Ảnh: Lê Toàn. |
Năm 2010, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan. Họ đang có những kế hoạch để khai thác những cơ hội lớn hơn tại thị trường tiềm năng này trong thời gian tới.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra vào giữa năm nay, Việt Nam cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Uganda, Philippines và Nam Phi có sự phát triển kinh tế ấn tượng nhất trong nhóm các nước đang phát triển. Trong đó, về bảng xếp hạng logistics (LPI), Việt Nam xếp thứ 53 trong tổng số 155 nền kinh tế. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang dần cải thiện một cách toàn diện việc phát triển hệ thống logistics, bao gồm kho vận, giao nhận, vận chuyển và phân phối.
Tại một cuộc hội thảo bàn hướng phát triển cho ngành logistics Việt Nam trong thời kì hội nhập được tổ chức tại TPHCM trong tháng 12, đại diện Bộ Công Thương cho biết trong số khoảng 900 công ty khai thác các dịch vụ liên quan đến logistics, chỉ có gần 20% doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với các công ty trong nước để khai thác các dịch vụ này. Tuy nhiên, các liên doanh này lại chiếm thị phần khoảng 80%. Đặc biệt, kể từ năm 2014, các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam sẽ được phép mở công ty 100% vốn nước ngoài theo cam kết gia nhập WTO. Lúc đó thị trường sẽ đông đúc và phát triển hơn.
Kết quả khả quan
Theo các công ty logistics, tuy thị trường logistics Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của việc phát triển, nhưng so với các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, đây là thị trường có sự tăng trưởng nhanh về kinh tế, đặc biệt là sản xuất và bán lẻ - những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của ngành logistics.
Năng lực logistics của Việt Nam Đến năm 2015, Việt Nam sẽ nâng gấp đôi năng lực xếp dỡ hàng hóa so với hiện tại (khoảng 250 triệu tấn/năm) (theo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam ngày 24-12-2009). Dịch vụ logistics ở Việt Nam chiếm 15-20% GDP (khoảng 12 tỉ đô la Mỹ). Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất của logistics là vận tải, chiếm từ 40-60% chi phí, thì cũng đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý vô cùng thuận lợi để phát triển ngành logistics với trên 17.000 ki lô mét đường bộ, hơn 3.200 ki lô mét đường sắt, 42.000 ki lô mét đường thủy, 266 cảng biển, 20 sân bay và hàng trăm cửa khẩu quốc tế, quốc gia lớn nhỏ nằm dọc theo chiều dài đất nước. (Nguồn: Tổng hợp từ trang web của Bộ Công Thương) |
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết nhờ các hiệp định thương mại tự do (AFTA) giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và New Zealand có hiệu lực từ đầu năm nay, cộng với sự phục hồi nhẹ của kinh tế toàn cầu, việc kinh doanh trong năm nay có sự phát triển mạnh, đạt mức tăng trưởng hai con số.
Gần 18 năm sau khi mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, hãng Schenker chuyên về logistics của Đức đã thành lập liên doanh với một công ty kho vận trong nước là Gemadept vào năm 2009 để khai thác các cơ hội logistics ở Việt Nam. Cùng thời điểm đó, liên doanh này đã mở Trung tâm Logistics Sóng Thần rộng 10.000 mét vuông tại khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương, dùng để chứa, vận chuyển và phân phối hàng hóa. Đến nay, liên doanh này có tổng cộng bốn kho chứa với diện tích 20.000 mét vuông.Ông Arjan Dominicus, Phó tổng giám đốc Schenker Gemadept Logistics Việt Nam, cho biết trong năm 2010 công ty đã đầu tư vào các thiết bị vận chuyển container, phân phối, chứa hàng cho các khách hàng lớn và thông qua thủ tục hải quan điện tử. “Những hoạt động trên giúp chúng tôi đạt mức tăng trưởng 40% về doanh thu so với năm ngoái”, ông nói.
