Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cuộc “viễn chinh” của Viettel

Mạng Metfone của Viettel đã mang đên cho người dân đất nước Chùa Tháp, nhất là người có thu nhập thấp, nhiều sự lựa chọn phù hợp

Mạng Metfone của Viettel đã mang đên cho người dân đất nước Chùa Tháp, nhất là người có thu nhập thấp, nhiều sự lựa chọn phù hợp

Giữa tháng 2/2009, tại Phnôm Pênh (Campuchia), Tổng công ty Viễn thông quân đội – Viettel đã chính thức khai trương mạng di động Metfone. Đây là mạng viễn thông đầu tiên của một doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.


Vào thời điểm đầu năm 2006, khi Viettel quyết định đầu tư ra nước ngoài, trong khi các hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong nước của Viettel cũng còn rất nhiều việc phải làm, nếu không nói là gặp nhiều khó khăn, nhiều người đã nêu câu hỏi: Tại sao Viettel làm như vậy?


Chuyện ở Campuchia


Câu trả lời của ban lãnh đạo Viettel là muốn trưởng thành, phải tự đặt ra những thách thức và vượt qua. Lúc đó, Việt Nam đang trên đường đàm phán và nhiều khả năng sẽ gia nhập WTO trong thời gian ngắn (và thực tế đã chứng minh đúng như vậy). Như vậy, trước sau gì thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải kinh doanh trong một môi trường quốc tế. Do đó, việc Viettel sớm đầu tư ra nước ngoài là tự tạo ra cơ hội để cọ sát, đúc rút kinh nghiệm để tự hoàn thiện mọi mặt, tăng cường sức cạnh tranh của tổ chức, sẵn sàng cho một “cuộc chiến” toàn cầu ngay trên sân nhà ở lĩnh vực viễn thông sẽ diễn ra trong một tương lai không xa. Tháng 5/2006, Viettel đầu tư 100% vốn thành lập Viettel Cambodia. Đây là dự án đầu tư ra nước đầu tiên của Viettel.
 

Metfone hiện là mạng di động lớn thứ 4 và Viettel đang có tham vọng sẽ vươn lên số 1 ở thị trường Campuchia

Cũng giống như khi bắt đầu gia nhập thị trường viễn thông ở Việt Nam, dịch vụ đầu tiên mà Viettel lựa chọn khi đầu tư vào Campuchia là dịch vụ VoIP, đây là dịch vụ vẫn còn độc quyền ở đất nước này (do đó khi Viettel đầu tư vào sẽ nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ Campuchia). Hơn nữa, đây là dịch vụ ít phải đầu tư cơ sở hạ tầng nhất và khả năng thu lời cũng cao nhất. Sau đúng 2 tháng nhận được giấy phép (ngày 10/8/2006, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho phép Viettel thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ VoIP tại Campuchia), Viettel đã chiếm tới gần 20% thị trường điện thoại quốc tế tại Campuchia, một thị trường có tới gần 10 giấy phép VoIP. Trên cơ sở những kinh nghiệm từ khi triển khai dịch vụ VoIP, Viettel lại tiếp tục nghiên cứu thị trường và quyết định sẽ đầu tư thêm hai dịch vụ nữa là di động (sử dụng công nghệ GSM) và Internet. Và đến ngày 29/11/2006, Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia đã cấp phép cho Viettel cung cấp dịch vụ di động trong thời hạn 30 năm và cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) và dịch vụ truy nhập Internet (ISP) trong thời hạn 35 năm.


