Nếu không thống nhất được tiêu chí chung cho các thủ tục hành chính, thì những băn khoăn về cơ chế phản hồi thông tin vẫn sẽ vẫn tồn tại.
Cánh cửa để DN kiến nghị xem xét, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết chưa thực sự rộng mở |
Trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp (DN) phàn nàn phải dành tới 29,1% quỹ thời gian để xử lý các công việc liên quan tới thủ tục hành chính, thậm chí lên tới 40% với các DN quy mô lớn hơn, hoặc các DN hoạt động tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội hay TP.HCM, thì quan chức các cơ quan hành chính cũng băn khoăn không ít về thời gian dành cho việc ký duyệt các văn bản liên quan đến những thủ tục này.
Điều đáng nói là, theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương, tính cần thiết và hợp lý của không ít thủ tục trên cũng không thuyết phục được cả những quan chức có trách nhiệm. “Bản thân tôi cũng không muốn tiếp tục ký giấy phép xuất khẩu phân bón có nguồn gốc nhập khẩu. Bộ Công thương đang có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến về việc bãi bỏ giấy phép này.
Nếu được ủng hộ, chúng tôi sẽ đề nghị bỏ giấy phép xuất khẩu phân bón có nguồn gốc nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN”, ông Biên nói và cho biết, một số thủ tục hành chính (như thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo) cũng đang được Bộ nghiên cứu, xem xét và đề nghị bãi bỏ.
Rõ ràng, áp lực của thủ tục hành chính không đơn thuần đổ lên vai DN, những đối tượng thực hiện, mà ngay cả những cơ quan hành chính ra quyết định cũng không mặn mà. Tuy nhiên, mấu chốt để giải toả các vướng mắc này, cho đến nay, vẫn được cho là chưa rõ ràng.
TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu không thống nhất được tiêu chí chung cho các thủ tục hành chính, không giải đáp được câu hỏi thế nào là thủ tục hành chính hợp lý, hợp pháp, thì những băn khoăn kiểu như trên vẫn sẽ vẫn tồn tại.
Điều đáng nói là, thiếu tiêu chí xác định trên sẽ khiến cơ hội phát sinh thêm các thủ tục mới lớn không kém nỗ lực gỡ bỏ đi những rào cản hiện tại mà Đề án Cải cách thủ tục hành chính đang ráo riết thực hiện với chỉ tiêu cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. “Với hàng nghìn văn bản được ban hành mỗi ngày, nếu không có tiêu chí kiểm soát, sẽ có nhiều thủ tục không cần thiết mới thế chỗ cho những thủ tục không cần thiết bị bãi bỏ”, ông Cung lo ngại.
Đặc biệt, trao đổi tại Hội thảo Cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty Traphaco cũng thẳng thắn cho rằng, cánh cửa để DN kiến nghị xem xét, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết chưa thực sự rộng mở.
Ngay cả với cơ chế lấy ý kiến từ cộng đồng DN mà Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đưa ra, nhiều DN cũng lo ngại không rõ khả năng các ý kiến đề xuất được tiếp thu thế nào, xử lý ra sao... khi cơ chế phản hồi thông tin chưa được rõ ràng, chưa trở thành thông lệ trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Cũng đã có lo ngại về việc xử lý các bằng chứng cụ thể về thủ tục hành chính gây cản trở cho hoạt động DN sẽ như thế nào, có ảnh hưởng tới hoạt động của DN hay không...
Có lẽ, đây là lý do mà một kiến nghị của Công ty Thép Việt về xem xét lại nguồn gốc xuất xứ hàng hoá từ Hồng Kông không được hưởng ưu đãi xuất xứ theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, phải lặp đi lặp lại, trong khi nội dung này nằm trong thoả thuận của các bên tham gia ký kết. Giả thuyết rằng, khi DN thắc mắc và nhận được ngay hồi âm, bức xúc của DN về thủ tục hành chính sẽ không có cơ hội nảy sinh.
Theo kế hoạch của Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, từ nay đến ngày 31/5/2010, Tổ sẽ rà soát tổng hợp kết quả rà soát của các tổ chức, đơn vị, cá nhân... về 261 thủ tục hành chính trong 18 lĩnh vực đã được công bố để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Khoảng thời gian không phải là dài, song cũng còn đủ để các cơ chế tiếp nhận và xử lý kiến nghị của DN trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính chung được công bố công khai.
(Theo Khánh An // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com