Vinamilk đang đầu tư mạnh vào vùng nguyên liệu để cung cấp cho nhà máy sữa nước sắp được khai trương. Ảnh: Hoàng Phi |
Tổng đàn bò sữa tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian sắp tới do các công ty sữa Việt Nam đang tích cực đầu tư mở rộng trang trại và hợp tác với hộ nông dân để gia tăng đàn bò sữa của mình nhằm tự chủ vùng nguyên liệu.
Vào tháng 6, Vinamilk sẽ xây dựng một trang trại bò sữa ở Thanh Hóa, nơi công ty này đã có một trang trại từ trước, với số lượng đàn bò có thể nuôi lên đến 8.000 con.
Toàn tỉnh Thanh Hóa, theo một số liệu, hiện có khoảng hơn 1.200 con bò, nhưng con số này sẽ thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới.
Cũng ở Thanh Hóa, theo bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, công ty đã được chính phủ đồng ý về nguyên tắc hợp tác với một nông trường có diện tích 2.600 héc-ta để đầu tư một trang trại nuôi bò lớn với chừng 25.000 con.
Vinamilk cũng đã nhận được giấy phép đầu tư một trang trại khác ở Tây Ninh từ một nông trường trồng hoa lan trên diện tích 700 héc-ta có thể nuôi 7.000 - 8.000 con bò nhằm tự túc nguyên liệu cho vùng phía Nam.
Hiện tại, theo bà Liên, Vinamilk đang tự túc được khoảng 27- 28% nguyên liệu sản xuất của mình, và từng bước đầu tư mở rộng đàn bò nhằm để tự túc được khoảng 35- 40% nguyên liệu vào năm 2020.
Theo một khảo sát của tiến sĩ Tống Xuân Chinh, đăng trên website của ngành sữa, tính đến cuối năm 2012, đàn bò sữa cả nước có gần 170.000 con, tăng gần 25.000 con so với năm trước, với mức tăng trưởng đạt 17%, trong đó lượng bò cái đang cho sữa chiếm khoảng 60%, với gần 100.000 con.
Đàn bò sữa này đã cho sản lượng khoảng hơn 75.000 tấn sữa bột.
TPHCM hiện là địa phương có số lượng đàn bò nhiều nhất với hơn 83.000 con, chiếm gần 50% số lượng đàn bò cả nước. Tỷ lệ bò cái vắt sữa ở TPHCM cũng ở mức cao với gần 55% trong tổng số đàn bò của mình.
Đứng thứ hai về số lượng đàn bò là Nghệ An với gần 30.000 con, trong đó chủ yếu là từ trang trại nuôi bò sữa của Công ty TH Milk và Vinamilk.
Hiện tại, đàn bò sữa ở trong nước mới chỉ cung cấp được khoảng 28% nguyên liệu sữa nước cho các nhà sản xuất trong nước, vì thế phần lớn nguyên liệu sữa phải nhập khẩu.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2012, tổng giá trị nhập khẩu sữa và sản phẩm đạt gần 850 triệu đô la Mỹ, tương đương so với năm 2011.
Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP), ông Trần Bảo Minh, cho rằng nhu cầu về sữa ở Việt Nam đang rất lớn trên một thị trường 3 tỉ đô la Mỹ.
Ông Minh cho rằng với tốc độ tăng trưởng 20% năm như hiện nay, thì việc phát triển đàn bò sữa cũng chỉ giải quyết được một nhu cầu nhỏ về nguyên liệu, và câu chuyện về nhập khẩu sữa sẽ còn kéo dài.
Việc phát triển đàn bò sữa sẽ gặp sự cạnh tranh mạnh mẽ từ tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nên quỹ đất để phát triển đàn bò sẽ khó tìm, cũng như nguồn nước khó đáp ứng đủ.
Nhưng việc đầu tư phát triển đàn bò sữa để tự túc nguồn nguyên liệu, theo ông Minh, là một chiến lược đúng.
Như IDP, hiện đang hỗ trợ nông dân nâng cao số lượng đàn bò sữa của mình, từ 3-5 con/hộ lên 7-10 con/hộ.
Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 60 doanh nghiệp sữa, chủ yếu cạnh tranh nhau về sữa nước.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com