Đến tháng 2/2009, sau hơn 1 năm xây dựng, mạng di động Metfone (đầu tư khoảng 30 triệu USD) của Viettel Cambodia chính thức được khai trương. Khi đó, Viettel đã phát triển trên 1.000 trạm thu phát sóng di động (BTS) và triển khai gần 5.000 km cáp quang, phủ khắp các quốc lộ, các tỉnh, thành, trung tâm huyện, vươn ra cả vùng biên giới, vùng sâu vùng xa của đất nước này. Hiện nay, Viettel là doanh nghiệp đứng đầu về mạng truyền dẫn quang tại thị trường Campuchia. Trong năm 2009, Metfone sẽ tiếp tục được mở rộng lên 3.000 trạm BTS với 10.000 km cáp quang cùng các thiết bị đồng bộ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Với giá cước thấp hơn 25% so với giá hiện hành ở Campuchia, nhiều gói cước đa dạng, cũng như hệ thống cửa hàng đại lý rộng khắp, mạng Metfone của Viettel đã mang đến cho người dân đất nước Chùa Tháp nhiều sự lựa chọn phù hợp, nhất là người có thu nhập thấp. Chỉ sau 3 tháng cung cấp thử nghiệm, Metfone đã có được 500.000 khách hàng. Cùng với việc khai trương mạng di động, Metfone chính thức công bố tài trợ dịch vụ Internet miễn phí tới các trường học ở Campuchia. Dự kiến trong 5 năm tới, Metfone sẽ cung cấp dịch vụ Internet miễn phí cho 1.000 trường học trên đất nước này với tổng giá trị dịch vụ tương đương 5 triệu USD. Metfone hiện là mạng di động thứ 4 ở thị trường Campuchia và Viettel đang có tham vọng sẽ vươn lên số 1.


Tiếp tục đi xa


Cùng với lĩnh vực viễn thông, vào cuối năm 2007, Viettel có quyết định sẽ góp vốn với tư cách cổ đông sáng lập Ngân hàng Cổ phần Việt Nam - Campuchia và Công ty cổ phần EVN - Campuchia. Theo đó, Viettel tham gia góp 1,2 triệu USD để cùng với một số ngân hàng và tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và Campuchia thành lập Ngân hàng Cổ phần Việt Nam - Campuchia. Số tiền đóng góp của Viettel tương đương 8% vốn điều lệ của ngân hàng này. Đây là ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập với mục tiêu đầu tiên cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các tập đoàn kinh tế của Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại đất nước Chùa tháp. Hiện có khoảng hơn 50 doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang hoạt động tại đây. Đối với dự án thành lập Công ty cổ phần EVN - Campuchia có lĩnh vực hoạt động chủ yếu là đầu tư xây dựng hệ thống thủy điện trên lưu vực sông Mê kông, Viettel tham gia góp 120 tỷ đồng (tương đương 5% vốn điều lệ).


Ngay tại thời điểm mới đầu tư vào thị trường Campuchia, Phó Tổng Giám đốc Viettet Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: "Không dừng lại ở Campuchia mà tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Những thị trường được Viettel nhắm đến là Lào, Thái Lan, Myanmar và xa hơn nữa là Cuba". Đầu năm 2008, Công ty liên doanh Star Telecom giữa Viettel (49% vốn) và Lao Asia Telecom đã chính thức đi vào hoạt động. Dự kiến sẽ nhanh chóng cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông tại đất nước Triệu Voi ngay trong năm đầu hoạt động. Cũng vào đầu năm 2009, Viettel cho biết đã hoàn tất thủ tục mở văn phòng đại diện tại Myanmar để chuẩn bị cho việc cung cấp dịch vụ viễn thông tại thị trường này. Ở Thái Lan, Viettel đang xúc tiến việc cung cấp 1 luồng băng thông trên đất liền, vì Thái Lan mới chỉ có tuyến cáp quang biển, chứ chưa có cáp quang đất liền.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc Viettel quyết định đầu tư ra nước ngoài xuất phát từ triết lý và tầm nhìn của Viettel. Bởi nếu một doanh nghiệp thiếu đi sự tăng trưởng thì rất nguy hiểm, và thiếu đi cơ hội cho mọi người phấn đấu. Vì vậy, Viettel cần sự tăng trưởng liên tục, nhưng nếu chỉ nhìn vào thị trường Việt Nam bị giới hạn bởi hơn 80 triệu dân thì đến một thời điểm nào đó sẽ hết tăng trưởng. Cho nên Viettel phải đi ra nước ngoài để mở rộng thị trường và cũng là đặt mình trong thách thức. Việc đầu tư ra nước ngoài đã trở thành chiến lược của Viettel. Hiện nay, Viettel đang xúc tiến và đẩy mạnh các dự án đầu tư nước ngoài của mình, nhất là trong khu vực Đông Dương với mục tiêu tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của Viettel sẽ nhanh chóng đạt tới con số 100 triệu USD trong thời gian tới.

 

(Theo Trần Bình // Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao