Các nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh mà BIC triển khai bao gồm: bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh bảo hành.
"Về mặt bản chất, sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh của công ty bảo hiểm cũng tương tự như sản phẩm bảo lãnh của các ngân hàng. Tuy nhiên, lợi thế của khách hàng khi làm việc với các công ty bảo hiểm là quy trình bảo hiểm bảo lãnh nhanh hơn, mức ký quỹ và tài sản đảm bảo thấp hơn so với yêu cầu của ngân hàng," ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc BIC cho biết.
Trong ngành bảo hiểm, đây là nghiệp vụ tương đối mới, khác với sản phẩm bảo hiểm thông thường. Hợp đồng bảo hiểm bảo lãnh là hợp đồng cam kết giữa ba bên: bên được bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh và công ty bảo hiểm.
Theo hợp đồng, công ty bảo hiểm không bảo hiểm cho các rủi ro bất ngờ, không lường trước được, mà bảo hiểm cho các rủi ro trong giao dịch thương mại giữa bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh.
Yêu cầu bồi thường sẽ xảy ra khi bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ/trách nhiệm đã cam kết với bên nhận bảo lãnh. Khi đó, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường cho bên nhận bảo lãnh đối với những tổn thất xảy ra do bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ/trách nhiệm với bên nhận bảo lãnh.
Hiện nay trên thị trường, các doanh nghiệp mới chỉ quen với hình thức bảo lãnh ngân hàng do có sự tin tưởng vào tiềm lực tài chính của các ngân hàng, hoặc do mối quan hệ về vốn giữa các ngân hàng và các doanh nghiệp./.