Các ngân hàng phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ và công khai, minh bạch trong quy trình vay, cho vay để đảm bảo nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích.
Các ngân hàng bắt đầu nhận yêu cầu vay vốn của khách hàng theo chương trình hỗ trợ lãi suất |
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố để triển khai Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay sản xuất - kinh doanh, các tổ chức tín dụng đã nhanh chóng bắt tay vào việc. Các ngân hàng bắt đầu nhận yêu cầu vay vốn của khách, lên kế hoạch hỗ trợ cụ thể để sớm trình Ngân hàng Nhà nước và tập trung xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát để khoản vốn vay quan trọng này đạt hiệu quả.
Tiến sĩ Đoàn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) cho biết, lãnh đạo LienVietBank đã họp bàn và có văn bản hướng dẫn cụ thể về đối tượng, quy trình và phương thức hỗ trợ tới tất cả các chi nhánh. Tuy nhiên, gói kích cầu nhằm tạo ra khoảng 420.000 tỷ đồng vốn vay với lãi suất thấp lần này đạt hiệu quả đến đâu còn phụ thuộc vào việc triển khai có đến đúng đối tượng, đúng mục đích hay không.
“Nếu khoản vốn hỗ trợ không đến đúng đối tượng vay, không được đối tượng vay sử dụng đúng mục đích sản xuất - kinh doanh, thì hiệu quả của gói kích cầu sẽ bị hạn chế. Chính vì thế, chúng tôi yêu cầu các chi nhánh kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng tới từng khách hàng, từng dự án, đảm bảo số vốn vay với lãi suất hỗ trợ đến đúng đối tượng. Giám đốc các chi nhánh và từng cán bộ thực hiện quy trình cho vay phải chịu trách nhiệm cao nhất trước lãnh đạo ngân hàng”, ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, có hai khả năng có thể xảy ra đối với khoản vay được hỗ trợ lãi suất lần này. Thứ nhất, khách hàng có thể vay vốn được hỗ trợ lãi suất của ngân hàng để trả khoản nợ có lãi suất cao vay từ năm 2008 của chính ngân hàng này (đảo nợ). Thứ hai, các ngân hàng sẽ cạnh tranh, lôi kéo khách hàng của nhau; cùng cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất, nhưng dịch vụ, mạng lưới, quy trình của ngân hàng nào tốt hơn, nhanh gọn hơn sẽ kéo được nhiều doanh nghiệp hơn.
Trường hợp này, nếu ngân hàng nhận thấy dự án của doanh nghiệp là tốt thì không có lý do gì để từ chối.
“Đối với LienVietBank, chúng tôi chỉ đạo các chi nhánh và nhân viên thẩm định tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cho vay đảo nợ như trường hợp thứ nhất. Chúng tôi sẽ giám sát nghiêm và có chế tài xử phạt nếu xảy ra vi phạm”, ông Thắng cho hay.
Theo ông Phạm Đức Tú, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), quy trình, phương thức cho vay và cơ chế quản lý lượng vốn vay ưu đãi sẽ được BIDV công bố công khai đến khách hàng để tránh những tiêu cực có thể xảy ra. Đánh giá đây là lượng vốn lớn và không đơn giản khi triển khai, ông Tú khẳng định, BIDV quy định rõ nhiều trách nhiệm của cán bộ ngân hàng và sẽ xử lý ngay nếu vi phạm.
Một vấn đề được xem là nhạy cảm, đó là liệu cán bộ ngân hàng và doanh nghiệp có bắt tay nhau theo kiểu “xin - cho” để doanh nghiệp dễ được vay vốn ưu đãi? Đây là câu chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, mà nói như một cán bộ ngân hàng lâu năm là, “nhân viên ngân hàng và doanh nghiệp sẽ đều nghĩ đến”. Ông Đoàn Văn Thắng cho rằng, ngoài sự ràng buộc của các quy định về kiểm tra, giám sát thì việc này còn phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp của mỗi cán bộ ngân hàng.
Được biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định thành lập Tổ công tác để tổ chức thực hiện Quyết định 131, gồm các vụ chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước, đại diện Bộ Tài chính, do Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến chỉ đạo. Tổ công tác sẽ triển khai, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai Quyết định 131, nhằm đảm bảo hiệu quả của gói kích thích kinh tế quan trọng này.
( Theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com