Ông Narin Phol, Giám đốc của Damco tại Việt Nam và Campuchia, cho biết 2010 là năm kinh doanh khá thành công của công ty. “Chúng tôi có sự tăng trưởng ở tất cả các ngành kinh doanh, từ giao nhận xuất nhập khẩu cho đến chứa hàng và phân phối với mức tăng trưởng 20% về doanh thu”, ông nói.Nói về sự phát triển, ông Hardy Diec, Tổng giám đốc TNT Việt Nam - lập liên doanh với các đối tác trong nước cách đây 12 năm, cho biết trong hai năm gần đây công ty có những bước phát triển mạnh ở Việt Nam. Sau khi đầu tư hai trung tâm kho vận ở TPHCM và Hà Nội, công ty đã đầu tư thêm 1,5 triệu đô la Mỹ xây trung tâm kho vận thứ hai ở Hà Nội. Công ty cũng vừa đưa vào khai thác lĩnh vực thương mại bằng đường hàng không giữa Việt Nam và các nước châu Âu cũng như Trung Quốc. Đầu tư kho bãi để đón đầu Để tiếp tục phát triển trong năm 2011 và những năm sắp tới, các doanh nghiệp cho rằng đầu tư và mở rộng hệ thống kho bãi là điều tiên quyết. Ông Narin Phol cho biết: “Damco đang vận hành bảy kho bãi rộng 10.000 mét vuông trên cả nước. Chúng tôi đã đầu tư thêm một trung tâm kho vận tổng hợp rộng 26.000 mét vuông tại Tân Vạn, Đồng Nai, và sẽ đưa vào hoạt động đầu năm sau”.Công ty Agility Logistics có 15 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam. Hiện công ty chỉ có sáu kho bãi với diện tích 3.000 mét vuông, một nửa trong số đó phục vụ khách hàng trong nước. Tuy nhiên, theo ông Mike Gildea, Tổng giám đốc Agility Logistics khu vực Đông Nam Á, trong năm tới công ty sẽ xây thêm kho bãi tại Việt Nam để khai thác cơ hội vận chuyển xuất, nhập khẩu tại đây. Công ty UPS Việt Nam là một liên doanh giữa Công ty Logistics UPS và đối tác kho vận trong nước là P & T Express, được thành lập trong tháng 5 năm nay. Sau khi thành lập, công ty đã đầu tư liền một lúc hai trung tâm kho vận tại TPHCM và Hà Nội, sau đó mở rộng kinh doanh ra các tỉnh, thành khác. Đại diện UPS Việt Nam cho biết công ty đang đón đầu những cơ hội đến từ thị trường trong và ngoài nước những năm sắp tới. Lý giải hiện tượng doanh nghiệp kinh doanh logistics đua nhau mở thêm kho bãi, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng đó là do dự báo trong những năm tới nhiều doanh nghiệp quốc tế sẽ vào khi Việt Nam mở cửa thị trường rộng hơn theo cam kết gia nhập WTO. Bên cạnh đó, hiện đang có một trào lưu muốn có một bản sao về logistics, hay nhỏ hơn là phân phối và kho vận, tại thị trường Việt Nam sau khi đã mở tại các nước khác của doanh nghiệp trong ngành.Dẫn chứng cho điều này, ông Arjan Dominicus ở Schenker Gemadept Logistics Việt Nam, cho biết giống như cách làm của công ty ở các nước, sang năm công ty sẽ tăng gấp đôi diện tích Trung tâm Logistics Sóng Thần từ 10.000 mét vuông hiện nay. Hiện công ty đang khai thác 60% công suất của trung tâm này. Công ty cũng lên kế hoạch mở rộng hệ thống kho vận và phân phối tại miền Nam, miền Bắc và miền Trung. Nút thắt nguồn nhân lực Để phục vụ kế hoạch phát triển, ngoài việc mở rộng các trung tâm kho vận, thì phát triển nguồn nhân lực đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Các doanh nghiệp này cho rằng nguồn nhân lực hiểu biết quy trình logistics một cách chuyên nghiệp hiện rất thiếu và yếu, buộc họ phải cất công đào tạo. Ngoài luật pháp Việt Nam, các công ty logistics nhất thiết phải am hiểu sâu sắc và vận dụng hiệu quả luật pháp, tập quán thương mại quốc tế. Với trình độ nguồn nhân lực và điều kiện phát triển như hiện nay, có thể nói đây vẫn là khó khăn lớn cho ngành logistics Việt Nam. Theo ông Mike Gildea ở Công ty Agility Logistics, nếu không có người đủ năng lực thì mọi mục đích của công ty về vận chuyển, kho vận hay các giải pháp cung ứng sẽ phá sản. “Chúng tôi đang thực hiện việc đào tạo cho tất cả nhân viên thuộc các bộ phận tại Việt Nam”, ông nói. Trong khi đó, ông Narin Phol ở Damco cho biết thách thức chính hiện nay của công ty là nguồn nhân lực, bên cạnh cơ sở hạ tầng và thủ tục. Hiện công ty có 400 nhân viên. Tuy nhiên việc đào tạo kiến thức về logistics cho họ là một trở ngại không nhỏ và công ty đang cố gắng giải quyết. Những doanh nghiệp này cũng dự đoán trong tương lai không xa dịch vụ logistics sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, có thể đóng góp tới 15% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Hơn nữa, sự phát triển của dịch vụ logistics còn tác động trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế. Theo Tiến sĩ Cao Ngọc Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thương mại quốc tế giữa Việt Nam và thế giới đã có những phát triển mạnh mẽ. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển ngành vận tải biển của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển cần theo hướng hiện đại, với chất lượng ngày càng cao, chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, tăng sức cạnh tranh của ngành vận tải biển Việt Nam để có thể chủ động hội nhập và mở rộng ra thị trường thế giới.Hàng không, biển hay đất liền?
Theo giới doanh nghiệp ngành logistics, do cơ sở hạ tầng đường bộ ở Việt Nam còn yếu kém nên doanh nghiệp chủ yếu khai thác dịch vụ bằng đường hàng không và đường biển. Các trục đường bộ không được thiết kế đúng tiêu chuẩn để có thể kết hợp tốt các phương thức vận tải. Chẳng hạn, các quốc lộ chỉ được thiết kế cho xe có tải trọng không quá 30 tấn lưu thông, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế, trọng lượng một container 40 feet đầy hàng đã lên đến 34,5 tấn.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com