Công ty CP Dụng cụ cơ khí xuất khẩu (DCCKXK), tiền thân là Nhà máy Y cụ 1, được thành lập năm 1960 với nhiệm vụ sản xuất dụng cụ y tế; năm 1985 đổi tên thành Nhà máy Dụng cụ cơ khí xuất khẩu, sản xuất dụng cụ cầm tay xuất khẩu sang thị trường Đông Âu.
Năm 2001, Công ty chuyển đổi từ DN nhà nước sang Công ty CP 100% vốn là của người lao động. Hiện nay, 85% sản phẩm của Công ty là phụ tùng xe máy, ô tô, 15% là đồ cơ khí, đồ gia dụng bằng inox xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản. Công ty là một trong 41 DN có sản phẩm chủ lực được UBND TP Hà Nội công nhận và được nhận giải thưởng "Thương hiệu kinh tế đối ngoại uy tín" năm 2009.
Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty CP Dụng cụ cơ khí xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Hà
Từ năm 1980, DCCKXK đã nổi tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu, là một trong những đơn vị xuất khẩu lớn nhất của Bộ Cơ khí: Luyện kim cũ, hằng năm đem về hàng chục triệu rúp. Nhưng mãi tới năm 1996, khi các DN nước ngoài lắp ráp xe máy tại Việt Nam, Công ty mới bắt đầu sản xuất dụng cụ, phụ tùng, linh kiện xe máy. Từ chỗ chỉ cung cấp một vài loại, đến nay DCCKXK đã sản xuất và cung cấp trên 400 chủng loại dụng cụ, phụ tùng, linh kiện xe máy, ô tô cho các khách hàng có tiếng trên thế giới như: HVN, Yamaha, Suzuki, VMEP, Piazzo, Toyota, Ford… với những loại chi tiết linh kiện phức tạp có độ chính xác cao để lắp trong các bộ phận quan trọng của xe máy.
Công ty có những bước tiến vượt bậc kể từ khi cổ phần hóa, bởi đây chính là thời điểm DN có cơ hội tổ chức, sắp xếp lại lao động, thực hiện các biện pháp quản lý đi đôi với đầu tư bổ sung thiết bị công nghệ tiên tiến, chỉnh trang mặt bằng, dây chuyền sản xuất theo hướng chuyên môn hóa và tự động hóa, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tạo được lòng tin của khách hàng. Nếu như năm 2001 là năm đầu tiên cổ phần hóa, doanh thu của Công ty chỉ đạt 43,2 tỷ đồng thì đến năm 2008 đạt 260 tỷ đồng; năm 2009 là 280 tỷ đồng; tám tháng đầu năm 2010 đã đạt 247 tỷ đồng và dự kiến cả năm là 320 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 8 năm qua là 28%/năm. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2010 đạt 830.000 USD và dự kiến cả năm đạt 1,2 triệu USD, tăng 320%.
Để đạt được những kết quả trên, tập thể CBCNV Công ty đã không ngừng phấn đấu vươn lên cùng với sự hỗ trợ không nhỏ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong việc cải tiến quản lý sản xuất, đổi mới tư duy làm việc, xây dựng tác phong công nghiệp, từng bước khẳng định vị trí và đi sâu vào chuỗi sản xuất của các hãng nổi tiếng trên thế giới. Công ty là DN đầu tiên của Việt Nam được tiếp cận với các DN FDI để thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và đã xây dựng được thương hiệu.
Ông Hồ Viết Tâm, Giám đốc Công ty cho biết, những ngày đầu làm việc với DN Nhật Bản, Công ty đã gặp không ít khó khăn về năng lực thiết bị, trình độ công nghiệp, về kỹ thuật và quản lý. Không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm, Công ty phải đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ, đồng thời từng bước đầu tư bổ sung thiết bị cần thiết để sản xuất sản phẩm bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của khách hàng, như máy phay CNC, máy cắt dây, máy tiện tự động, máy điện xoay cho chế tạo khuôn mẫu; các loại máy dập nóng, lò nung phôi truy tần bằng điện thay cho lò thủy, dây chuyền công nghệ liên hoàn dập, uốn, cắt biên nóng để nâng cao năng lực tạo phôi và tiết kiệm năng lượng… Với việc đầu tư 3 dây chuyền mạ tự động và bán tự động, đến nay, phân xưởng mạ của DCCKXK đã trở thành phân xưởng mạ hiện đại nhất trong Khu công nghiệp Quang Minh. Những tồn tại, yếu kém dần được khắc phục, thay vào đó, Công ty tạo được vị trí vững chắc trong các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng xe máy, ô tô cho các DN lớn của nước ngoài.
Những năm gần đây, Công ty dần tiếp cận với việc sản xuất chi tiết phụ trợ của ô tô để cung cấp cho các hãng Honda, Toyota, Vinastar, Ford, như: bộ đồ nghề dụng cụ, tay quay kích, bộ khóa cửa ô tô, Clê tháo bánh xe… với chất lượng tương đương nhập khẩu. Để đón đầu sản xuất phụ tùng ô tô, Công ty đang đầu tư 2 máy dập lớn công suất 300 tấn và 1.000 tấn; 2 máy uốn dây 3 chiều tự động; máy thúc ngang nhiều bước tự động, máy hàn robot, máy cắt dây tự động…
Đối với một ngành cơ khí của nền kinh tế mỗi năm phải nhập 18 tỷ USD, con số 1,2 triệu USD năm nay về kim ngạch xuất khẩu của Công ty CP DCCKXK là hết sức có ý nghĩa, góp phần giảm nhập siêu.