng là một giải pháp khá hay. Ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Cty TNHH Văn hóa Trí Việt cho biết: Để vượt qua khó khăn, Cty Trí Việt đã tập trung vào việc phát triển thương hiệu, đổi mới công nghệ quản lý, thường xuyên cập nhật thị trường để có định hướng kinh doanh lâu dài và tiếp tục vươn ra thị trường mới. Bên cạnh đó, Cty cũng hướng tới việc đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh. Với những bước đi đó, hiệu quả kinh doanh của Cty đã có nhiều dấu hiệu phục hồi. Từ tháng 6 đến nay, doanh thu của Cty đã tăng hơn 10% so với cuối năm 2008 và những tháng đầu năm 2009. Cty hiện đang chuẩn bị triển khai ba dự án lớn vừa kinh doanh văn hóa phẩm, vừa là khu vui chơi giải trí ở ba huyện: Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ với tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng.
Tại BR-VT, dầu khí là một trong số ít ngành vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt. Trong thời gian qua, các cty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí đóng trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư vào những lĩnh vực ngoài ngành và vươn ra nước ngoài. Ngoài những lĩnh vực được xem là thế mạnh trước đây, các cty còn không ngừng đầu tư sang các lĩnh vực mới như: công nghiệp khí, điện, đạm; lọc dầu, hóa dầu; dịch vụ xây lắp, cả trên biển và trong bờ; dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên ngành khoan, địa vật lý; cơ khí, tàu thuyền, vận tải; thương mại, tài chính, bảo hiểm... Năm 2009, một số mỏ dầu mới được phát hiện ở trong và ngoài thềm lục địa VN; các cty dầu khí đã ký được nhiều hợp đồng lớn có giá trị kinh tế cao.
Ông Trần Hồi - Phó Tổng Giám đốc XNLD Vietsovpetro cho biết, XNLD Vietsovpetro đã không ngừng gia tăng các hoạt động tìm kiếm, thăm dò; duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, chế biến dầu khí bằng việc chuẩn bị và đưa nhanh các mỏ mới phát hiện vào khai thác; áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ mới vào hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác để đạt hiệu quả, hệ số thu hồi dầu khí cao nhưng chi phí thấp. Trong khó khăn, XNLD Vietsovpetro vẫn giữ được mức tăng trưởng, đóng góp 55% sản lượng khai thác dầu khí toàn ngành. Trong thời gian tới, XNLD Vietsovpetro sẽ đưa hàng loạt mỏ mới vào khai thác như Đông Rồng, Đông Bắc Bạch Hổ; “Nam Rồng-Đồi Mồi...”. Việc phát hiện dầu khí tại mỏ Thiên Ưng thuộc lô 04-3 trên thềm lục địa VN; trúng thầu lô 04-1 trên bể Nam Côn Sơn đang mở ra triển vọng mới cho XNLD Vietsovpetro.
Như vậy, khủng hoảng là thách thức nhưng vẫn là cơ hội để DN khẳng định bản lĩnh nếu có nhận định đúng đắn và kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp với đặc điểm của DN mình. Đây cũng chính là cơ hội để các DN bứt phá vượt lên và rèn luyện bản lĩnh để có thể hội nhập một cách tốt hơn.
(Theo Kim Huệ // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com