![]() |
Tiến sỹ Hoàng Xuân Bình tại buổi giới thiệu “Hội chợ xúc tiến Thương mại và Đầu tư Quốc tế IFIT 2010 |
Trong quá trình hội nhập kinh tế, vai trò của nền kinh tế tri thức ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của mỗi quốc gia. Nền kinh tế tri thức không chỉ dựa trên những phát minh, sáng chế, ý tưởng sáng tạo, mà còn bao gồm những quy trình tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, cũng như xây dựng thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia.
Khi đó, giá trị sản phẩm phụ thuộc vào chuỗi các yếu tố như ý tưởng, công nghệ, vật liệu, quy trình, nhân lực, phân phối, chính sách khách hàng, thương hiệu. Như vậy, sẽ khó có được thương hiệu mạnh nếu thiếu sự liên kết của từng phân khúc, từng doanh nghiệp trong chuỗi giá trị đó.
Ở mối liên kết này, yếu tố quan trọng là xác định chiến lược phát triển phù hợp để phát huy thế mạnh, tiềm năng, tránh sự trùng lắp, lãng phí, thậm chí là triệt tiêu lẫn nhau. Đối với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, sự liên kết cần phải cân nhắc trong mối quan hệ giữa đầu tư nội địa với thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các kế hoạch mở rộng thị trường, giao thương. Các bước đi cẩn trọng và phù hợp sẽ tạo nên thành công trong hội nhập kinh tế.
Với các doanh nghiệp Việt Nam vốn khá hạn hẹp về kinh phí, nguồn lực và kinh nghiệm trong thương mại-đầu tư quốc tế, nhu cầu về xúc tiến đầu tư, thương mại với thị trường bên ngoài thực sự là một hướng đi tốt. Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động này còn khá giới hạn.
Lý do là sự thiếu kinh nghiệm về thị trường, văn hoá kinh doanh, văn hóa truyền thống, ngôn ngữ các nước cũng như năng lực, kinh nghiệm của chính người thực hiện. Việc đi ra ngoài nhiều khi vừa tốn kém, lại không hiệu quả như mong muốn. Ở đây, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam trong nước và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài có lẽ là một giải pháp dung hoà. Có thể các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư quốc tế được thực hiện ngay tại thị trường nội địa, trong mối liên kết chặt chẽ với cá doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Cơ hội cùng doanh nhân Việt kiều
Việt Nam có khoảng 4 triệu người đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài. Hàng năm, lượng kiều hối gửi về nước khoảng 7-8 triệu USD và đang có xu hướng tăng cùng mong muốn đầu tư, trở về gắn bó với quê hương của kiều bào.
Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo kiều bào với mối quan tâm “Làm thế nào để phát huy hơn nữa tiềm năng của Kiều bào hướng về Tổ quốc và giúp Việt Nam vươn ra thế giới?” .
Chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư quốc tế tại thị trường nội địa với sự tham gia của các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài thực chất là sự gắn kết những thế mạnh của các doanh nghiệp Việt kiều ở nước ngoài trong kế hoạch xuất khẩu hàng hoá, thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài một cách bài bản, chuyên nghiệp với chi phí hợp lý và tính khả thi cao.
Trước mắt, chương trình có thể bắt đầu từ những hoạt động đơn giản như tạo môi trường giao lưu, cung cấp, trao đổi thông tin, tổ chức hội chợ, hội thảo, giao lưu doanh nghiệp. Tiếp theo kết nối doanh nghiêp, giúp doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, phát triển đại lý, quảng bá thương hiệu, nhượng quyền thương mại ra nước ngoài…
Các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài có thể giúp các doanh nghiệp trong nước tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm công nghệ, vật tư, thành lập các phòng trưng bày sản phẩm, đại diện tham gia hội chợ chung cho nhiều doanh nghiệp trong nước, nhập khẩu hàng hóa, xây dựng đại lý, thực hiện nhượng quyền thương mại, đầu tư về nước.
Khi đó, mỗi người Việt Nam ở nước ngoài là người tiếp thị, quảng bá thương hiệu Việt Nam, tích cực tham gia cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi về nước hay ở nước ngoài, góp phần tài trợ cho những dự án xã hội tại chính quê hương mình.
Hội chợ IFIT 2010 Mỹ Đình (Hà Nội)
Được sự bảo trợ của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội, Ban truyền hình đối ngoại – Đài truyền hình Việt Nam VTV4 , InfoTV, tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, Hội chợ xúc tiến Thương mại và Đầu tư Quốc tế lần thứ I - IFIT 2010 Mỹ Đình (Hà Nội) (1st International Fair for Investment & Trade) do các doanh nhân trí thức người Việt Nam nước ngoài khởi xướng, sẽ tổ chức tại Quảng trường chính Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình từ ngày 5/02 đến 7/02/2010.
Đây chính là môi trường giao lưu giữa các yếu tố nước ngoài tại Việt Nam với các doanh nghiệp Việt Nam, các đơn vị xúc tiến thương mại và đầu tư trong nước, kết hợp với các hoạt động xã hội liên quan đến kiều bào.
Sự khác biệt của IFIT với các hội chợ khác chính là hội chợ của giao lưu, hợp tác các doanh nghiêp, có sự tham gia của các đơn vị xúc tiến thương mại, hiệp hội doanh nghiệp, làng nghề, các tổ chức quốc tế, cơ quan sứ quán các nước tại Việt Nam. Mục đích bán hàng không phải là ưu tiên của IFIT.
Lấy yếu tố kiều bào, các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài làm trọng tâm, đơn vị tổ chức Hội chợ đã miễn phí gian hàng cho tất cả các đơn vị xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố, các tổ chức xã hội, hiệp hội, tổ chức quốc tế, sứ quán nước ngoài tại Việt Nam để các địa phương, tổ chức trực tiếp giới thiệu các chính sách, dự án kêu gọi đầu tư tới Kiều bào, với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Với quy mô khoảng 500 gian hàng dưới mái tiêu chuẩn châu Âu, Hội chợ có nhiều biện pháp hỗ trợ cho các đơn vị không trực tiếp đến tham gia như giới thiệu thông tin trên các bảng thông tin, trong Catalog điện tử (E-Catalog), xây dựng trang Websie cho đơn vị tham gia cùng các chương trình kết nối, hỗ trợ trong và sau Hội chợ (xem trong trang websie www.ifit.vn).
Tiến sỹ Hoàng Xuân Bình, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội doanh nghiệp người Việt Nam tại Ba Lan. Ông là sáng lập và lãnh đạo các Trung tâm thương mại ASG, ASEANPL, ASEANEU tại Ba Lan. Ông là thành viên Câu lạc bộ trí thức Việt kiều TP.HCM. |
(Theo Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com